Góp ý hoàn thiện quy định pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến trí tuệ nhân tạo
Sáng 18/12, tại TP HCM, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo góp ý dự thảo báo cáo 'Xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến trí tuệ nhân tạo'.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Lê Thị Hoàng Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết: Sau khi Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Do đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 552/QĐ-BTP ngày 12/04/2022 về kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (TTNT) đến năm 2030 và chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 của Bộ Tư pháp.
Từ năm 2021-2024, Bộ Tư pháp đã triển khai nhiều hoạt động. Trên cơ sở các nghiên cứu, thông tin, tài liệu thu thập được từ các hoạt động thực tế, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Báo cáo rà soát, đề xuất xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới TTNT để trình Thủ tướng Chính phủ. Tiến sĩ Lê Thị Hoàng Thanh hi vọng các đại biểu tham dự hội thảo sẽ tích cực thảo luận, góp ý về các giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Tại buổi hội thảo, bà Lưu Hương Ly, đại diện Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, sơ lược quá trình xây dựng dự thảo báo cáo và kết quả nghiên cứu những nội dung cơ bản về TTNT và kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc điều chỉnh TTNT nói chung, trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới TTNT nói riêng. Kết quả rà soát pháp luật Việt Nam về TTNT và sự phát triển của TTNT, quy chuẩn đạo đức của TTNT và định hướng phát triển cho pháp luật Việt Nam; nhu cầu hoàn thiện khung pháp lý của Việt Nam về trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hành chính của các đối tượng liên quan đến trí tuệ nhân tạo...
Theo báo cáo, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến TTNT như Luật giao dịch điện tử năm 2023, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, Luật Viễn thông năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành…
Bên cạnh đó, báo cáo cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Thông tin và Truyền thông trong dự án Luật công nghiệp công nghệ số, cần hoàn thiện các quy định về phân loại TTNT; các Bộ ngành chủ động nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoàn thiện luật chuyên ngành nhằm quản lý ứng dụng TTNT trong từng lĩnh vực cụ thể; kiến nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành các Nghị quyết và lựa chọn, công bố án lệ… liên quan trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan TTNT.
PGS.TS Vũ Thị Hồng Yến, Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Sài Gòn chia sẻ tại Hội thảo
(Ảnh: Hoàng Thịnh)
Góp ý dự thảo báo cáo, PGS.TS Vũ Thị Hồng Yến, Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Sài Gòn, đề nghị báo cáo làm rõ hơn đặc trưng, đặc thù cụ thể của TTNT. Liên quan việc sử dụng dữ liệu đầu vào trong TTNT, báo cáo nên bổ sung quy định về trách nhiệm xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình, trách nhiệm về bồi thường khi xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp theo Luật Sở hữu trí tuệ…
Buổi hội thảo diễn ra sôi nổi với các góp ý từ đại diện các Sở, ngành, các trường Đại học trên địa bàn thành phố liên quan chế định về bảo hiểm bắt buộc khi sử dụng TTNT. Vì điều này vô hình trung trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, người tiêu dùng khi sử dụng TTNT. Các góp ý khác tập trung vào các vấn đề xây dựng mục tiêu và pháp luật chuyên ngành; việc sử dụng thuật ngữ trong một số lĩnh vực như “xe ô tô tự hành”, hạn chế dùng từ “cấm”, án lệ…
Kết thúc Hội thảo, TS. Lê Thị Hoàng Thanh trân trọng cảm ơn sự quan tâm và tham gia ý kiến của các đại biểu trong việc nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến TTNT. Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp các thông tin tại Hội thảo để bổ sung, nghiên cứu, trình Báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng tiến độ đề ra.