Hà Nội tận dụng cơ hội để quảng bá hình ảnh Thủ đô

Diễn ra tại Hà Nội từ 13-16/4/2023, Hội nghị hợp tác địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12, với chủ đề 'Hợp tác địa phương, động lực cho phục hồi, phát triển bền vững và toàn diện sau đại dịch', không chỉ là động lực to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa bền vững và nhân văn của hai nước mà còn là cơ hội quảng bá du lịch, mở ra những cơ hội hợp tác nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.

Các đại biểu tham dự Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12 đã có buổi tham quan, trải nghiệm hai di sản Hà Nội về đêm là Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Hoàng Thành Thăng Long.

Tập trung vào vấn đề mà các bên có tiềm năng và thế mạnh

Sự kiện trọng đại này do UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Hiệp hội các địa phương Pháp tổ chức, cùng sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Hội nghị đã đề cao các đối tác đang được triển khai, tập trung chủ yếu vào các vấn đề mà các bên có nhu cầu, tiềm năng và thế mạnh như môi trường, xử lý nước, quy hoạch và quản lý đô thị, TP bền vững, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa và du lịch, TP thông minh và số hóa.

Cụ thể, tại phiên Hội thảo chuyên đề về “Đô thị bền vững” do UBND TP Hà Nội và Hội đồng vùng Ile-de-France chủ trì, các đại biểu đã làm rõ nhiều nội dung, trong đó nhận định các địa phương của hai nước có điểm chung là phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến TP bền vững. Trong đó gặp khó khăn từ công tác quy hoạch, quản lý đô thị, xử lý nước thải…

Thông qua tham luận, các địa phương, cơ quan, đơn vị của hai nước đã đưa ra nhiều đề xuất, khuyến cáo phù hợp với đặc thù của từng quốc gia, địa phương và thể chế của mỗi nước để vượt qua khó khăn, thách thức. Đồng thời khẳng định, những trao đổi về vấn đề này vẫn chưa kết thúc, sau Hội nghị, các đơn vị sẽ tiếp tục tham vấn lẫn nhau để vượt qua khó khăn, thách thức. Tại phiên chuyên đề về “Văn hóa, Di sản và Du lịch”, các bên đã tích cực chuẩn bị nhiều bài tham luận. Đưa ra nhận định chung, “Văn hóa, Di sản và Du lịch” có nhiều thách thức và cơ hội đặt ra…

Bàn về phương thức hợp tác, các địa phương của hai nước nhấn mạnh có thể thể áp dụng công nghệ số trong quản lý và bảo tồn di sản; phát huy vai trò của nhà nước trong đưa ra qua hoạt động quy hoạch, chính sách bảo tồn. Tại phiên chuyên đề về “Môi trường, Nước và Xử lý nước”, các đại biểu đã chia thành 2 phần thảo luận. Nhận định chung là 2 nước đều phải đối mặt với khan hiếm nước và biến đổi khí hậu, từ đó đề xuất các địa phương có thể phát triển kỹ thuật; xây dựng chính sách công để quản lý nguồn nước hiệu quả đặc biệt trong nông nghiệp, tưới tiêu. Chính vì vậy, trong thời gian tới các địa phương sẽ tiếp tục hợp tác, trao đổi phi tập trung về quản lý nước; nâng cao kiến thức sử dụng, quản lý, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng trong thời gian tới bên cạnh kinh tế tuần hoàn.

Tại phiên chuyên đề về “TP thông minh - số hóa” các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính quyền điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị địa phương, sử dụng trí tuệ nhân tạo, IoT, công nghệ thông tin… để tối ưu hóa hiệu quả dịch vụ công của tỉnh, TP, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Với chủ đề tập trung chuyển đổi số để xây dựng TP thông minh, các đại biểu đã nhận định chuyển đổi số có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, giúp chúng ta chuyển đổi mô thức quản lý vận hành; phát triển, nhanh, bền vững, minh bạch hơn. Các bài tham luận đã đề xuất các chính sách, nhấn mạnh trong chuyển đổi số thì vấn đề con người là quan trọng và cần đặt vào trung tâm của các chính sách thực hiện.

Hình ảnh Thủ đô “An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn - Chất lượng”

Tối 15/4, các đại biểu tham dự Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12 đã có buổi tham quan, trải nghiệm hai di sản Hà Nội về đêm là Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Hoàng Thành Thăng Long. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các đại biểu được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ kính, hàm chứa nhiều giá trị văn hóa của trường ĐH đầu tiên của Việt Nam; được tìm hiểu về đạo học của người Việt.

Bên cạnh hoạt động giới thiệu lịch sử, kiến trúc của Văn Miếu, các đại biểu được xem hai triển lãm: “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” và “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản Hà Nội, giai đoạn 1898-1954”, do Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với nhóm chuyên gia người Pháp và Viện Viễn đông Bác Cổ thực hiện.

Theo GĐ Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, để phục vụ các đại biểu một cách tốt nhất, đơn vị đã bố trí nhân sự, hướng dẫn viên và các chương trình tham quan phù hợp để phục vụ chu đáo đoàn khách. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, cảnh quan đẹp để quảng bá địa điểm văn hóa nổi tiếng của Thủ đô với các đại biểu và du khách.

Đến với Hoàng Thành Thăng Long, các đại biểu được trải nghiệm tour “Đêm Hoàng cung Thăng Long” với nhiều hoạt động hấp dẫn, khám phá di sản Hoàng Thành và thưởng thức vở rối nước kể câu chuyện Thăng Long - Hà Nội trong không gian Hoàng Thành về đêm được trang trí lung linh, huyền ảo. Tại đây, cũng đang diễn ra trưng bày “Từ lòng đất đến bảo tàng: Hành trình của hiện vật”, là một trong các hoạt động trong khuôn khổ dự án hợp tác Hà Nội - Toulouse vừa được Trung tâm khai mạc, nhân Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng vừa tổ chức tọa đàm “Phát huy giá trị không gian khu khảo cổ học tại Hoàng Thành Thăng Long”, cũng là một trong các hoạt động hợp tác giữa Hà Nội - Toulouse…

Các đại biểu đều tỏ ra hào hứng và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với vẻ đẹp cổ kính, huyền diệu của di sản Hà Nội, cũng như công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Thủ đô. Chương trình tham quan của các đại biểu cũng là cơ hội tốt để Hà Nội quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô “An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn - Chất lượng” đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Trước đó, trong kế hoạch phối hợp tổ chức Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12, Sở Du lịch Hà Nội đã đề nghị các đơn vị, DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn TP phối hợp, triển khai thực hiện để phục vụ tốt nhất cho hội nghị.

Cụ thể, đối với các khu, điểm tham quan du lịch, các cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch phải bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, có tính độc đáo, hấp dẫn, chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.

Bên cạnh đó, các khu, điểm du lịch cần thực hiện đầy đủ, niêm yết công khai giá; Nghiêm cấm việc thực hiện các hành vi lừa đảo, trục lợi, chèo kéo khách du lịch ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch Thủ đô; Bảo đảm và tăng cường công tác an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... tại các khu, điểm tham quan du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-tan-dung-co-hoi-de-quang-ba-hinh-anh-thu-do-332490.html