Gói hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động: Vì sao chưa có doanh nghiệp đăng ký tham gia?

Gói hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động trị giá 4.500 tỷ đồng vẫn chưa có bất kỳ doanh nghiệp nào trong tỉnh tham gia. Nguyên nhân vì sao và đâu là giải pháp?

Yêu cầu phải thay đổi công nghệ để được nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo việc làm cho người lao động sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Dây chuyền in tự động sản phẩm quần áo thể thao và găng tay tại Công ty TNHH Haivina ở khu công nghiệp Nam Sách. Ảnh: Thành Chung

Gói hỗ trợ là 1 trong 12 chính sách thuộc Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 có tổng trị giá 4.500 tỷ đồng sẽ hết hạn vào cuối tháng 6 năm nay. Tuy nhiên đến thời điểm này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chưa nhận được hồ sơ đăng ký tham gia của bất kỳ doanh nghiệp nào.

Thời điểm chưa phù hợp

Việc hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ) rất cần thiết để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, giúp tỉnh thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Theo ông Nguyễn Đức Thái, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), thay vì doanh nghiệp phải tốn một khoản tiền không nhỏ để tổ chức cho NLĐ tham gia các khóa đào tạo, nâng cao tay nghề phục vụ sản xuất tốt hơn thì Chính phủ đã hỗ trợ. Đây cũng là cách Nhà nước chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Vậy tại sao doanh nghiệp lại chưa quan tâm với chính sách hỗ trợ này? Nguyên nhân trước hết do các doanh nghiệp trong tỉnh đang tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh mà chưa có điều kiện để tổ chức cho NLĐ tham gia các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề. Ông Đinh Hữu Dũng, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương (TP Hải Dương) nhận định: “Công nhân, NLĐ được hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi lớn nhưng tôi thấy thời điểm này chưa phù hợp. Không ít doanh nghiệp trong tỉnh đang phải đầu tư thời gian, công sức để tập trung tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường hoặc hoàn thiện đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp phải tuyển thêm lao động, thậm chí một số thời điểm còn phải tổ chức tăng ca để kịp giao hàng thì rất khó có thể đưa NLĐ đi học tập, nâng cao tay nghề thời điểm này”.

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ chính những điều kiện của gói hỗ trợ. Theo quy định, chủ sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm hỗ trợ. Doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1, điều 42, Bộ luật Lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị nhận hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc 2020.

Theo quan điểm của ông Lê Viết Thụ, Giám đốc Công ty TNHH TBT (Thanh Hà) thì điều kiện doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu công nghệ mới nhận được hỗ trợ từ chương trình là rất khó. Do dịch bệnh, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, doanh thu sụt giảm nên nguồn kinh phí đầu tư cho đổi mới công nghệ không nhiều, thậm chí không có. Hơn nữa, đây là giai đoạn tập trung sản xuất nên nếu đổi mới công nghệ sẽ rất mất thời gian để NLĐ có thể tiếp cận và vận hành hiệu quả.

Sau dịch bệnh, việc tuyển dụng lao động của doanh nghiệp cũng gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải tuyển lao động thời vụ để đáp ứng tiến độ đơn hàng. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chí đóng bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ NLĐ đủ 12 tháng trở lên.

Nhiều doanh nghiệp đề xuất kéo dài thời gian thực hiện gói hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động

Đề xuất kéo dài thời gian thực hiện

Ngày 13.4, tại hội nghị trực tuyến đánh giá việc triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm của Tổng cục Nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã có rất nhiều vấn đề được các chủ sử dụng lao động nêu ra. Đáng chú ý là đề xuất kéo dài thời gian thực hiện gói hỗ trợ này.

Chị Lê Thị Kim Thoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Shint BVT (TP Hải Dương) bày tỏ: “Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có thể nghiên cứu kéo dài thời gian để các doanh nghiệp có thể tham gia chương trình hỗ trợ này đến hết năm 2022 hoặc đến đầu năm 2023. Nếu hết hạn vào tháng 6 tới thì không nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách".

Một số doanh nghiệp trong tỉnh cũng mong muốn thay đổi điều kiện về đổi mới công nghệ, bởi việc này không thể thực hiện ngay trong một sớm, một chiều mà cần thời gian và nguồn vốn đầu tư lớn. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn chưa biết đến chương trình hỗ trợ này của Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Đức Thái, trong tháng 5, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan, nhất là Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tuyên truyền, phổ biến để nhiều doanh nghiệp nắm bắt được chương trình hỗ trợ này. Những doanh nghiệp có nhu cầu nộp hồ sơ sẽ được đơn vị nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để sớm nhận được hỗ trợ. Sở cũng sẽ phối hợp một số trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp khảo sát và hướng dẫn một số doanh nghiệp tham gia. Các doanh nghiệp có thể trao đổi, góp ý trực tiếp những vướng mắc, khó khăn trong tiếp cận chính sách để Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sớm tham mưu, đề xuất phương án hỗ trợ phù hợp.

HẢI MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/goi-ho-tro-dao-tao-duy-tri-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-vi-sao-chua-co-doanh-nghiep-dang-ky-tham-gia-201550