Hà Nội là hình mẫu phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số
Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học.
Đây là gợi ý của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải về phương án pháp triển khoa học và công nghệ Thủ đô tại buổi tọa đàm lấy ý kiến sở, ngành, chuyên gia về định hướng, giải pháp phát triển KH&CN, TT&TT Thủ đô Hà Nội, phục vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, phối hợp cùng Sở TT&TT, Sở KH&CN tổ chức chiều 7/8.
Hội tụ tri thức và công nghệ
Đánh giá về hiện trạng phát triển khoa học & công nghệ Thủ đô giai đoạn 2011-2020, đại diện liên danh tư vấn tập trung nêu các hạn chế chủ yếu hiện nay như mạng lưới, tổ chức KH&CN chưa thực sự đồng bộ; chưa tạo động lực, kích thích mạnh mẽ cho doanh nghiệp đầu tư; hạ tầng cho phát triển khoa học và công nghệ chưa hiện đại, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; đội ngũ nhân lực, đặc biệt là nhân lực khoa học và công nghệ chưa đủ mạnh, thiếu các nhà khoa học đầu ngành…
Trên cơ sở chỉ rõ nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm, đơn vị tư vấn nêu các quan điểm về nguyên tắc, định hướng, giải pháp phát triển khoa học & công nghệ của Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050. Theo đó, khoa học công nghệ phải phục vụ quản trị đô thị; hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng công viên khoa học và công nghệ và Thủ đô thông minh;
Khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển đồng bộ chính quyền số, xã hội số và kinh tế số theo hướng bền vững; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo mô hình của các Thủ đô tại các nước phát triển.
Đồng thời, xác định Hà Nội sẽ đi đầu về số lượng các tổ chức KH&CN đạt trình độ quốc tế. Thủ đô cũng là hình mẫu, nơi dẫn dắt, hội tụ tri thức và công nghệ; lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong hoạt động đổi mới sáng tạo; lấy giá trị giao dịch công nghệ làm trọng tâm trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ….
Phương án phát triển TT&TT Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng được đơn vị liên danh tư vấn nêu rõ về định hướng chuyển đổi số, phát triển bưu chính số; phát triển hạ tầng số; chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, phát triển đô thị thông minh, bảo đảm an toàn thông tin mạng…
Về chuyển đổi số, định hướng đến năm 2025 phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại; tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Chính quyền số sẽ bao gồm phát triển các nền tảng số, dữ liệu số, ứng dụng dịch vụ số, hạ tầng số. Kinh tế số bao gồm kinh tế số ICT; kinh tế số nền tảng, kinh tế số ngành… Xã hội số bao gồm công dân số, kết nối số và văn hóa số.
Với lĩnh vực báo chí - truyền thông, các cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số mô hình, giao quyền tự chủ; thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực phát thanh - truyền hình; tăng cường chính sách phát triển xuất bản điện tử; nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở phát hành; nâng công suất, thay đổi công nghệ in phù hợp với xu thế và nhu cầu xã hội…
Xây dựng phương án phát triển cần bám sát đề cương chung
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở KH&CN, TT&TT báo cáo về việc phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai lập Quy hoạch Thủ đô của đơn vị và đề xuất những nội dung lớn, cần quan tâm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô và một số dự án lớn, trọng tâm của ngành, lĩnh vực.
Đại diện Sở TT&TT mong muốn các đơn vị tư vấn không chỉ dựa vào hệ thống thông tin, dữ liệu được cung cấp mà cần tiếp tục gặp gỡ, làm việc trực tiếp với từng bộ phận của các sở, ngành để hiểu rõ hơn về nội dung đang lập quy hoạch, trên cơ sở đó tham mưu “trúng và đúng” cho TP.
Tập trung đóng góp ý kiến về định hướng, giải pháp phát triển KH&CN, TT&TT Thủ đô Hà Nội, các chuyên gia cùng chung mong muốn các đơn vị tư vấn cần đánh giá đầy đủ, khách quan, tránh phiến diện về thực trạng phát triển của cả hai lĩnh vực; làm rõ vai trò, chức năng của những lĩnh vực này đặt ra trong bối cảnh mới.
Ngoài ra, các đơn vị cũng cần bám sát đề cương chung, các yêu cầu “đặt hàng” của chủ đầu tư, các nguyên tắc trong quá trình lập quy hoạch đã được TP chỉ rõ.
Đáng chú ý, đại diện một doanh nghiệp dự tọa đàm mong muốn những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học & công nghệ được thể hiện rõ nét trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải yêu cầu các sở, ngành tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục làm việc với đơn vị tư vấn. Các đơn vị tư vấn bám sát vào định hướng phát triển khoa học – công nghệ đã được TP nêu rõ nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo sự bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học.
Việc xây dựng hạ tầng TT&TT của Thủ đô bảo đảm an toàn thông tin mạng từ thiết kế; phát triển đồng bộ và liên kết chặt chẽ với nhau để tạo thành một chỉnh thể thống nhất, hiện đại trên cơ sở ứng dụng công nghệ số tiên tiến; có khả năng cung cấp các dịch vụ thông tin và truyền thông tin cậy với giá cả phù hợp cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi; đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu, các nguyên tắc lập quy hoạch phải theo hướng “động - mở - thông minh” trong bố trí, sắp xếp phân bố không gian, đúng như định hướng đã được TP đề ra.