Gợi lại ký ức một thời ở Liên Xô và Đông Âu
Tháng 12 về khi tiết trời tại Đông Âu đã bắt đầu có tuyết rơi thì ngay tại Thủ đô Hà Nội, ở trường quay của Đài truyền hình Việt Nam, khán giả đã có cơ hội được 'đi du lịch' đến vùng đất ấy qua những câu chuyện của các vị khách mời là những người đã từng sinh sống, làm việc và gắn bó với 'đường xa tuyết trắng'.
Trong cái lạnh đầu đông của Hà Nội, khán giả đã được cùng sống lại ký ức một thời xưa cũ ở Liên Xô và Đông Âu trong chương trình Quán Thanh xuân tháng 12.
Là người được học tập tại Liên Xô, tại chương trình, nhà ngoại giao Lại Ngọc Đoàn đã kể hành trình đến với đất nước Bạch Dương sau ngày giải phòng miền Nam không lâu.
Đó là một hành trình dài, nếu tính quãng đường đi thì độ nửa tháng nhưng cứ đến mỗi ga lại được nghỉ vài ngày. Nhưng có điều đặc biệt nhất là đến ga đầu tiên trên đất nước Liên Xô thì lứa học sinh của ông được các bác sĩ của nước bạn kiểm tra sức khỏe hết sức gắt gao. Những người sốt rét thì sẽ phải quay về Việt Nam, những người bị bệnh nhiệt đới thì phải dừng lại chữa khỏi bệnh mới được đi tiếp.
Điều đó chứng tỏ tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ Liên Xô với nước Việt Nam bởi khi ấy chúng ta mới bước ra khỏi cuộc chiến, cần có sức khỏe tốt để vượt qua mùa đông giá rét tại đây.
Cùng hoài niệm về quãng thời gian khó quên trong cuộc đời, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Quyên” - nhà văn Nguyễn Văn Thọ lại kể câu chuyện đi xuất khẩu lao động ở Cộng hòa dân chủ Đức.
Ông kể, khi đặt chân đến nước bạn điều đầu tiên làm ông xúc động đó là khi mở cánh tủ lạnh ra thấy đầy thức ăn. Vốn là một người lính kiên cường cầm súng nơi chiến trường nhưng ông đã bật khóc, khóc vì thương đất nước ta còn nghèo, thương những người đồng đội khi xưa phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, thương bà chị cả đời ngược xuôi buôn những túi đá trong chiếc tủ lạnh cũ ở quê nhà.
Dịch giả thơ Nga, Tiến sĩ Thụy Anh là người có nhiều duyên nợ với nước Nga. Bố, mẹ chị đều là những người gắn bó sâu sắc với Liên Xô và ông bà đã nuôi dạy cũng như truyền tình yêu cho cô con gái. Đến năm 1992, chị đã hiện thực hóa ước mơ của mình khi đặt chân đến đất nước này. Khi ấy đất nước Nga đã sang một thể chế khác nhưng thiên nhiên thì vẫn vậy, vẫn là nước Nga trong ký ức của chị.
Là gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình, nhà báo Duy Nghĩa vừa trở về từ Nga sau hơn 10 năm làm thường trú tại đây chia sẻ: Điều đầu tiên phải làm khi đặt chân đến nước Nga là thích nghi với thời tiết, khí hậu nơi đây. Vì đất nước này rất lạnh, thường xuyên có tuyết rơi. Sau đó phải khắc phục cái “tật” nói to, cách ngồi xổm rất “vô duyên”.
Nhà báo Duy Nghĩa cũng kể thêm, để học tốt tiếng bản địa, anh rất chịu khó đi chợ nghe các bà bán hàng nói. Mới đầu nghe không hiểu, cứ đưa tiền cho người ta, họ trả lại bao nhiêu thì cầm, nghe đi nghe lại nhiều rồi thành quen. Và chính vốn tiếng Nga phong phú đã giúp anh có lợi thế hơn khi đi tiếp xúc, phỏng vấn cho công việc làm báo sau này.
Cũng đến nước Nga nhưng để du học, Tiến sĩ Thụy Anh chia sẻ, năm đó chị không có học bổng nên vừa làm thêm vừa tiếp tục công việc học tập. Mặc dù điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng người Việt tại Nga khi ấy vẫn kiên cường bám trụ, theo đuổi con đường mà mình đã chọn.
Còn họa sĩ, nhà báo Đỗ Hương lại chia sẻ những kỷ niệm buồn trong cuộc đời mình. Bởi khi mọi người đang phăng phăng với công việc, với học hành thì chị không may bị liệt 2 năm và phải nằm viện. Thế nhưng, tâm hồn chị vẫn luôn lãng mạn với thiên nhiên và cả con người, văn hóa của đất nước Tiệp Khắc tươi đẹp. Và chính điều đó đã làm chị chiến thắng được bệnh tật trên nước bạn và sau về nước trở thành một nhà báo, một họa sĩ có tiếng tại Việt Nam.
Chương trình Quán Thanh xuân với chủ đề “Đường xa tuyết trắng” khép lại nhưng đã mở toang cánh cửa của những dòng ký ức miên man về đất nước Liên Xô (cũ, Nga hiện nay) và các nước Đông Âu. Chắc chắn những kỷ niệm tươi đẹp về đất nước bạn sẽ luôn là ký ức đẹp đẽ trong tâm khảm mỗi người, dù đã đến hoặc chưa có cơ hội được đến, được sống ở thời kỳ đó.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/goi-lai-ky-uc-mot-thoi-o-lien-xo-va-dong-au-100672.html