Góp phần vì Thủ đô văn minh

Nhằm kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ chính sách đến phát triển hạ tầng, vận tải hành khách công cộng, tổ chức giao thông… Trong đó, thành phố quyết liệt triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết số 06/2015/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội ngày 1-12-2015), mang lại những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong 5 năm (2016-2020), tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giảm rõ rệt. Số điểm ùn tắc giao thông giảm từ 44 điểm vào cuối năm 2015 xuống còn 30 điểm vào năm 2020. Nhiều nút giao thông thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng đã cơ bản được giải quyết. Đặc biệt, năm 2019, Hà Nội là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thành tích giảm ùn tắc và giảm số vụ tai nạn giao thông đường bộ.

Là đô thị lớn, dự báo thời gian tới tình hình trật tự an toàn giao thông tại Hà Nội sẽ còn diễn biến phức tạp. Do đó, để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025 mỗi năm xóa 8-10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế các điểm phát sinh mới, việc phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng, giảm sử dụng phương tiện cá nhân là một giải pháp quan trọng. Các cơ quan chức năng, đơn vị cần triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 16-10-2020 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn giai đoạn 2021-2030; nâng cao chất lượng phục vụ, điều hành và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia...

Bên cạnh đó, cần thường xuyên rà soát các điểm có nguy cơ ùn tắc để tổ chức giao thông hợp lý, phù hợp với lưu lượng phương tiện thực tế, phát huy tối đa hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông hiện có; bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài. Đặc biệt, cần tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm để tạo tính răn đe, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Cùng với các giải pháp trên, việc tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật an toàn giao thông cũng cần được đẩy mạnh, theo cả bề rộng lẫn chiều sâu, đa dạng hình thức tuyên truyền tới từng đối tượng, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên; từ đó, xây dựng văn hóa giao thông an toàn, thân thiện. Một giải pháp mang tính căn bản, lâu dài khác, đó là huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ các tuyến vành đai, các trục hướng tâm, các công trình cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông... Ngoài ra, ưu tiên hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành giao thông và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, coi đây là nhóm giải pháp đột phá trong 5 năm tới.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Người tham gia giao thông tuyệt đối không thực hiện các hành vi vi phạm có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn, ùn tắc giao thông. Các hộ dân ven đường, người kinh doanh không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông… Tất cả cùng chung tay góp sức kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Quỳnh Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/983783/gop-phan-vi-thu-do-van-minh