Báo động sạt lở bờ biển, bờ sông ở Cà Mau

Là địa phương có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, hơn 10 năm qua, tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cùng tình trạng sụt lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan đã làm cho bờ sông, bờ biển của Cà Mau bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Đến nay, tổng chiều dài các đoạn bờ biển ở Cà Mau bị sạt lở khoảng 187/254km.

Sạt lở ven biển lấn sâu vào rừng phòng hộ nhiều nơi tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: N.Du.

Sạt lở ven biển lấn sâu vào rừng phòng hộ nhiều nơi tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: N.Du.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, hiện tổng chiều dài bờ biển đang tiếp tục bị sạt lở trên địa bàn khoảng 91km với các mức độ khác nhau, trong đó, bờ biển Tây sạt lở ở mức nguy hiểm 22km; bờ biển Ðông sạt lở ở mức đặc biệt nguy hiểm 29,15km, sạt lở ở mức nguy hiểm 40,3km. Với tốc độ sạt lở rất nghiêm trọng như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới sạt lở ven biển sẽ tiếp tục làm mất thêm rất nhiều đất, rừng phòng hộ. Khi đó việc xây dựng công trình bảo vệ sẽ rất tốn kém, rất khó khôi phục diện tích đất và cây rừng đã mất.

Bên cạnh sạt lở bờ biển, tình trạng sạt lở bờ sông ở Cà Mau diễn ra cũng khá nghiêm trọng. Thống kê từ Chi Cục thủy lợi tỉnh Cà Mau, 355 điểm sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài sạt lở lên tới 424.659m với mức độ khác nhau. Trong đó, tổng chiều dài sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm là 47.165m.

Tỉnh Cà Mau đã bước vào mùa mưa, tần suất mưa diễn ra ngày càng nhiều, người dân ở các huyện ven biển trên địa bàn lo lắng tình trạng sạt lở đất ven sông.

Trước tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông ở mức báo động, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục, bảo vệ sinh kế người dân trong vùng ảnh hưởng sạt lở. Tỉnh đã phối hợp Bộ NNPTNT, các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố Cà Mau xây dựng Đề án “Phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh”.

Theo đó, tỉnh Cà Mau cần đầu tư xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng ven biển, rừng phòng hộ ven biển; đầu tư xây dựng tuyến đê biển vừa kết hợp làm đường giao thông, ngăn triều cường, chắn sóng, ngăn chặn sạt lở, phát triển quỹ đất; đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở kết hợp trồng rừng; xây dựng các công trình sông tại các khu vực trọng điểm, vùng cửa sông, ven biển…

Tỉnh Cà Mau sẽ đầu tư xây dựng 177 công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, với kinh phí hơn 31.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, đầu tư xây dựng 30 công trình, với kinh phí trên 6.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030, đầu tư xây dựng 147 công trình, với kinh phí hơn 24.000 tỷ đồng…

Ðến nay, tỉnh Cà Mau đã hoàn thành 55,7km kè bảo vệ bờ biển, với tổng kinh phí 1.720 tỷ đồng, 9,2km kè bảo vệ bờ sông, kinh phí thực hiện 391 tỷ đồng. Những công trình kè chống sạt lở bờ biển được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy được hiệu quả, làm giảm sóng, chống sạt lở, bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000ha rừng phòng hộ.

Nguyên Du

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-dong-sat-lo-bo-bien-bo-song-o-ca-mau-10280077.html