Giữ bình yên vùng đồng bào Công giáo

Theo Công an tỉnh, công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trong vùng có đông đồng bào Công giáo sinh sống luôn được chú trọng. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cán bộ Công an H.Thống Nhất và các thành viên trong Tổ xóm đạo bình yên xã Gia Tân 2 (H.Thống Nhất) đến tận nhà người dân trò chuyện, tuyên truyền pháp luật. Ảnh: T.Tâm

Điển hình nhất là việc xây dựng, nhân rộng mô hình Tổ xóm đạo bình yên tại H.Thống Nhất - một trong những địa bàn có đông đồng bào Công giáo nhất trong toàn tỉnh.

* Sống tốt đời, đẹp đạo

Đồng Nai là một trong những địa phương có đông đồng bào Công giáo nhất cả nước với hơn 1,2 triệu giáo dân, chiếm khoảng 1/3 dân số toàn tỉnh. Trong đó, H.Thống Nhất là nơi tập trung đông đồng bào Công giáo. Để đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) khu vực đặc thù này, Công an huyện đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng, nhân rộng mô hình Tổ xóm đạo bình yên và đạt hiệu quả thiết thực.

Vào sáng chủ nhật 4-6, sau giờ lễ của người Công giáo, ông Vũ Thanh Phong, Trưởng ấp Bạch Lâm 1, xã Gia Tân 2, Tổ trưởng Tổ xóm đạo bình yên ấp Bạch Lâm 1 đã cùng 7 thành viên của Tổ xóm đạo bình yên ấp 2, xã Gia Tân 2 tập trung tại nhà ông Nguyễn Văn Trung (xã Gia Tân 2) để trò chuyện. Ngoài những câu chuyện đời thường về hoa màu, vườn tược, mọi người còn lồng ghép những câu chuyện pháp luật. Họ còn nói chuyện về tình hình ANTT trên địa bàn, nhất là những thủ đoạn gây án của các loại tội phạm công nghệ cao…

Thời gian tới, lực lượng công an sẽ tiếp tục phối hợp cùng chính quyền địa phương nhân rộng mô hình Tổ xóm đạo bình yên và đang xây dựng mô hình giữ gìn ANTT mới thí điểm tại một số khu vực có đông đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh. Sau khi đánh giá tính hiệu quả sẽ tiếp tục nhân rộng ra toàn địa bàn.

Thỉnh thoảng, ông Phong lại đem điện thoại ra bấm để tìm kiếm những vụ việc vừa xảy ra, những thủ đoạn mới nhất của tội phạm rồi đọc cho người dân nghe để họ hiểu hơn. Chỉ bằng những việc làm giản đơn như vậy vào mỗi cuối tuần hoặc những khoảng thời gian rảnh mà thành viên các Tổ xóm đạo bình yên có thể truyền đạt được rất nhiều thông tin pháp luật đến với người dân nơi đây.

Theo ông Phong, trên địa bàn xã Gia Tân 2 có hơn 90% đồng bào Công giáo. Với tính đặc thù này, chính quyền địa phương đã thành lập Tổ xóm đạo bình yên từ năm 2019 và duy trì cho đến nay. Các thành viên trong tổ đa số là những người có uy tín trong đồng bào Công giáo và đang tham gia các đoàn thể của giáo xứ.

Mục đích của Tổ xóm đạo bình yên là tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết, người dân trong xóm đạo luôn cảnh giác và phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm. Khi trên địa bàn xảy ra các vụ việc liên quan đến mâu thuẫn, tranh chấp hay vi phạm pháp luật…, thành viên của tổ sẽ cùng đến tham gia hòa giải hoặc gặp gỡ để can thiệp sớm khi sự việc mới manh nha.

“Chúng tôi tham gia Tổ xóm đạo bình yên với mong muốn góp phần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân luôn sống tốt đời - đẹp đạo, kính Chúa yêu nước. Mọi người cùng hòa thuận, đoàn kết và xây dựng địa bàn văn minh, không có tội phạm” - ông Phong chia sẻ.

* Nhân rộng mô hình giữ gìn ANTT trong vùng đồng bào Công giáo

Để Tổ xóm đạo bình yên hoạt động hiệu quả, luôn cần sự nhiệt huyết của từng thành viên trong Tổ. Đa số thành viên trong Tổ xóm đạo bình yên đều lớn tuổi, tham gia trong các đoàn thể giáo xứ nên luôn được người dân tín nhiệm và tin tưởng.

Là một trong những người tham gia từ ngày đầu mới thành lập Tổ xóm đạo bình yên nên ông Trần An Ninh (58 tuổi) từ lâu đã rất quen thuộc đối với giáo dân nơi đây. Ông Ninh kể lại, vào năm 2019, ông vừa tham gia công tác ở ban ấp, vừa tham gia đoàn thể trong giáo xứ. Vì tinh thần trách nhiệm trong cộng đồng, ông đã được mời trở thành thành viên của tổ và luôn nhiệt huyết cho đến hôm nay.

Theo ông Ninh, dù bản thân đã lớn tuổi và công việc bận rộn nhưng vì muốn góp sức xây dựng xã hội tốt đẹp hơn nên ông vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động của tổ. Ông đánh giá đây là mô hình rất tốt và mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực trong đồng bào Công giáo.

“Người Công giáo thường xuyên gặp gỡ, quen biết nhau từ những giờ đọc kinh, tham dự thánh lễ tại nhà thờ nên dễ gần gũi, trao đổi với nhau. Đôi khi chỉ vài ba câu hỏi han, tâm sự cũng có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân hoặc biết được các vấn đề mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc xảy ra từ trong các gia đình. Từ đó, Tổ sẽ có sự can thiệp sớm, không để tranh chấp, xô xát xảy ra gây mất ANTT” - ông Ninh cho hay.

Với hiệu quả từ mô hình Tổ xóm đạo bình yên, hiện nay, riêng xã Gia Tân 2 đã nhân rộng ra thành 5 tổ, xóm đạo bình yên ở 5 ấp, góp phần đưa pháp luật đến gần với dân hơn và ngăn chặn tội phạm ngay từ khi mới manh nha.

Thiếu tá Huỳnh Văn Tấn Đông, Phó trưởng Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an tỉnh đánh giá, thời gian qua, chính quyền địa phương nói chung và lực lượng công an nói riêng đã luôn củng cố, thắt chặt mối quan hệ tích cực giữa các giáo hội tôn giáo trên địa bàn. Đồng thời, luôn phát huy ảnh hưởng, tạo sự đồng thuận, hợp tác của các chức sắc, chức việc, người uy tín trong việc tổ chức, điều hành hoạt động tôn giáo và xây dựng có hiệu quả các mô hình giữ gìn ANTT trong đồng bào Công giáo trên địa bàn. Trong đó, mô hình Tổ xóm đạo bình yên thời gian qua đã phát huy hiệu quả trong các mặt công tác, góp phần giữ bình yên cho địa bàn.

Phạm Huệ

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202306/giu-binh-yen-vung-dong-bao-cong-giao-3168893/