Giữ tinh hoa cho hạt lúa thơm Séng cù

Cuối thu, sương bảng lảng giăng như một lớp màn mỏng lên các bản làng vùng cao Mường Khương, trời với đất như hòa làm một. Ấy cũng là khi lúa Séng cù đặc sản Mường Khương chín rộ, nông dân vội vã vào vụ gặt.

Mỗi năm, rẻo đất biên cương này chỉ có thể cấy 1 vụ lúa. Từng có giai đoạn, cuộc sống người dân quẩn quanh với đói nghèo, thiếu lương thực trầm trọng. Giai đoạn đó, mục tiêu lớn nhất là giải quyết vấn đề đảm bảo lương thực. Những giống lúa lai năng suất cao được ưu tiên cấy trồng, còn giống lúa thơm bản địa, lúa đặc sản ít được gieo cấy. Thế nhưng, khi đã trải qua giai đoạn phải sản xuất lương thực bằng mọi giá, các hộ vùng cao không còn canh cánh nỗi lo giải bài toán về lương thực, việc sản xuất các loại lúa thơm đặc sản lại “tới thời”.

Séng cù là một trong những loại lúa thơm đặc sản đã gắn với địa danh Mường Khương từ nhiều năm nay. Các tràn ruộng bậc thang nằm trong thung lũng, xen giữa những ngọn núi cao lô nhô đá nhọn. Đất làm ruộng cũng được tích tụ từ ngàn đời, được bồi đắp từ những khe nước nhỏ chảy ra từ rừng già. Đất, đá hòa với nước, keo sơn gắn chặt với nhau thành từng mảnh ruộng rồi cứ thế làm nên cả một dải nối tiếp nhau tạo nên những cánh đồng hẹp trong các thung lũng. Những cánh đồng ấy cũng là nơi phù hợp nhất để lúa Séng cù bén rễ vươn cao. Qua những ngày nóng như đổ lửa, đến ngày thu dịu mát, đủ tháng, đủ ngày, lúa đơm bông kết hạt. Hạt lúa kết tinh trong đó đủ dưỡng chất của đất, của nước và của cả sương, cả nắng mới bắt đầu chậm rãi ngả vàng.

Lúa chín rộ, gia đình chị Vàng Thị Hỏi ở thôn Na Cạp, xã Lùng Khấu Nhin phải gọi “hội chị em” cùng thôn đổi công đi gặt. Cả cánh đồng giữa triền đất hẹp bên sông Xanh (thượng lưu sông Chảy) nhiều năm nay được người dân đưa lúa Séng cù lên cấy. Cả cánh đồng “chẳng nhiều nhặn gì” nhưng mỗi gia đình có vài mảnh ruộng, cũng xen kẽ với nhau, gối vào nhau như những nếp nhà vùng cao. Ngày trước, mỗi nhà cấy một giống lúa, ai thích ăn gạo gì thì cấy lúa đó. Séng cù là giống đặc sản nhưng nếu so với lúa lai hoặc các giống lúa mới thì năng suất “đuối” hơn hẳn. Thế nên, hộ thì cấy Séng cù, hộ thì cấy lúa lai, hộ lại trồng lúa nếp. Trên cùng một dải, theo gió, lúa thụ phấn chéo, chất lượng gạo cũng vì thế mà nhà ngon, nhà không.

Năm nay, khu này rủ nhau cùng cấy Séng cù. Nhà tôi cũng cấy dù… chẳng thích ăn

Chị Vàng Thị Hỏi, thôn Na Cạp, xã Lùng Khấu Nhin cười tươi nói

Mỗi năm, gia đình chị Hỏi thu được khoảng 3 tấn thóc Séng cù. Gạo Séng cù dẻo, thơm nhưng người lao động chân tay như chị Hỏi nhìn chung chẳng thích ăn vì… dẻo quá. Nói là không thích ăn nhưng từng có thời gian chị Hỏi đi làm xa quê, sau ngày lao động vất vả nằm mệt trong phòng trọ, ngửi khói cơm xôi nhà hàng xóm mà tự dưng nhớ bát cơm Séng cù ở quê nhà lam lũ. Mỗi lần nhớ nhà, điều đầu tiên chị Hỏi nhớ đến luôn là bát cơm Séng cù nóng hổi, ăn với ớt xanh giã với muối cũng đủ làm nên một bữa ngon.

Về quê gắn bó với nghề nông, chị Hỏi chọn cấy Séng cù vì được giá, lại dễ bán. Mỗi tấn thóc Séng cù, thương lái từ thành phố Lào Cai hoặc ngay ngoài thị trấn Mường Khương vào tận nhà chị thu mua với giá 17 triệu đồng. Mỗi năm, chị Hỏi kiếm được 40 - 50 triệu đồng từ giống lúa đặc sản này.

Cũng nói về lúa Séng cù, chị Nông Thị Thè ở thôn Na Cạp hồ hởi: Chăm Séng cù công sức bỏ ra gấp đôi lúa khác vì dễ bị sâu bệnh. Hơn nữa, hạt thóc lại có gai, dặm lắm, bông lúa thì dai, đập (tuốt) cũng mệt hơn các lúa khác. Nhưng mà chúng tôi vẫn cấy vì giống lúa này là nông sản nổi tiếng của quê hương, dù trồng vất vả nhưng bán được giá, lại còn giữ được… tiếng thơm.

“Gai” lúa mà chị Thè nhắc đến là một trong những “đặc điểm nhận dạng” rất riêng của lúa Séng cù. Lúa Séng cù trồng ở vùng cao, nơi khí hậu mát mẻ, ôn hòa thường có một chiếc gai mảnh như một chiếc “đuôi” ở phía cuối hạt thóc. Đây là dấu vết còn lại từ hoa lúa tiêu biến sau thụ phấn mà thành. Nơi khí hậu càng mát mẻ thì gai lúa càng dài, chất lượng gạo cũng ngon hơn.

Với “độ nổi tiếng” về sự thơm ngon, giống lúa này đã được trồng ở nhiều nơi cả trong và ngoài tỉnh. Lúa cũng được ngành nông nghiệp nhiều năm nghiên cứu phục tráng để lưu giống thuần chủng, giữ lại những tinh túy. Thế nhưng, lúa trồng ở Mường Khương, đặc biệt là các xã vùng cao như Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin, thị trấn Mường Khương vẫn luôn có chất lượng ngon nhất. Khí hậu mát mẻ, nguồn nước sạch, chăm bón theo phương thức hữu cơ truyền thống, gieo cấy vào giữa mùa hạ và gặt vào cuối thu… là những “bí quyết” để hạt gạo Séng cù có hương vị thơm ngon nhất. Những hạt gạo vừa trắng vừa trong như ngọc, như ngà dù được gói kín trong bao vẫn thơm ba gian nhà, đem nấu thành cơm cũng dịu thơm nửa như cốm mới, nửa như hương lúa mới trỗ ngoài đồng.

Chiều muộn, những bản làng vùng cao Mường Khương liêu xiêu dưới nắng chiều, ai đó châm lửa, đốt rơm rạ ngoài đồng chuẩn bị trồng cây vụ đông. Mùa này lặng gió, từng cột khói cuộn vào nhau cứ thế lên thẳng trời cao tít tắp như thể hòa vào mây. Hương lúa Séng cù cũng vẩn vào trong đám khói, mùi thơm không lẫn được vào đâu. Cái giống lúa thơm ấy, trồng trên rẻo cao sương nắng này, thơm đến cả khói đốt đồng cũng thơm…

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/giu-tinh-hoa-cho-hat-lua-thom-seng-cu-post374490.html