Gỡ vướng để sớm hoàn thành thu phí không dừng
Qua 5 năm thực hiện, dự án thu phí không dừng nhiều lần lùi tiến độ do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về hành lang pháp lý.
Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Quyết định 07 mới sẽ tháo gỡ các vướng mắc, huy động sự vào cuộc của các bộ, ngành và chủ phương tiện để dự án hoàn thành vào cuối năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Chưa thành lập được doanh nghiệp dự án
Thưa Thứ trưởng, dự án thu phí không dừng hiện nay đang được triển khai thế nào?
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phê duyệt đề án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên do Công ty TNHH thu phí tự động VETC thực hiện.
Để có cơ sở triển khai, Bộ GTVT đã tham mưu Thủ tướng ban hành Quyết định 07/2017 về thu phí tự động không dừng, đến nay đã thực hiện được gần 3 năm.
Đến hết năm 2019 đã lắp đặt và vận hành 40/44 trạm. Tuy nhiên, số lượng thẻ đến nay mới đạt trên 850.000/3,5 triệu xe, trong đó có gần 30% nạp tiền sử dụng.
Với 4 dự án thuộc các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý do vướng mắc về nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị tại trạm (hiệp định vay vốn đã hết hạn), đặc biệt là việc điều chuyển VEC về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, khiến dự án chậm tiến độ.
Để giải quyết vướng mắc này, Bộ GTVT đã nhiều lần làm việc với VEC để tìm giải pháp. Tuy nhiên, do VEC vướng về nguồn vốn nên các vấn đề này sẽ phải có cơ chế đặc biệt, Bộ GTVT và VEC đang nghiên cứu để trình cơ chế riêng xin phép các cấp có thẩm quyền.
Đối với dự án BOO 2 đã được tổ chức đấu thầu rộng rãi, đã lựa chọn được nhà đầu tư liên danh Viettel. Tuy nhiên, đến nay liên danh vẫn chưa thành lập được doanh nghiệp dự án làm cơ sở thực hiện.
Qua 5 năm thực hiện, dự án đã phải nhiều lần lùi tiến độ, vì sao xảy ra thực trạng này, thưa Thứ trưởng?
Một số trạm đưa vào khai thác thu phí tự động không dừng đã tạo điều kiện cho người sử dụng, tăng cường quản lý Nhà nước, giám sát thu phí tại dự án BOT, nâng cao năng lực vận tải. Dự án đã triển khai chưa đạt được yêu cầu tiến độ đề ra theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Bộ GTVT đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm một số nước đã triển khai thành công ETC. Tuy nhiên, ở Việt Nam đây là mô hình rất mới nên trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về hành lang pháp lý.
Cụ thể đó là những vướng mắc gì, thưa Thứ trưởng?
Trong 3 năm thực hiện Quyết định 07 đã bộc lộ nhiều bất cập từ mô hình, đến quy trình, trách nhiệm giữa các đơn vị liên quan. Đầu tiên phải kể đến là dự án thu phí tự động không dừng bổ sung thành một điều kiện của các dự án BOT nên khi triển khai cần sự đồng lòng của nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ, ngân hàng cung cấp tín dụng cho dự án.
Bên cạnh đó, người dân hiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, lại chưa có quy định bắt buộc chủ phương tiện dán thẻ thu phí không dừng nên tỷ lệ dán thẻ và nạp tiền sử dụng rất thấp, khoảng 30% tổng phương tiện trong cả nước.
Điều này dẫn tới nguồn thu cho dự án không đảm bảo theo phương án tài chính, dẫn tới nhà cung cấp dịch vụ ETC gặp khó khăn trong phương án tài chính.
Một khó khăn khác là Quyết định 07 cũng yêu cầu nhà đầu tư BOT phải bàn giao toàn bộ trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ ETC.
Tuy nhiên, cơ sở pháp lý bàn giao trạm chưa rõ ràng khiến các nhà đầu tư BOT chưa đồng thuận, do tài sản trạm thu phí đang được thế chấp tại ngân hàng để vay vốn thực hiện dự án, không thể bàn giao.
Bên cạnh đó, quyết định 07 cũng giao nhà cung cấp dịch vụ ETC đầu tư thiết bị và vận hành trạm cũng chưa nhận được sự đồng thuận của các nhà đầu tư BOT.
Thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ liên quan đến 3 chủ thể: Nhà cung cấp dịch vụ, chủ phương tiện, nhà đầu tư BOT và ngân hàng nên cần kết nối thanh toán giữa tài khoản của các chủ thể trên trong hệ thống thanh toán liên ngân hàng.
Tuy nhiên, trong Quyết định 07 chưa quy định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà cung cấp dịch vụ thu phí nhằm thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.
Quyết định 07 cũng chưa quy định rõ chi phí triển khai thu phí tự động không dừng như chi phí trả cho nhà cung cấp dịch vụ, chi phí để nhà đầu tư BOT thực hiện quản lý, giám sát.
Thêm nữa, Quyết định 07 cũng quy định trong trường hợp chủ phương tiện qua trạm mà tài khoản trả trước không đủ tiền trả cho nhà cung cấp dịch vụ thì ghi nợ trên tài khoản và thông báo cho chủ phương tiện biết và có nghĩa vụ thanh toán trong 10 ngày.
Sau thời hạn nêu trên, nhà cung cấp dịch vụ có quyền khởi kiện. Trên thực tế khó thực hiện, do hành lang pháp lý từ chối cung cấp dịch vụ chưa đủ và việc khởi kiện để đòi khoản phí nhỏ khó khả thi.
Người dân thấy tiện ích sẽ sử dụng
Hiện nay, tỷ lệ người dán thẻ và nạp tiền sử dụng rất thấp, vậy giải pháp lần này là gì thưa Thứ trưởng?
Tôi đã từng đứng quan sát ở 3 trạm thu phí, thấy rằng nếu phương tiện nào có dán thẻ và nạp tiền đi qua trạm rất thuận tiện. Ngược lại, phương tiện không dán thẻ phải phanh gấp để dừng lại mua vé.
Qua đó cho thấy nếu người dân thấy tiện ích sẽ dùng. Vấn đề chúng ta phải làm để người dân thấy điều này. Việc bắt ép người dân dùng ngay sẽ rất khó.
Cũng giống như Nghị định 100 và việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm, đầu tiên đưa ra cũng gặp phản ứng của người dân. Sau quá trình tuyên truyền, người dân nhận thấy lợi ích, khi đó mới bắt buộc. Để tăng tỷ lệ người dùng, Bộ GTVT sẽ phân làn thuần thu phí không dừng và xử phạt theo Nghị định 100/2019.
“
Dự án thu phí tự động không dừng là hình thức đầu tư mới, phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể, trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có kinh nghiệm. Quyết định số 07 còn khá nhiều tồn tại, vướng mắc cần được chỉnh sửa để phù hợp với thực tiễn.
Yêu cầu đặt ra khi soạn thảo dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 07, đáng chú ý là việc phải quy định chi tiết, rõ ràng một số vấn đề về hệ thống thu phí tự động không dừng để tránh cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện; tạo cơ chế linh hoạt trong quá trình triển khai, hài hòa được lợi ích của các bên; bổ sung trách nhiệm của các cơ quan, bộ, ngành liên quan.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ
”
Những vướng mắc Thứ trưởng vừa nói sẽ được Bộ GTVT sửa đổi thế nào trong lần sửa quyết định 07 này?
Trước tiên, chúng ta cần khẳng định, không có quy định nào ngay từ khi ra đời đã bao quát hết được các vấn đề trong thực tiễn. Thu phí không dừng là lĩnh vực mới, nên trong quá trình thực hiện không tránh khỏi nảy sinh bất cập.
Dự thảo sửa đổi Quyết định 07 được Bộ GTVT soạn thảo trên cơ sở đánh giá kỹ những tồn tại từ thực tiễn triển khai và tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan để hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo sự đồng thuận, thống nhất cùng thực hiện.
Quyết định 07 có nhiều vấn đề cần sửa đổi, trước hết là về mô hình và trách nhiệm, thay vì chỉ quy định đơn vị cung cấp dịch vụ được lắp đặt thiết bị, dự thảo sẽ mở cho phép nhà đầu tư BOT có thể lựa chọn tự đầu tư thiết bị và kết nối với nhà cung cấp dịch vụ hoặc không đầu tư.
Bộ GTVT đề xuất cho phép nhà đầu tư dự án BOT và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động thỏa thuận về đơn vị quản lý trạm thu phí, thay vì nhà đầu tư dự án BOT bắt buộc phải chuyển giao quyền quản lý, vận hành trạm cho đơn vị thu phí tự động như trong Quyết định 07.
Để giải quyết thắc mắc về dòng tiền của chủ phương tiện nạp vào tài khoản giao thông, Bộ GTVT đề xuất đưa cả trách nhiệm ngân hàng và ngân hàng phải có hướng dẫn để kiểm soát dòng tiền này theo quy định. Dòng tiền về VETC sẽ được quản lý chặt chẽ.
Điểm quan trọng tiếp theo là thay vì bắt buộc tất cả các trạm phải lắp làn thu phí không dừng thì sẽ duy trì 1 làn hỗn hợp mỗi chiều lưu thông cho xe chưa kịp dán thẻ hay nạp tiền lưu thông, đến khi đủ điều kiện sẽ chuyển toàn bộ các làn sang thu phí không dừng.
Dự thảo cũng sửa đổi quy định, chủ phương tiện có trách nhiệm nộp tiền vào tài khoản thu phí qua hình thức nộp tiền tài khoản hoặc hình thức khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp chủ phương tiện sử dụng dịch vụ mà tài khoản không có, đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động ghi nợ trên tài khoản và thông báo cho chủ phương tiện.
Nếu Quyết định 07 sớm được Thủ tướng ban hành thì cơ bản, những vướng mắc thu phí không dừng sẽ được tháo gỡ. Dự kiến trong tháng 6, sẽ hoàn thành việc đàm phán với tất cả các nhà đầu tư để lắp đặt hệ thống ETC giai đoạn 2.
Trong 2 tháng tới, nhà đầu tư ETC sẽ tập trung hoàn thành các trạm cửa ngõ TP Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Bắc Ninh. Riêng trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, từ hôm nay (10/6) sẽ chính thức thu phí tự động không dừng.
Khung pháp lý cho hoạt động thu phí tự động không dừng đã được Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ, tăng tính khả thi và sự minh bạch tại các dự án BOT giao thông.
Mục tiêu Bộ GTVT đặt ra vẫn là phấn đấu sẽ hoàn thành đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng là cuối năm 2020 lắp đặt làn ETC trên các trạm thu phí cả nước. Trừ các trạm của VEC do vướng mắc về nguồn vốn Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và Bộ GTVT sẽ cùng tháo gỡ.
Việc sửa Quyết định 07 lần này, vấn đề quy định trách nhiệm cụ thể được đặt ra như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Qua quá trình thực hiện nảy sinh nhiều khó khăn, nhiều bộ, ngành liên quan nhưng lại chưa quy định trách nhiệm cụ thể. Với tinh thần cầu thị và tầm nhìn khách quan, tổng thể, hài hòa lợi ích các bên, việc sửa đổi Quyết định 07 lần này sẽ đề cập, bao quát hết các vấn đề liên quan đến thu phí không dừng.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật sẽ chi tiết và cụ thể hóa trong quyết định. Đặc biệt là sẽ xác định đúng về mô hình, quan điểm chỉ đạo, rõ trách nhiệm của cơ quan. Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng vào cuộc với trách nhiệm rõ ràng, không chung chung như trước đây.
Có thực tế là ngay cả Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại cho nhà đầu tư vay vốn nhưng lại không có sự chia sẻ khi nhà đầu tư phải chịu lỗ.
“Nước nổi, bèo nổi”, Quyết định 07 mới sẽ đưa ra cơ chế chia sẻ giữa ngân hàng, nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ, có lợi cùng hưởng, lỗ cùng chịu. Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo chung về nội dung này. Cần sự đồng lòng, hợp sức giữa các bên để năm 2020 thu phí không dừng đi vào cuộc sống.