Giữ ổn định giá thịt lợn dịp Tết

Những ngày cận Tết, cũng như các tỉnh, thành trong cả nước, giá thịt lợn trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, so với mức tăng kỷ lục hồi giữa tháng 12-2019 thì hiện giá mặt hàng này đã giảm đáng kể và so với nhiều tỉnh trong khu vực, giá tại tỉnh ta đang thấp hơn từ 1-2 nghìn đồng/kg thịt hơi.

Từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, lượng thịt bán ra tại các siêu thị tăng mạnh, do có nguồn gốc rõ ràng và giá cả ổn định, không cao hơn nhiều so với ngoài chợ.

Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, với chính sách cho nhập khẩu thịt lợn của Chính phủ, cùng với đó là tổng đàn lợn Thái Nguyên duy trì được sau dịch, giá thịt lợn những ngày giáp và sau Tết được dự báo sẽ giữ ổn định nhưng vẫn ở mức cao như hiện nay.

Nếu như trước đây, giá thịt lợn trên thị trường có sự chênh lệch không đáng kể thì khoảng 5 năm trở lại đây đã khác. Ngoài sự chênh lệch giữa khu vực chợ thành thị với chợ nông thôn, thì giờ còn có sự chênh lệch giữa thịt ngoài chợ với thịt trong siêu thị, thậm chí là giữa siêu thị này với siêu thị kia và giữa thịt nuôi theo tiêu chuẩn CP với nuôi theo cách thông thường. Theo khảo sát của chúng tôi ngày 19-1 (tức 24 Tết), giá phổ biến ở nhiều chợ khu vực T.P Thái Nguyên như sau: Nạc vai, nạc thăn, xương sườn loại ngon có giá 150 nghìn đồng/ kg; mông sấn 120 nghìn đồng/ kg; xương chối, móng giò 100 nghìn đồng/kg… Tại các siêu thị, giá cao hơn trung bình từ 10-20 nghìn đồng/kg. Đơn cử như Siêu thị Minh Cầu, thịt vai sấn, ba chỉ, chân giò, thăn sấn, nạc mông có giá từ 150-154 nghìn đồng/kg; thịt nạc vai, nạc thăn, xương sườn vai có giá 162-165 nghìn đồng/kg; thịt lợn xay 154 nghìn đồng/kg; xương sườn thăn có mức giá cao nhất 170 nghìn đồng/kg; chân giò nguyên chiếc 145 nghìn đồng/kg. Tại hệ thống Siêu thị Vinmart, giá thịt lợn ba chỉ có da được bán với giá cao nhất là 55,5 nghìn đồng/gói 300g (tương ứng 185 nghìn đồng/kg), cao hơn 30 nghìn đồng/kg so với Siêu thị Minh Cầu, nhưng một số loại thịt khác thì có giá tương đương; riêng thịt lợn xay có mức giá thấp hơn, với 43,5 nghìn đồng/gói 300g (tương đương 145 nghìn đồng/kg), đó là chưa kể, từ ngày 16 đến 19-1, sản phẩm này được Vinmart khuyến mại, còn 39 nghìn đồng/gói 300g (tương đương 130 nghìn đồng/kg).

Theo ghi nhận của chúng tôi, mức giá hiện nay đang tạm thời được người tiêu dùng chấp nhận, vì mọi người đều hiểu, ngành chăn nuôi cả nước vừa phải đối mặt với dịch tả lợn châu Phi, khiến nguồn cung bị giảm mạnh. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu mức giá này không sớm được điều chỉnh giảm, sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, do đây là nguồn thực phẩm chủ yếu phục vụ bữa cơm hàng ngày của mỗi gia đình và theo nhiều người, giá thịt lợn duy trì ở mức 90-100 nghìn đồng/kg là phù hợp.

Ông Hoàng Văn Dũng chia sẻ thêm: Hiện giá lợn giống rất cao, lên tới trên 2 triệu đồng/con. Do đó, giá thành của loại lợn trên 1 tạ sẽ vào khoảng 3235 nghìn đồng/kg. Với giá bán trên 35 nghìn đồng/kg thịt lợn hơi là người chăn nuôi bắt đầu có lãi.

Còn theo ông Nguyễn Văn Kiên, xóm Ngò Thái, xã Tân Đức (Phú Bình): Giá cao nhất mà chúng tôi bán được là hồi giữa tháng 12-2019 là 95-97 nghìn đồng/kg. Khi đó, mỗi con lợn từ 1,2-1,4 tạ lãi trên 7 triệu đồng; còn với mức giá ổn định 82-84 nghìn đồng/kg như hiện tại, thì mỗi con chúng tôi lãi trên 4 triệu đồng. Trong đợt dịch bệnh vừa qua, gia đình tôi phải tiêu hủy trên 100 con lợn, trong đó có 7 con nái, với tổng trọng lượng hơn 6 tấn. Cùng với việc phải “bán chạy” lợn chưa mắc bệnh, tổng thiệt hại của gia đình tôi lên tới trên 300 triệu đồng. Rất may, với số lợn chưa mắc dịch mà gia đình tôi giữ lại nuôi, đã giúp thu lại số tiền lãi hơn 400 triệu đồng. Như vậy, sau khi trừ mọi thiệt hại do dịch, tính ra, năm 2019, gia đình vẫn lãi trên 100 triệu đồng từ lợn. Điều này giúp gia đình đón Tết vui hơn. Cũng theo ông Kiên, giá thịt lợn trong Tết sẽ giữ ổn định do nhiều hộ dân không còn những công việc lớn và các bếp ăn tập thể cũng giảm lượng hàng nhập.

Không chỉ người chăn nuôi trải qua 1 năm với nhiều thăng trầm, mà ngay với người kinh doanh mặt hàng này tại các chợ cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thị Nga, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Khu Nam, T.P Thái Nguyên chia sẻ: Tôi chỉ mong giá cả ổn định để việc buôn bán của mình được suôn sẻ. Vì lợn bị dịch bệnh hay giá tăng cao cũng đều khiến lượng tiêu thụ giảm mạnh, do nhiều người chuyển sang ăn cá, thịt bò, thịt trâu, thịt gà. Để có hàng bán trong dịp Tết, chúng tôi đều đã phải đặt hàng trước với những hộ nuôi và thống nhất về mức giá. Vì thế, nhiều khả năng, giá giáp Tết cũng chỉ như hiện nay.

Nhận định của bà Nga, ông Kiên là hoàn toàn có cơ sở, khi mà ông Nguyễn Phụ Hải, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam Chi nhánh Thái Nguyên ngày 19-1 đã khẳng định: Nhằm góp phần bình ổn giá thịt lợn trên thị trường, từ ngày 20 đến 24-1 (tức từ ngày 25 đến 30 Tết), Công ty sẽ giảm 6 nghìn đồng/kg. Trong đó, giảm 2 nghìn đồng/kg cho khách hàng kinh doanh, 4 nghìn đồng/kg cho người tiêu dùng.

Như vậy có thể thấy, với chính sách cho nhập khẩu khoảng 100 nghìn tấn thịt lợn từ cuối tháng 12-2019 đến hết quý I/2020 của Chính phủ đã giúp bình ổn giá thịt lợn trên thị trường cả nước, trong đó có Thái Nguyên. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm về loại mặt hàng này sẽ không tăng giá trong dịp Tết. Tuy nhiên, để sự ổn định này tiếp tục được duy trì, rất cần sự quản lý, theo dõi, giám sát của các cơ quan chức năng, nhất là Sở Công Thương và Quản lý thị trường tỉnh để người tiêu dùng yên tâm mua sắm.

Thu Hằng

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thi-truong/giu-on-dinh-gia-thit-lon-dip-tet-268679-105.html