Hà Nội: Bảo đảm kỷ cương trong quản lý đầu tư xây dựng
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, diễn ra sáng 5/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ quan điểm tạo điều kiện hết sức, nhưng có kỷ cương, kỷ luật trong công tác quản lý đầu tư đô thị trên địa bàn.
Rút kinh nghiệm trong công tác quản lý đầu tư đô thị
Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm bày tỏ đánh giá cao nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XV. Cử tri cũng nêu ý kiến, kiến nghị với đại biểu QH về nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai, xây dựng hạ tầng cơ sở, triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn quận/huyện, công tác đầu tư công, phòng cháy, chữa cháy…
Đề cập đến vấn đề thiếu trường lớp, thiếu bãi đỗ xe ở phường Hoàng Liệt, đặc biệt là trong khu đô thị Linh Đàm, cử tri Nguyễn Văn Tần (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) đề nghị TP quan tâm, chỉ đạo việc bàn giao các ô đất do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) quản lý ở Linh Đàm để lập và đầu tư xây dựng các công trình công cộng phục vụ nhân dân. Cùng với đó, TP cần hỗ trợ bố trí nguồn vốn từ ngân sách TP để xây dựng trường học; xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư cấp tạm bãi đỗ xe đáp ứng nhu cầu người dân.
Cử tri quận Hoàng Mai cũng nêu việc quận Hoàng Mai có tốc độ đô thị hóa cao và dân số tăng đột biến, nhu cầu về trường học là rất bức thiết. Do vậy, cử tri đề nghị TP nên xem xét bổ sung nguồn vốn, quỹ đất để xây dựng trường học trên địa bàn quận đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, nghiên cứu thu hồi đất tại các dự án chậm triển khai để xây bãi xe phục vụ nhu cầu của người dân.
Cử tri xã Dương Xá, huyện Gia Lâm đề nghị các đại biểu QH quan tâm trình Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung trong việc lập tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong đó có điều chỉnh các nội dung còn bất cập như huyện Gia Lâm hiện chỉ được quy hoạch 60% đất đô thị, không phù hợp với mục tiêu phát triển thành quận. Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị Trung ương, TP Hà Nội quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vấn đề hoạt động Đội quản lý trật tự xây dựng; lập chủ trương đầu tư dự án đối với các cơ quan cấp huyện, xã…
Sau khi nghe Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền giải đáp các kiến nghị của cử tri, thay mặt các đại biểu QH thuộc đơn vị bầu cử số 4 TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã phát biểu tiếp thu ý kiến, kiến nghị và làm rõ thêm một số nội dung cử tri quan tâm.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, đến nay, Tổng Công ty HUD đã có văn bản bàn giao các ô đất quy hoạch cho TP. Quan điểm của TP trong việc này là khi tiếp nhận sẽ giao cho quận quản lý, sử dụng. Khi đó, quận phải kêu gọi đầu tư bằng nguồn xã hội hóa. Đối với trường học, nếu không có nhà đầu tư thì mới sử dụng ngân sách nhà nước. Đối với bãi đỗ xe, quận phải khuyến khích đầu tư bãi xe thông minh, cho phép xây dựng bãi đỗ xe cao tầng.
Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, từ việc này, TP cũng phải rút kinh nghiệm trong công tác quản lý đầu tư đô thị trên địa bàn; phải nêu rõ quan điểm, tạo điều kiện hết sức, nhưng có kỷ cương, kỷ luật. Chủ đầu tư dự án khu đô thị phải xây dựng hạ tầng trường học, bệnh viện trước mới cho xây nhà, bán nhà. Đối với các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm quy định, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, TP đã cho rà soát và tiến hành thu hồi; tới đây sẽ làm tiếp trên quan điểm “đã dừng là dừng, hủy ngay quyết định giao đất”.
Về điều chỉnh quy hoạch chung liên quan đến huyện Gia Lâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, nội dung này đã được đưa vào Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đối với kiến nghị liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị Giám đốc Công an TP chỉ đạo rà soát nhanh, nơi nào đủ các điều kiện an toàn thì cho hoạt động trở lại. Về đội quản lý trật tự xây dựng cấp huyện, Bí thư Hà Nội cho biết, TP đã có kiến nghị với Chính phủ cho phép duy trì thí điểm đến khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được ban hành. Việc duy trì tổ chức và hoạt động của đội cũng đã được đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Quyết tâm khởi công dự án đường Vành đai 4 trong tháng 6
Thông tin về tình hình dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, đến nay, TP đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 50% diện tích đất, 60% số mộ cũng đã được di dời. TP đang quyết tâm bàn giao từ 70% diện tích giải phóng mặt bằng trở lên và tiến hành khởi công trong tháng 6/2023. “TP có kết quả như vậy là nhờ sự vào cuộc trách nhiệm cao và rất quyết liệt của cấp ủy, chính quyền 7 quận, huyện có dự án đi qua; đặc biệt là nhờ sự ủng hộ của người dân. Sự đồng thuận của nhân dân rất quan trọng trong tất cả các công việc. Thuận lòng dân đều sẽ làm được”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, tổng số tiền giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội (58,6km) là khoảng 13.000 tỷ đồng, bao gồm phần đường cao tốc, đường song hành hai bên và 30m chiều ngang dự trữ làm đường sắt quốc gia. Tính ra, chi phí cho mỗi km đường Vành đai 4 khoảng hơn 360 tỷ đồng. “Con số này không lớn nếu so với đường Vành đai 2,5 chỉ hơn 1km mà chi phí hơn 2.500 tỷ đồng; đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục cũng chỉ hơn 1km mà chi phí hơn 7.600 tỷ đồng. Vì vậy, chúng ta làm sớm được ngày nào, làm đồng bộ thì tiết kiệm được rất lớn. Quan trọng hơn là đời sống người dân ổn định; không phải lo di dời, giải phóng mặt bằng”, ông Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Lưu ý tầm quan trọng, ý nghĩa của năm 2023, năm bản lề, sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, nhất là cấp cơ sở; phát huy tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình của Trung ương và Thành ủy Hà Nội.