Giữa lúc tình hình căng thẳng, ông Biden cảnh báo công dân Mỹ nhanh chóng rời khỏi Ukraine
Đài NBC ngày 10/2 đưa tin, trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine gia tăng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra lời cảnh báo đối với những công dân Mỹ còn ở nước này: Hãy rời khỏi Ukraine ngay!
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Đài phát thanh toàn quốc Mỹ NBC (National Broadcasting Company) ngày 10/2, ông Biden nói: "Các công dân Mỹ nên rời đi ngay bây giờ, chuyện này không giống như chúng ta đang đối phó với một nhóm khủng bố. Chúng ta đang đối phó với một trong những quân đội hùng mạnh nhất trên thế giới. Đây là một tình huống rất khác, mọi chuyện có thể nhanh chóng trở nên rất điên rồ!"
Người dẫn chương trình của NBC Lay Lester Holt hỏi ông Biden: “Trong hoàn cảnh nào thì ông sẽ cử quân đội đến giải cứu các công dân Mỹ chạy khỏi Ukraine”. Ông Biden trả lời: "Không, khi Mỹ và Nga bắt đầu giao chiến, đó sẽ là một cuộc chiến tranh thế giới lớn. Chúng ta đang ở trong một thế giới rất khác mà chúng ta chưa từng thấy trước đây”.
Đài NBC đưa tin về ông Biden cảnh báo công dân Mỹ rời khỏi Ukraine.
NBC cho biết, theo đánh giá của quân đội Mỹ và các cơ quan tình báo, quân đội Nga có thể tiến hành một cuộc "xâm lược" toàn diện vào Ukraine, và các xe tăng có thể đến thủ đô Kiev trong vòng 48 giờ.
Đồng thời, cuộc tập trận mang tên “Allied Resolve 2022” (Quyết tâm chung 2022) do Nga và Belarus tổ chức kéo dài 10 ngày đã bắt đầu từ ngày 10/2. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cuộc tập trận là hoạt động để chuẩn bị ngăn chặn và đẩy lùi các hành động xâm lược từ bên ngoài và là một phần của hoạt động phòng ngự. Hạm đội Biển Đen của Nga cũng sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đen, 6 tàu chiến của Nga đã từ Địa Trung Hải kéo đến Biển Đen.
Ukraine đã phê phán Nga lấy cớ tập trận để ngăn chặn các tuyến đường vận chuyển đường biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận chuyển hàng hóa của Ukraine và ngang nhiên coi thường các quy định và chuẩn tắc quốc tế. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng ra tuyên bố lên án việc Nga và Belarus tập kết quân đội ở biên giới với Ukraine là một thủ đoạn gây áp lực tâm lý.
Nhưng đồng thời, ông Biden cũng nói rằng Tổng thống Nga Putin "đủ thông minh để không làm bất cứ điều gì ảnh hưởng xấu đến công dân Mỹ".
Lester Holt hỏi liệu ông có nói với Putin rằng "Quyền công dân Mỹ là một ranh giới không thể xuyên thủng". Biden nói rằng ông không nói chính xác câu đó, nhưng ông Putin biết rõ điều này.
Sư đoàn Đổ bộ đường không số 82 của Mỹ đã được triển khai đến biên giới Ba Lan - Ukraine (Ảnh: Thepaper).
Theo NBC, cùng ngày 10/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đưa ra "cảnh báo" rằng trong trường hợp xảy ra xung đột ở biên giới Nga - Ukraine, Mỹ "sẽ không có khả năng sơ tán công dân Mỹ ở Ukraine", khi đó các dịch vụ thông thường của lãnh sự quán sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có nghĩa là người Mỹ ở Ukraine cần phải sơ tán càng sớm càng tốt.
Những lời "cảnh báo" của Tổng thống Joe Biden và Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm tiếp tục "châm lửa" cho tình hình Nga và Ukraine. Về vấn đề này, Nga đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc tương tự, nói rằng Nga không đe dọa bất kỳ ai và không có ý định tấn công bất kỳ ai, và giả thuyết về một "cuộc xâm lược của Nga" đã được sử dụng như một cái cớ để triển khai thêm thiết bị quân sự của NATO ở gần biên giới của Nga.
Ngày 7/2 theo giờ địa phương, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã đưa ra cảnh báo, đồng thời cáo buộc Mỹ và các nước phương Tây liên tục “phá hoại sự ổn định của tình hình”. Ông cho rằng cái gọi là "cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine" ở phương Tây là "vô ích và vô căn cứ" và là một sách lược của phương Tây nhằm làm leo thang căng thẳng. Ông nhấn mạnh rằng "Nga không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào cho bất kỳ ai".
Cục trưởng Tình báo Đối ngoại Nga Naryshkin: Ukraine đang ráo riết chuẩn bị khiêu khích Nga (Ảnh: TASS).
Ông Sergey Naryshkin, Cục trưởng Cục Tình báo Đối ngoại của Nga, hôm thứ Năm (10/2), cũng đã tố cáo Ukraine ráo riết chuẩn bị để khiêu khích Nga.
Ông Naryshkin nói, Ukraine không giấu giếm việc chuẩn bị cho chiến tranh. Tất cả các lực lượng vũ trang Ukraine đã tập trung trên tuyến tiếp xúc với Donbass. Hàng trăm tấn thiết bị quân sự và đạn dược đang được chuyển từ các căn cứ của quân đội Mỹ ở châu Âu, từ Vương quốc Anh và Canada đến Ukraina. Một đội ngũ các cố vấn và sĩ quan hướng dẫn của lực lượng đặc biệt NATO đang được thành lập; thậm chí còn có tin tức về sự tồn tại của các lực lượng cực đoan đa quốc gia.
Ông Naryshkin cáo buộc Cục An ninh và các lực lượng vũ trang Ukraine đã chuẩn bị khiêu khích trên tuyến tiếp xúc và định lặp lại vụ bịa đặt kiểu "mũ bảo hiểm trắng" ở Syria, đội ngũ tuyên truyền của truyền thông phương Tây tại đây cũng đang gia tăng. Tổ chức cứu hộ "Mũ bảo hiểm trắng", còn được gọi là "Lực lượng Phòng vệ Dân sự Syria" hoạt động tại các khu vực do lực lượng đối lập Syria kiểm soát. Nga từng lên án tổ chức này đã bịa đặt các vụ tập kích bằng vũ khí hóa học để vu khống Chính phủ Syria và có liên hệ với các tổ chức khủng bố.
Ông Naryshkin chỉ ra rằng phương Tây đã cáo buộc vô căn cứ rằng Nga đang có kế hoạch xâm lược Ukraine. Nga trước đây và hiện nay đều không có kế hoạch xâm lược Ukraine, tất cả những điều xung quanh vấn đề này đều là khiêu khích được dày công hoạch định, lời nói dối rất nguy hiểm và độc hại. Nga biết rõ ai đứng sau và chiến thuật mà họ sử dụng. Ông nhấn mạnh, chiến tranh không phù hợp lợi ích của người dân Nga và Ukraine, trong bất kì tình huống nào, chiến tranh đều mang lại hậu quả nặng nề.
Trong khi đó, vào lúc mây đen chiến tranh đang tiếp tục bao phủ biên giới giữa Nga và Ukraine, hôm thứ Năm (10/2) các tham mưu trưởng quân đội của Mỹ và Belarus đã trao đổi một cuộc điện thoại hiếm thấy để tránh tính toán sai tình huống khi Belarus và Nga tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Milley (trái) và Tham mưu trưởng Quân đội Belarus Gulevich điện đàm cho nhau hôm 10/2 (Ảnh: Đông Phương).
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley được cho là đã thảo luận với Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Belarus Viktor Gulevich về "các vấn đề quan trọng" liên quan đến an ninh khu vực.
Trong một văn bản thông báo, Lầu Năm Góc cho biết: “Cuộc điện đàm đã tạo điều kiện liên lạc giữa hai nhà lãnh đạo quân sự, từ đó giảm nguy cơ tính toán sai tình hình và có thêm quan điểm về tình hình an ninh hiện tại ở châu Âu”. Thông báo của Lầu Năm Góc cũng cho biết hai bên đã thỏa thuận giữ bí mật nội dung trao đổi.
Trong một diễn biến khác có liên quan, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đến thăm Ba Lan vào thứ Năm (10/2) và hội đàm với Thủ tướng Ba Lan Morawiecki và Tổng thống Duda để thảo luận về tình hình ở Ukraine. Thủ tướng Morawitsky nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn NATO tan rã, NATO cần phải duy trì sự đoàn kết. Ông Johnson nói rằng Ba Lan đóng một vai trò then chốt trong an ninh châu Âu và Anh sẵn sàng giúp đỡ; ông và Tổng thống Duda đã thảo luận về khả năng hạ nhiệt căng thẳng giữa Nga và Ukraine và khả năng giải quyết vấn đề thông qua kênh ngoại giao.