Gỡ bỏ rào cản chuyển đổi số để doanh nghiệp nhà nước phát triển
Trao đổi với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, công nghệ thông tin - truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng với Việt Nam, phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách phát triển. Tuy nhiên, tiến trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước hiện nay còn chậm và gặp không ít thách thức…
PV: Chuyển đối số trong khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là lĩnh vực được Chính phủ quan tâm thúc đẩy trong nhiều năm qua. Tuy nhiên đến nay có nhiều ý kiến cho rằng, kết quả chưa tướng xứng với kỳ vọng. Ông có nhận định thế nào về bức tranh chuyển đối số trong khu vực DNNN hiện nay?
Ông Nguyễn Thanh Tuyên: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các địa phương, doanh nghiệp (DN) trên thế giới vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; giúp cho chính phủ các quốc gia hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn.
Với Việt Nam, phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách phát triển. Trong những năm gần đây DN nói chung và khu vực DNNN nói riêng đặt kỳ vọng rất cao vào chuyển đổi số…
Khi dịch Covid-19 lan rộng, dẫn tới những hạn chế tiếp xúc, giãn cách xã hội đã buộc DNNN phải ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến. DNNN ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, quản trị nội bộ…
Thống kê cho thấy có 92% DNNN đã có sự quan tâm hay thậm chí đã ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của mình. 98% DNNN kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ chuyển đổi số, như: giúp giảm chi phí (67%), giảm tiếp xúc trực tiếp (52%), nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (42%)… Tuy nhiên, số lượng các DN đã thành công trong chuyển đổi số ở Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt là các DN mang tính chất đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế của cả nước.
Khu vực DNNN trong quá trình triển khai có những khó khăn thách thức nhất định, đặc biệt là vấn đề về cơ chế. So với các DN khu vực ngoài nhà nước, DNNN phải tuân thủ một số quy định, rào cản khi DN triển khai chuyển đối số từ lựa chọn nhà thầu, định mức kỹ thuật, chi phí cho chuyển đổi số đến những quy định làm thay đổi quy trình vận hành.
Ngoài ra, DNNN cũng gặp phải thách thức chung như các DN khác, đó là yếu tố chủ quan về nhận thức, quyết tâm của lãnh đạo, nguồn lực tài chính, sự sẵn sàng của đội ngũ nhân viên, hạ tầng kỹ thuật, thông tin, khả năng đáp ứng công nghệ mới…
PV: Theo ông, để thúc đẩy tiến trình chuyển đối số trong DNNN đạt mục tiêu đề ra cần có giải pháp nào tháo gỡ khó khăn nêu trên?
Ngành Tài chính tiên phong trong chuyển đổi số
Trong bảng xếp hạng về chỉ số sẵn sàng công nghệ thông tin và truyền thông mà Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam thực hiện trong nhiều năm, qua thì ngành Tài chính là một trong những ngành đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Trên bình diện chung, ngành Tài chính đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin nền tảng hiệu đại, qua đó nâng cao khả năng quản lý từ trung ương cho đến địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ đề ra.
Ngành Tài chính là ngành có truyền thống thực hiện chuyển đổi số tương đối hiệu quả trong nhiều năm qua, cần được tiếp tục đầu tư phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên: Tôi cho rằng cần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho DNNN trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Đó là, hiện các quy định còn cứng nhắc về định mức kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số cần thay đổi. Ở góc độ DN cần nâng cao quyết tâm của lãnh đạo cũng như nhận thức của nhân viên, người lao động về chuyển đổi số; xác định mục tiêu chuyển đổi số sao cho phù hợp.
Không chỉ có thách thức khó khăn, DNNN có nhiều thuận lợi, nhưng chưa được phát huy tối đa trong quá trình chuyển đổi số. Chính phủ đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, qua đó hỗ trợ tích cực cho các DNNN rút ngắn khoảng cách về tốc độ chuyển đổi số.
Có thể nói, so với DN nói chung thì DNNN có thuận lợi là: được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo các ngành, nguồn lực nhà nước. So với DN bên ngoài, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, DNNN có nguồn lực tài chính, đội ngũ nhân lực có trình độ đào tạo tốt, có khả năng tiếp cận công nghệ mới nhanh hơn.
Giữa kỳ vọng mong muốn và thực tế bao giờ cũng có khoảng cách, vì vậy mỗi DNNN cần chọn lựa cách thức, mục tiêu có thể đo đếm được theo thời gian, kiểm chứng được, có cơ chế, đánh giá, giám sát các mục tiêu chuyển đổi số đề ra một cách hiệu quả, đúng thời gian, lộ trình.
PV: Với góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ thông tin - truyền thông, theo ông, lĩnh vực nào có tốc độ chuyển đổi số đáng ghi nhận?
Ông Nguyễn Thanh Tuyên: Có những lĩnh vực đã đi khá xa và đạt được thành công nhất định trong chuyển đổi số ở một số lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, thuế, hải quan, hàng không. Tuy nhiên, cũng có lĩnh vực chuyển đổi số chậm hơn.
Vì vậy, Chương trình chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông - vận tải, logicstics, quản lý tài nguyên môi trường. Những lĩnh vực này sẽ được ưu tiên chuyển đổi số trong thời gian từ nay đến 2025, tầm nhìn 2030. Tôi kỳ vọng DNNN cũng sẽ triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ của mình giúp nâng cao hiệu quả, phục vụ người dân, xã hội tốt hơn, thực hiện đúng chức năng và nghĩa vụ của DNNN.
Để chuyển đổi số trong khu vực DNNN phát triển, tôi cho rằng cần có sự nhận thức, đầu tư mạnh mẽ của DN, cũng như sự đồng hành của Chính phủ trong việc tạo cơ chế thông thoáng, gỡ bỏ rào cản quy định cứng nhắc bó buộc chưa phát huy được tính năng động của từng DN.
PV: Xin cảm ơn ông!
Chuyển đổi số là cuộc cánh mạng tư duy, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động sáng tạo
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số cho biết, chuyển đổi số gồm 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, bên cạnh hiệu lực của chính phủ số thì kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới.
Để thực hiện mục tiêu này, ông Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng, chuyển đổi số đòi hỏi một cái nhìn toàn cảnh, một cách làm tổng thể và chỉ thành công, hiệu quả với một tác động tổng thể của tất cả các yếu tố chuyển đổi cùng phối hợp. Tuy nhiên, đây là một trở ngại lớn trong cơ chế ra quyết định tại các DNNN.
Chuyển đổi số DNNN hiện nay đa phần mới chỉ dừng ở việc hoạch định, vấn đề tổ chức triển khai, đặc biệt xuống các cấp thấp của tổ chức đang là một điểm nghẽn lớn. Do vậy, chưa thực sự tạo ra được lợi thế cạnh tranh động cho doanh nghiệp nhà nước thông qua tiến trình chuyển đổi số.
Không có một mô hình hay phương thức chuyển đổi số cụ thể nào thích ứng và phù hợp cho mọi DN. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng tư duy, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động đổi mới, sáng tạo để định hình chiến lược và mô hình chuyển đổi phù hợp riêng cho DN của mình.