Hà Nội xây dựng 15 tiêu chí về trường học hạnh phúc | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội xây dựng 15 tiêu chí về trường học hạnh phúc; Giáo hội Phật giáo yêu cầu chùa Ba Vàng gỡ bỏ thông tin 'xá lợi tóc Đức Phật'... là những thông tin chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội xây dựng 15 tiêu chí về trường học hạnh phúc

Có một thời xã hội quan niệm học sinh đến trường là để học, để thu nhận kiến thức, để trở thành người tài. Để rồi, cả học sinh và phụ huynh rơi vào áp lực bởi những kỳ vọng đó. Gần đây, ngành giáo dục đã thay đổi quan điểm, hướng tới mục tiêu những ngôi trường hạnh phúc. Trường học là nơi mà trẻ em không chỉ học tập mà còn được vui chơi.

Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” dùng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm 3 tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn về con người; tiêu chuẩn về dạy học và hoạt động giáo dục; tiêu chuẩn về môi trường. Mỗi tiêu chuẩn bao gồm nhiều tiêu chí cụ thể với tổng số 15 tiêu chí được xây dựng. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội cho biết, với mong muốn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; học sinh, học viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu thương, tôn trọng, chia sẻ và thấu hiểu; ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống, Sở đã xây dựng bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” để giúp các nhà trường có cơ sở đối chiếu, tự đánh giá và có giải pháp phấn đấu đạt được các tiêu chí để xây dựng Trường học hạnh phúc.

Ảnh: Trường Marie Curie

Ảnh: Trường Marie Curie

Đại diện các đơn vị, nhà trường đều xác định, đây là căn cứ quan trọng để các trường học căn cứ điều kiện cụ thể về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, học sinh và tình hình thực tế tại địa phương để đưa ra những nội dung phù hợp và phấn đấu đạt được. Trước đó, bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” dành cho cấp học mầm non đã được ban hành, áp dụng và đem lại hiệu quả tích cực, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ.

Hạnh phúc vốn phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người, ở từng môi trường sống cụ thể. Nếu như học trò ở thành phố mơ về ngôi trường có nhiều trải nghiệm, ít áp lực thì với học sinh vùng cao, ăn đủ no, mặc đủ ấm và có nhà vệ sinh đã là hạnh phúc. Vậy làm thế nào để có trường học hạnh phúc, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới giáo dục? Mỗi nhà trường sẽ phải có câu trả lời riêng. Xây dựng trường học hạnh phúc phải là nhu cầu tự thân của mỗi nhà trường chứ không phải hoạt động mang tính phong trào, nhất thời hay áp tiêu chí thi đua. Những tiêu chí đưa ra sẽ chỉ là những mốc ban đầu để các nhà trường hướng tới.

Một trường học hạnh phúc là nơi mọi học sinh được yêu thương, tôn trọng, khuyến khích và thách thức; là nơi mà giáo viên được tạo điều kiện để sáng tạo, nâng cao năng lực và gắn kết; là nơi mà phụ huynh được hợp tác, tin tưởng và hỗ trợ. Một trường học hạnh phúc sẽ tạo ra những con người hạnh phúc, có đạo đức, có tài năng và có trách nhiệm với xã hội.

Giáo hội Phật giáo yêu cầu chùa Ba Vàng gỡ bỏ thông tin "xá lợi tóc Đức Phật"

Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu chùa Ba Vàng và Đại đức trụ trì gỡ bỏ ngay những giới thiệu về xá lợi tóc Đức Phật ở chùa Ba Vàng trên trang thông tin của chùa và của Đại đức Thích Trúc Thái Minh, cũng như các trang mạng xã hội liên hệ đến sự việc này.

Trước đó, chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) tổ chức trưng bày một vật được cho là tóc của Đức Phật, rất đông tín đồ đã đổ về đây để được chiêm bái. Clip xá lợi tóc của Đức Phật tự chuyển động không cần sự tác động của ngoại lực cũng được đăng tải lên trang thông tin của chùa và đại đức trụ trì. Vụ việc gây xôn xao dư luận. Theo phía chùa Ba Vàng, xá lợi Phật mà chùa tổ chức trưng bày là một trong tám sợi tóc mà Đức Phật tự tay nhổ trên đầu mình, trao cho hai thương nhân người Myanmar hơn 2.600 năm trước. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra hoài nghi và cho rằng xá lợi Phật chuyển động rất giống với cỏ pili. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, gửi gấp báo cáo giải trình về nguồn gốc xá lợi tóc Đức Phật và việc tổ chức sự kiện này.

"Xá lợi tóc Đức Phật" được trưng bày tại Chùa Ba Vàng từ 23/12 đến 27/12. Ảnh: Chùa Ba Vàng

"Xá lợi tóc Đức Phật" được trưng bày tại Chùa Ba Vàng từ 23/12 đến 27/12. Ảnh: Chùa Ba Vàng

UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra, xác minh lại sự việc, làm rõ việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam và việc tổ chức trưng bày cho phật tử và nhân dân đến chiêm bái “xá lợi tóc Đức Phật” tại chùa Ba Vàng của sư trụ trì, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và theo thẩm quyền nếu có vi phạm.

Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đề nghị thẩm định nguồn gốc “xá lợi tóc Đức Phật” được trưng bày tại chùa Ba Vàng trong những ngày qua để có thông tin chính thức về sự việc; đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo Ban Phật giáo Quốc tế và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chấn chỉnh các hoạt động không đúng với truyền thống của Phật giáo và xử lý nghiêm theo giới luật Phật giáo, Hiến chương và Quy chế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nếu các tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo liên quan đến vụ việc có sai phạm.

Hiện, tất cả các thông tin về xá lợi tóc Đức Phật trên các trang thông tin của chùa Ba Vàng đã được gỡ bỏ. Dư luận đặt câu hỏi về nguồn gốc, ai chịu trách nhiệm thẩm định “xá lợi tóc của Đức Phật” và có cơ sở khoa học nào để khẳng định đó là “xá lợi tóc của Đức Phật”. Việc chùa Ba Vàng rao truyền “ai dù chỉ một lần cung kính đảnh lễ, chiêm bái, cúng dường cũng được vô lượng phúc báu cho hiện đời và nhiều đời về sau” nhằm mục đích gì, có phải là “trục lợi” niềm tin và tiền bạc?

Niềm tin tôn giáo được xem là yếu tố thiêng liêng trong tâm hồn những người có đạo. Lợi dụng niềm tin của tín đồ để rao truyền mê tín dị đoan là hành vi đáng lên án; nếu lợi dụng sự mê muội của tín đồ để trục lợi bất chính thì không chỉ đáng lên án mà còn là hành vi vi phạm pháp luật./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-xay-dung-15-tieu-chi-ve-truong-hoc-hanh-phuc-ha-noi-tin-moi-chieu-211894.htm