Giữ mắt sáng cho trẻ
Trên 50% trẻ em tại TP HCM có nguy cơ mắc tật khúc xạ, nhiều phụ huynh nên sớm kiểm tra mắt cho con trước nghỉ hè
Gần hè, số lượng bệnh nhi đến Khoa Mắt, Bệnh viện Mắt TP HCM càng nhiều. Trực tiếp quan sát vào một ngày tháng 5, chúng tôi nhận thấy đã giữa trưa nhưng số bệnh nhi xếp hàng chờ đến lượt khám còn khá đông.
Cao điểm khám mắt
Chị Lương Thủy Ngọc (31 tuổi) cho biết đã đón xe khách từ Kiên Giang lên TP HCM để kịp khám mắt cho con gái vào buổi sáng. Ngoài mắc tật khúc xạ, con gái chị Ngọc còn được chẩn đoán bị lác (lé) mắt, cần phải can thiệp điều trị sớm và lâu dài.

Trẻ em đến Bệnh viện Mắt TP HCM khám mắt dịp hè ngày càng tăng
Ngay sau khi con trai vừa thi học kỳ 2 xong, chị Minh Thùy (35 tuổi, quận 12) dành một ngày để đưa con đi kiểm tra mắt. Chị Thùy bày tỏ: "Nghỉ hè, con thường ở nhà xem tivi, bấm điện thoại... Tôi cũng đi làm suốt nên không có nhiều thời gian chơi cùng con. Kiểm tra sớm để tôi an tâm hơn, nếu con bị cận thị thì bắt buộc phải "siết" lại thời gian dùng điện thoại của con".
BSCKII Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Khoa Mắt nhi Bệnh viện Mắt TP HCM, cho biết tật khúc xạ là tình trạng mà hình ảnh của vật không hội tụ đúng trên võng mạc của mắt. Tật khúc xạ bao gồm: cận thị, viễn thị và loạn thị.
Những năm gần đây, tỉ lệ trẻ mắc khúc xạ, đặc biệt là cận thị ngày càng cao. Cụ thể, tỉ lệ mắc tật khúc xạ ở nông thôn khoảng 10%-15%, thành thị khoảng 40%, Trong đó, TP HCM ghi nhận trên 50% trẻ có nguy cơ mắc.
Đa số phụ huynh ở các tỉnh, thành đều tranh thủ dịp nghỉ hè đưa con đến kiểm tra mắt, chính vì vậy những ngày này bệnh viện đang bước vào "cao điểm". Nhiều trẻ phát hiện trễ đã có dấu hiệu nhược thị, lác, bong võng mạc...
Trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 lượt khám mới. Theo BS Hạnh, có 2 nguyên nhân chính gây ra các tật khúc xạ là di truyền và yếu tố môi trường. Những năm gần đây, bệnh viện ghi nhận trường hợp trẻ nhỏ, từ 4-5 tuổi mắc độ cận thị rất cao, dao động từ 6-8 độ. Trong đó, nhiều trường hợp trẻ bị cận thị bẩm sinh mà phụ huynh không hay biết, chỉ đến khi đi học mới phát hiện thì thị lực đã giảm đáng kể.
Kiểm soát độ cận rất quan trọng
"Trẻ khoảng 1 tuổi là có thể đưa đi kiểm tra mắt. Việc tầm soát nên được thực hiện trước tuổi đi học (khoảng trước 6 tuổi) tại các bệnh viện chuyên khoa mắt. Sau đó, trẻ cần được kiểm tra lại từ 6 tháng đến 1 năm. Đối với trẻ đã đeo kính, thời gian tái khám nên rút ngắn còn 4-6 tháng để theo dõi sự thay đổi độ" - BS Hạnh thông tin.
BSCKI Trần Thị Thúy Ngân, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Quân Dân y Miền Đông (TP HCM), cho biết biểu hiện dễ thấy nhất của người mắc tật khúc xạ chính là mắt không nhìn rõ các vật ở xa, vật ở gần hoặc cả hai, nheo mắt kéo dài khi nhìn, nhìn chữ không rõ và có hiện tượng mỏi mắt. Ngoài ra, còn có thể bị nhức đầu kèm theo.
Khi phát hiện trẻ nhỏ có một trong những biểu hiện này, phụ huynh không nên cho trẻ kiểm tra thị lực tại các cửa hàng mắt kính thông thường mà phải đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa mắt, có các bác sĩ chuyên môn.
Đối với trẻ em bị tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị, phương pháp an toàn và tốt nhất vẫn là đeo kính gọng đúng độ và tái khám định kỳ. Kính áp tròng có thể được sử dụng cho trẻ lớn hơn nhưng cần bảo đảm vệ sinh nghiêm ngặt. Phẫu thuật laser điều trị tật khúc xạ chỉ thực hiện cho người bệnh trên 18 tuổi.
Tuy nhiên, BS Hạnh nhấn mạnh việc kiểm soát độ cận thị trước đó rất quan trọng, phụ huynh không nên chủ quan. Không phải tất cả trường hợp mắc tật khúc xạ đều có thể điều trị được bằng phẫu thuật. Nếu độ cận cao quá ngưỡng thì phẫu thuật sẽ không còn an toàn, hiệu quả nữa. "Những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra nếu tật khúc xạ không được kiểm soát tốt, bao gồm bong võng mạc, rách võng mạc, thoái hóa võng mạc, glocom, biến chứng lác mắt, nhược thị..." - bác sĩ Hạnh cũng cảnh báo.
58% học sinh bị tật khúc xạ
Năm học 2024-2025, TP HCM bắt đầu thực hiện chuyển đổi số dữ liệu khám sức khỏe học sinh trên địa bàn nhằm nhận diện mô hình bệnh tật học đường. Kết quả sơ bộ cho thấy tỉ lệ học sinh bị tật khúc xạ là 58,02% (trong đó, phát hiện mới là 24,88%), sâu răng 21,56%, thừa cân 20,62%, béo phì 17,20%, suy dinh dưỡng thể gầy còm 3,96%, suy dinh dưỡng thể thấp còi 2,42%, vẹo cột sống 2,05% và cong cột sống 0,69%.
Theo các chuyên gia, nhà trường cần bố trí độ cao bàn ghế phù hợp theo độ tuổi, chiều cao của học sinh, khoảng cách từ mắt học sinh đến bảng, thường xuyên nhắc nhở trẻ ngồi đúng tư thế, kiểm tra ánh sáng phòng học... Về phía gia đình, cần tăng cường bổ sung những thực phẩm giàu vitamin A, C, Omega-3. Đồng thời, kiểm soát thời gian trẻ dùng các thiết bị điện tử, khuyến khích trẻ chơi thể thao, tham gia các hoạt động ngoài trời cùng bạn bè.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giu-mat-sang-cho-tre-196250517233958125.htm