Giúp ngư dân thay đổi từ nhận thức đến hành động

'Quảng Trị không có tàu cá hoạt động vi phạm vùng biển nước ngoài', đó là khẳng định của đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ngày 12-5 vừa qua tại cuộc họp đánh giá khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của tỉnh.

Tìm hiểu về điều này, chúng tôi có dịp tham gia một đợt tuyên truyền do cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển (CSB) 2 tổ chức tại xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) về chống khai thác IUU.

Đại diện lãnh đạo Vùng Cảnh sát biển 2 trao quà hỗ trợ các gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn xã Triệu Lăng (Triệu Phong, Quảng Trị). Ảnh: TẤT THÀNH

Giới thiệu về con tàu mới của mình, anh Mai Khắc Quảng, thuyền trưởng tàu cá QT 92398 TS chia sẻ: “Đây là con tàu lớn, với nhiều trang thiết bị hiện đại, trị giá hơn 15 tỷ đồng. Tàu có thể hoạt động xa bờ cả tháng, khai thác ở các vùng biển xa. Nếu như trước đây, đối với những con tàu có công suất và tính năng hiện đại như con tàu này của tôi thì thuyền trưởng thoải mái bám theo các luồng cá để khai thác mà không cần quan tâm đó là vùng biển chung hay thuộc chủ quyền của nước nào, miễn là tàu có thu hoạch cao là được. Nhưng từ khi Ủy ban châu Âu áp dụng thẻ vàng đối với thủy, hải sản xuất khẩu của Việt Nam, được cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng, trong đó nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ CSB, Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, chúng tôi đã hiểu về tác hại của việc khai thác hải sản bất hợp pháp. Do vậy, không chỉ tàu của gia đình tôi mà các tàu khác trong huyện, trong tỉnh cũng đều bảo nhau tự giác chấp hành”.

Theo đồng chí Hà Sỹ Đồng, tính đến ngày 9-5, tổng số tàu cá trên toàn tỉnh là 2.286 chiếc, với tổng công suất 140.043CV. Trong đó, tàu cá dưới 6m là 1.840 chiếc, tàu cá trên 6m là 446 chiếc. Toàn tỉnh đã thực hiện đánh dấu tàu cá cho 442/446 tàu và cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 436/446 tàu. 100% tàu cá xuất, nhập lạch tại các đồn/trạm biên phòng tuyến biển đã được kiểm tra, kiểm soát. Thông qua hệ thống giám sát tàu cá, Chi cục Thủy sản phân công cán bộ trực giám sát, theo dõi chặt chẽ 24/7 đối với 100% tàu cá hoạt động trên biển nên trong thời gian qua không có tàu mất kết nối trên biển quá 10 ngày và không có tàu cá hoạt động vi phạm vùng biển nước ngoài. “Trước khi tàu của bà con ra khơi, chúng tôi đều phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là cán bộ của lực lượng CSB, Bộ đội Biên phòng tuyên truyền cho bà con thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, bảo đảm khi làm ăn trên biển, bà con tự giác chấp hành, không vi phạm các quy định, góp phần để Ủy ban châu Âu sớm gỡ thẻ vàng đối với thủy, hải sản xuất khẩu của Việt Nam”, đồng chí Hà Sỹ Đồng cho biết.

Cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2 trao thùng đựng rác cho lực lượng đoàn viên, thanh niên huyện Triệu Phong để góp phần làm sạch môi trường biển. Ảnh: TẤT THÀNH

Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Vùng CSB 2 nêu kinh nghiệm: "Trước đây, một bộ phận ngư dân của nước ta có thói quen tự ý đi tìm ngư trường khai thác mới hoặc chạy theo sự di cư mùa vụ của các loại hải sản. Thực hiện khuyến cáo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU, cùng với các ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 2 luôn tích cực đồng hành, góp phần thay đổi nhận thức, hành động của bà con ngư dân khi hành nghề trên biển. Ngoài việc tổ chức tuyên truyền các quy định về chống khai thác IUU, chúng tôi thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển triển khai cho tất cả chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Những hoạt động trên đã góp phần quan trọng làm thay đổi từ nhận thức đến hành động của ngư dân khi đánh bắt thủy, hải sản trên biển".

ANH THÁI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/canh-sat-bien-dong-hanh-voi-ngu-dan/giup-ngu-dan-thay-doi-tu-nhan-thuc-den-hanh-dong-728984