Hàng chục nghìn chứng chỉ ngoại ngữ cấp sai quy định: Thận trọng tuyển sinh bằng IELTS
Thông tin hơn 56.200 chứng chỉ IELTS của Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam được cấp vào năm 2022 là sai quy định đang dấy lên nghi ngại về chất lượng của các loại chứng chỉ ngoại ngữ.
Chứng chỉ cấp sai quy định sẽ xử lý thế nào?
Theo thanh tra Bộ GDĐT, Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam được Bộ cho phép cùng các bên Việt Nam liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ IELTS từ ngày 17/11/2022.
Tuy nhiên, từ ngày 1/1 đến 9/9/2022, công ty này đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với tổng số 46.643 chứng chỉ.
Từ ngày 10/9 đến 16/11/2022, công ty đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với tổng số 9.587 chứng chỉ.
Như vậy, Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam đã cấp hơn 56.200 chứng chỉ IELTS sai quy định.
Trong khi đó, ngày 15/6/2023, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) đã có công văn gửi các Sở GDĐT trong cả nước về việc sử dụng chứng chỉ để miễn thi bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Trong công văn nêu rõ: "Thí sinh đã đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được sử dụng chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài thi và cấp sau ngày 10/9/2022 để xét miễn thi bài thi ngoại ngữ theo quy định".
Với vi phạm nêu trên, nhiều người đặt câu hỏi về những chứng chỉ IELTS do Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam cấp khi chưa được phép nhưng thí sinh đã sử dụng để miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ hoặc xét tuyển đại học sẽ xử lý ra sao?
Về các biện pháp xử lý, theo thanh tra Bộ GDĐT, cơ quan này kiến nghị Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam rà soát toàn bộ hoạt động liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, thực hiện đúng các quy định cho phép.
Thanh tra Bộ cũng kiến nghị công ty này rà soát, báo cáo Cục Quản lý chất lượng, đề xuất hướng xử lý đối với số lượng chứng chỉ ngoại ngữ mà công ty đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Kết luận thanh tra cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ GDĐT giao Cục Quản lý chất lượng hướng dẫn Công ty IDP thực hiện xử lý đối với số lượng chứng chỉ ngoại ngữ mà công ty đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi chưa được phép.
Cần giảm nhẹ thiệt hại cho người học
Đây không phải lần đầu tiên Bộ GDĐT chấn chỉnh hoạt động liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Trước đó, vào cuối năm 2022, nhiều cơ sở tổ chức thi chưa đạt yêu cầu về hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết đã bị Bộ “tuýt còi” và phải đồng loạt dừng các kỳ thi IELTS, TOEFL, HSK (tiếng Trung), TOPIK (tiếng Hàn), NAT- TEST (tiếng Nhật)...
Lãnh đạo Bộ GDĐT thời điểm đó đã chỉ ra, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Hiện tượng thi hộ, gian lận hồ sơ, giả mạo giấy tờ... cũng đã được báo chí phản ánh.
Trong khi đó, những mùa tuyển sinh trở lại đây, các trường đại học có xu hướng tăng chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Cô Nguyễn Phương Linh, một giáo viên dạy môn Tiếng Anh tại Hà Nội cho rằng, những tiêu cực liên quan tới liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ gây dư luận xấu.
Theo cô Linh, việc cấp chứng chỉ IELTS sai quy định sẽ ảnh hưởng tới tính chính danh của chứng chỉ mà người học được nhận. Chứng chỉ cấp sai quy định sẽ gây bất lợi, thiệt thòi cho người học nếu bị các cơ sở đào tạo từ chối xét tuyển.
Còn trong trường hợp chứng chỉ đó lọt qua được khâu xét tuyển của các trường thì sẽ gây mất công bằng với các thí sinh không có chứng chỉ ngoại ngữ hoặc có điểm thi kém hơn.
Trao đổi với phóng viên, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, vi phạm nêu trên không phải là mới. Những vi phạm này đặt ra bài toán quản lý và xử lý vi phạm thế nào để các cơ sở tổ chức thi khác không coi thường pháp luật.
Bên cạnh biện pháp xử lý nghiêm đơn vị vi phạm (thậm chí cho dừng hoạt động), TS Lê Viết Khuyến cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép cho đơn vị đó hoạt động cần phải chịu trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc để tăng trách nhiệm quản lý.
Về phía người học, TS Khuyến nêu quan điểm, cơ quan quản lý nên xử lý theo hướng giảm nhẹ thiệt hại cho người học. Việc này không có nghĩa là công nhận những chứng chỉ đã cấp sai quy định mà mở cơ chế chỉ định một đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi, cấp chứng chỉ lại cho người học. Chi phi thi do đơn vị vi phạm chịu trách nhiệm.
Trước xu hướng tuyển sinh đại học ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, các trường nên tính toán, cân nhắc xem chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là một tiêu chí phụ trong tuyển sinh.