Hàn Quốc 'tân trang' bom hạt nhân cũ của Mỹ để đối phó với Triều Tiên?
Một học giả Mỹ đề xuất Hàn Quốc nên tân trang bom hạt nhân cũ của Mỹ để răn đe Triều Tiên bất chấp việc một số nhà quan sát lo ngại về việc Trung Quốc và Nga sẽ nổi giận.
Nhà phân tích cấp cao của Tập đoàn Rand, Bruce W. Bennett, tại diễn đàn an ninh ở Seoul đã đưa ra báo cáo về việc có tám đến mười hai quả bom B61 ở chế độ "sát thủ”, được thiết kế để phá hủy các sở chỉ huy và trung tâm kiểm soát ngầm, có thể được triển khai để răn đe Triều Tiên.
Báo cáo cho biết những quả bom này sẽ phục vụ cho "cả mục đích biểu tượng lẫn chiến dịch" như một phần của kế hoạch triển khai khoảng 180 vũ khí hạt nhân của Mỹ tới Hàn Quốc trong "vài năm tới".
Theo ông Bennett, Hàn Quốc có thể sẽ chi trả để hiện đại hóa khoảng 100 vũ khí hạt nhân chiến thuật cũ mà Mỹ đã lên kế hoạch loại bỏ. Sau đó, những vũ khí này có thể được lưu trữ ở Mỹ và vận chuyển đến Hàn Quốc trong trường hợp Triều Tiên tấn công.
Mỹ đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật lần gần nhất ở Hàn Quốc là vào những năm 1990 và hiện ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi việc đưa chúng trở lại. Tuy nhiên, ông Bennett cho biết việc cải tạo các cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân trước đây ở Hàn Quốc sẽ tốn kém.
Ông Bennett cho rằng Trung Quốc cũng có thể sẽ phản đối động thái này, đồng thời viện dẫn những phản đối trước đó của Bắc Kinh đối với kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa phòng không THAAD của Mỹ tại Seoul.
Một cuộc thăm dò được thực hiện ở Hàn Quốc vào đầu năm 2024 cho thấy 9 trong số 10 người được hỏi về vấn đề không thể phi hạt nhân hóa Triều Tiên, với 73% cho rằng Hàn Quốc nên phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình. Cuộc thăm dò do Viện Nghiên cứu Cao cấp Chey ủy quyền cho Gallup Korea thực hiện từ ngày 15/12 đến ngày 10/1.
Tuy vậy, việc Hàn Quốc tự phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình sẽ là một khoản chi phí khổng lồ. Ông Bennett cho biết Seoul sẽ tiết kiệm hơn nếu thực hiện tài trợ cho việc hiện đại hóa 100 vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ, với chi phí ước tính là 3 nghìn tỷ won (2,2 tỷ USD), thay vì chi 1 nghìn tỷ won cho một vũ khí tự phát triển.
Không giống như Triều Tiên, Hàn Quốc thiếu hụt các mỏ uranium và có thể sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế nếu nước này bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Trong khi đó, dư luận Mỹ đã liên tục quay lưng lại với việc bảo vệ Hàn Quốc. Chỉ có 50% số người được hỏi trong một cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện vào tháng 9/2024 bởi Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu ủng hộ việc triển khai quân đội Mỹ để bảo vệ Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột. Con số này giảm từ 63% vào năm 2021 và 55% vào năm ngoái.
Cựu Phó Trợ lý Quốc phòng Mỹ phụ trách phát triển chiến lược và lực lượng Elbridge Colby cho rằng: "Tôi nghĩ chúng ta cần có một kế hoạch dựa trên thực tế. Nếu bạn cho rằng Mỹ sẽ hy sinh tất cả để chiến đấu với Triều Tiên, thì đó là một giả định thiếu thận trọng”.
Theo Giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị Park Won-gon tại Đại học Ewha Womans, “Seoul đang xem xét các lựa chọn khác nhau” tùy thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Ông Park cho biết, nếu ông Biden vẫn ở lại Nhà Trắng, không chắc rằng đề xuất hiện đại hóa sẽ được thúc đẩy. Tuy vậy, ông Park cũng cho rằng cựu Tổng thống Trump có thể có những ý tưởng khác, tùy thuộc vào sự sẵn sàng chi trả của phía Hàn Quốc.
Nhà phân tích cấp cao tại Viện tư vấn Sejong Cheong Seong-chang cho biết: “Việc dựa vào thiện chí của Tổng thống Mỹ để đối mặt với các mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên là vô cùng nguy hiểm. Lịch sử Mỹ cho thấy, các cam kết quốc phòng của nước này không phải lúc nào cũng được gìn giữ”.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Seoul Yang Moo-jin, việc tái triển khai bất kỳ vũ khí hạt nhân nào vào Hàn Quốc có thể sẽ khiến cả Bắc Kinh và Moscow nổi giận.