Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Hiện tượng nghịch nhiệt (chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm quá lớn) khiến không khí Hà Nội và nhiều tỉnh khu vực phía Bắc ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hướng xấu đến sức khỏe.

Hà Nội vào mùa ô nhiễm không khí

Ngày 20/11, thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh thành có chất lượng không khí rất xấu từ sáng sớm. Theo số liệu từ trang công bố thông tin của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, ngày 20/11, nhiều điểm đo chất lượng không khí ở Hà Nội ô nhiễm nghiên trọng. Thời điểm không khí ô nhiễm nghiêm trọng nhất là trong khoảng từ 1-6 giờ sáng với mức ô nhiễm theo chỉ số AQI dao động trong khoảng 160-249, đây là mức cực kỳ nguy hại cho sức khỏe con người. Sau đó, chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội vẫn ở mức cao nhưng giảm dần, lúc 6h00 sáng nay, chỉ số AQI là 235 thì đến 8h00 còn 188 và đến 14h00 chiều nay còn 152.

Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Cho đến lúc 13h00 chiều nay, trên ứng dụng cảnh báo chất lượng không khí Air Visual, tại các khu vực của Hà Nội vẫn cảnh báo ô nhiễm không khí ở mức màu đỏ. Các khu vực ô nhiễm gồm đường Phạm Văn Đồng có chỉ số AQI là 180, Quảng Bá 161, Long Biên 156, Khu đô thị Ciputra 155, đường Xuân Diệu 153, đường Hoàng Quốc Việt 149, Mỹ Đình 136...

Còn tại ứng dụng của PAM Air vào lúc 13h53 phút, nhiều điểm ở Hà Nội có chỉ số AQI cao, cảnh báo ô nhiễm không khí mức màu đỏ như Thanh Xuân có chỉ số AQI 160, Nam Từ Liêm 154, Đội Cấn 156, Cầu Giấy 149...

Air Visual cảnh báo với điều kiện không khí này, người dân tránh tập thể dục ngoài trời, đóng cửa sổ để tránh không khí ô nhiễm bên ngoài, đeo khẩu trang đúng chuẩn khi ra đường và sử dụng máy lọc không khí để bảo vệ sức khỏe.

Các chuyên gia môi trường khuyến cáo, người dân cần hạn chế ra ngoài vào thời gian ô nhiễm, và nên hạn chế hoặc không tập thể dục buổi sáng. Ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất vào đêm, sáng sớm và chiều tối. Chính vì thế, người dân hạn chế đi tập thể dục buổi sáng bởi quá trình tập thể dục, việc thở gấp sẽ khiến lượng bụi vào cơ thể nhiều hơn.

Trước đó, ngày 19/11, nhiều địa phương có chất lượng không khí xấu là Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định và Hòa Bình với chỉ số AQI lần lượt là Hà Nội 156, Hòa Bình 167, Hưng Yên 189 và Nam Định 189. Đây là mức ô nhiễm gây hại cho sức khỏe con người. Dự báo tình trạng ô nhiễm không khí ở các tỉnh miền Bắc còn kéo dài trong những ngày tới cho đến khi có đợt gió mùa Đông Bắc tràn xuống nước ta.

TS Hoàng Dương Tùng, Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, ô nhiễm không khí một phần do nghịch nhiệt. Hiện tượng này xảy ra khi càng lên cao, nhiệt độ không khí càng cao (ngược với quy luật thông thường là càng lên cao, nhiệt độ càng thấp). Lớp nghịch nhiệt này giống như một cái mũ, ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao. Nếu phân bố nhiệt thông thường thì dễ dàng làm không khí ở mặt đất lên cao mang theo các chất ô nhiễm, phân tử khí. Cùng một lượng chất ô nhiễm sẽ được trải đều trên một lớp không khí dầy thì nồng độ ô nhiễm giảm đi. Thế nhưng khi xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt vào mùa này, cùng một lượng chất ô nhiễm đó chỉ nén lại làm nồng độ ô nhiễm đậm đặc hơn.

Giải bài toán ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Theo PGS.TS. Nguyễn Công Thành, Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), việc áp dụng các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí đem lại nhiều lợi ích tích cực cho xã hội, trong đó, lợi ích thường được quan tâm là giảm thiểu rủi ro sức khỏe cho con người. Từ những phân tích về hiệu quả của mỗi giải pháp và kết quả khảo sát ý kiến người dân, có thể gợi ý một số giải pháp cho Hà Nội.

Thứ nhất, cần tăng cường trồng cây xanh trong nội đô, đặc biệt khu vực ven đường giao thông nơi có mật độ xe lớn, mức ô nhiễm cao. Từ năm 2016 đến 2020, Hà Nội đã trồng mới hơn 1,5 triệu cây xanh, trong đó nhiều loại cây lần đầu tiên xuất hiện trên đường phố Thủ đô. Tuy nhiên, cây xanh được trồng theo tiêu chí cảnh quan là chủ đạo với nguyên tắc "đồng đều, đa dạng và đồng bộ về cả chủng loại, chiều cao và kích cỡ", tạo điểm nhấn đặc trưng trên một số tuyến phố.

Mục tiêu cải thiện chất lượng không khí chưa thực sự được chú trọng do việc trồng cây chưa tính tới khả năng khuếch tán khí thải, lọc bụi,… của hệ thống cây xanh, cũng như đặc thù nguồn thải, hướng gió của từng mùa, từng địa bàn. Vì vậy, ngoài việc tiếp tục tăng số lượng cây xanh, Hà Nội cần có nghiên cứu cụ thể về mô hình trồng cây xanh có đặc điểm chiều cao, khoảng cách phù hợp với điều kiện khí tượng, góp phần hấp thụ và khuếch tán khí thải nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Thứ hai, Hà Nội có thể dần thay đổi nhiên liệu trong đun nấu và trong giao thông. Trước đây, do điều kiện kinh tế và kiến thức về bếp tổ ong đều hạn chế, nên nhu cầu thay thế bếp than tổ ong bằng các loại bếp cải tiến còn thấp. Hà Nội đã đặt mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong vào năm 2020 và đến năm 2023 thì kết quả đạt được là xóa bỏ được 99%.

Về giải pháp thay nhiên liệu trong giao thông, xe buýt sử dụng khí nén CNG đã bắt đầu được triển khai ở Hà Nội. 50 xe buýt CNG bắt đầu vận hành từ 1/7/2018, kỳ vọng có thể giảm thải NOx so với xe diesel với mức giảm khoảng 37kg/xe mỗi năm (Lowell, 2013). Ngày 2/12/2021, các tuyến xe buýt điện cũng đi vào hoạt động, kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng Hà Nội. Lượng thải từ các xe vận hành thí điểm cần được đo đạc, thống kê để đánh giá được hiệu quả thực tế đối với chất lượng không khí tại Hà Nội.

Thứ ba, tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình giao thông công cộng để dần thay thế được nhu cầu đi lại bằng phương tiện cá nhân rất lớn của người dân. Hà Nội dự kiến sẽ cấm hoàn toàn xe máy vào năm 2030 và với khoảng 6,5 triệu chiếc đang hoạt động trong TP, hệ thống giao thông công cộng cần được đầu tư mở rộng để đáp ứng được số lượng người đang đi xe máy hiện tại. Tuy nhiên, không chỉ xây dựng hệ thống giao thông công cộng, cơ quan quản lý Nhà nước còn cần có biện pháp tác động thay đổi hành vi lựa chọn phương tiện giao thông của người dân.

Hiệu quả của các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí đô thị có mức độ khác nhau, trong đó phát triển hệ thống cây xanh, thay đổi nhiên liệu sạch và mở rộng mạng lưới giao thông công cộng không chỉ có hiệu quả, mà còn đáp ứng được mong muốn của người dân. Việc áp dụng các giải pháp này nên được nghiên cứu cụ thể về hiệu quả giảm thải, lợi ích sức khỏe,… để có cơ sở đưa ra các thay đổi cần thiết tại Hà Nội cũng như mở rộng phạm vi áp dụng ở các đô thị khác của Việt Nam.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-va-nhieu-tinh-phia-bac-o-nhiem-khong-khi-nghiem-trong-169231120143025445.htm