Giữ gìn kiến trúc văn hóa dân tộc

Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, có không gian kiến trúc nhà ở độc đáo, tạo nên những bản sắc riêng biệt. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm gìn giữ những nét truyền thống về không gian văn hóa, kiến trúc, nhà ở của cộng đồng các dân tộc.

Bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu là vùng lõi của khu du lịch quốc gia Mộc Châu với hơn 90% là đồng bào dân tộc Thái. Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, nơi đây còn tạo nên ấn tượng đặc biệt cho nhiều du khách trong và ngoài nước về một vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều hộ gia đình ở bản Áng đã tận dụng những nếp nhà sàn truyền thống cải tạo thành Homestay để đón khách.

Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Đông Sang, cho biết: Trên địa bàn bản Áng hiện có 65 hộ dân làm Homestay du lịch cộng đồng. Cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nhất là giữ gìn về không gian kiến trúc, nhà ở, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng thu hút du khách lưu trú và tạo dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch cộng đồng Đông Sang.

Những nếp nhà sàn truyền thống ở bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng.

Những nếp nhà sàn truyền thống ở bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng.

Xã Hua La, thành phố Sơn La đang thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Dân số xã có tới 95% là đồng bào dân tộc Thái. Đối với bà con nơi đây, nếp nhà sàn từ lâu đã gắn bó bền chặt với cuộc sống, là nơi hình thành văn hóa và nuôi dưỡng tâm hồn cho bao thế hệ. Những năm gần đây, mặc dù tốc độ đô thị hóa phát triển khá nhanh, tuy nhiên, nhiều hộ dân trên địa bàn xã vẫn gìn giữ vẻ đẹp của những ngôi nhà sàn truyền thống.

Ông Tòng Văn Xôm, bản Mòng, xã Hua La, chia sẻ: Ngôi nhà sàn của gia đình tôi được làm từ năm 1990, đến nay đã bị xuống cấp. Thời gian tới, gia đình sẽ dựng lại căn nhà sàn mới, để giữ được không gian sinh hoạt truyền thống của dân tộc mình. Do nguồn gỗ ngày càng khan hiếm nên tôi sẽ thay cột gỗ, gầm sàn bằng bê tông, mái lợp ngói.

Nhà văn hóa tổ 3, phường Chiềng An, Thành phố mang kiến trúc nhà sàn dân tộc Thái.

Nhà văn hóa tổ 3, phường Chiềng An, Thành phố mang kiến trúc nhà sàn dân tộc Thái.

Các công trình nhà văn hóa mang kiến trúc dân tộc cũng hiện hữu ở khắp các địa phương. Nhà văn hóa tổ 3, phường Chiềng An được xây dựng năm 2015, công trình được xây dựng bằng bê tông cốt thép, thiết kế theo kiến trúc nhà sàn của dân tộc Thái, đầu hồi 2 bên mái có biểu tượng khau cút. Bà Lò Thị Mai, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ 3, cho hay: Trước khi xây dựng nhà văn hóa, Thành phố đã tổ chức lấy ý kiến của bà con nhân dân, đa số các hộ dân trong bản đều nhất trí xây nhà văn hóa theo kiến trúc nhà sàn truyền thống. Khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng nhân dân rất tự hào, nhờ đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội họp, học tập cộng đồng diễn ra thường xuyên hơn.

Thực hiện xây dựng nông thôn mới và quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng xanh, nhanh, bền vững và đậm đà bản sắc dân tộc, các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng giữ gìn và phát huy giá trị không gian kiến trúc truyền thống của cộng đồng các dân tộc Sơn La, nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân, gắn với phát triển các loại hình du lịch. Không chỉ nhà ở dân cư, hiện nay, nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử mang tầm vóc lớn của tỉnh, như: Đền thờ đại tướng Võ Nguyên Giáp (thuộc Khu di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp rừng bản Nhọt, huyện Phù Yên); Đền thờ liệt sĩ tại Khu lịch sử - văn hóa đèo Pha Đin (huyện Thuận Châu); Nhà truyền thống lưu niệm tại Di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến (huyện Mộc Châu)… được xây dựng mang phong cách kiến trúc dân tộc, kết hợp hiện đại, đã tạo nên điểm nhấn đặc trưng cho miền đất Sơn La.

Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuộc Khu di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp rừng bản Nhọt, huyện Phù Yên.

Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuộc Khu di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp rừng bản Nhọt, huyện Phù Yên.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, thông tin: Việc bảo tồn kiến trúc nhà ở của cộng đồng các dân tộc là nội dung quan trọng trong định hướng phát triển du lịch của huyện Mộc Châu. Hiện nay, trên địa bàn huyện Mộc Châu có 4 bản du lịch cộng đồng là bản Vặt, xã Mường Sang; bản Dọi, xã Tân Lập; bản Tà Số 1,2 xã Chiềng Hắc và bản Áng, xã Đông Sang, bà con nhân các bản giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và những nếp nhà truyền thống, tạo nên những trải nghiệm và ấn tượng tốt với du khách.

Tiến sỹ Lương Hoài Thanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc, Trường Đại học Tây Bắc, cho rằng: Cùng với sự phát triển của xã hội, kiến trúc nhà ở không phải là một di sản bất biến mà luôn thay đổi, thích ứng với những biến đổi của thời đại. Hiện nay, bà con các dân tộc tại nhiều địa phương có xu hướng xây dựng nhà ở bằng các vật liệu mới, thiết kế thêm những không gian để phù hợp với cuộc sống hiện đại, tuy nhiên vẫn đảm bảo được những giá trị truyền thống về kết cấu, kiến trúc của ngôi nhà. Những thay đổi đó không làm mất đi bản sắc văn hóa là sự kế thừa phù hợp với phát triển của xã hội. Ngoài ra, việc bảo tồn giá trị không gian kiến trúc truyền thống phải xuất phát ngay từ nội tại của mỗi cộng đồng dân tộc, vì vậy, các địa phương cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền để đồng bào thêm trân trọng, muốn sống và gắn bó, thậm chí là tạo ra nguồn thu nhập từ ngôi nhà của mình.

Nhà văn hóa xóm 5, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai là nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ thường xuyên của bà con dân tộc trên địa bàn.

Nhà văn hóa xóm 5, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai là nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ thường xuyên của bà con dân tộc trên địa bàn.

Trong quy hoạch, xây dựng kiến trúc, cảnh quan, đầu tư phát triển hạ tầng, quy hoạch cảnh quan đô thị, các địa phương trong tỉnh tích hợp những nét kiến trúc văn hóa, độc đáo của cộng đồng dân tộc thiểu số, tránh “đồng bằng hóa”, hạn chế thấp nhất tình trạng mai một bản sắc riêng có của các cộng đồng dân tộc.

Hoàng Giang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/giu-gin-kien-truc-van-hoa-dan-toc-bLnenOjIR.html