Gìn giữ, phát huy truyền thống nơi khai sinh ngành Dầu khí
Hội Dầu khí Sông Hồng hoạt động tại tỉnh Thái Bình - nơi khai sinh của ngành Dầu khí Việt Nam. Mặc dù ra đời muộn và là chi hội 'mỏng' song Hội đã có nhiều hoạt động sôi nổi và ý nghĩa, đặc biệt là trong công tác gìn giữ và phát huy truyền thống dầu khí.
Thái Bình là “cái nôi” của ngành Dầu khí Việt Nam. Tuy nhiên, Hội Dầu khí Sông Hồng ra đời khá muộn, sau các chi hội Hà Nội, TP HCM, Vũng Tàu. Lý do vì lúc đó lực lượng chuyên gia của ngành còn lại ở đây rất mỏng; các doanh nghiệp dầu khí nhiều nhưng đều nhỏ, là các công ty con của các tổng công ty, trừ trường hợp Ban Quản lý Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Tháng 4-2013, Đại hội lần thứ nhất, Chi hội Dầu khí Thái Bình có 10 hội viên tập thể và 108 hội viên cá nhân, trong đó có 10 hội viên là cán bộ hưu, nhưng chỉ có 2 kỹ sư làm công tác chuyên sâu thăm dò khai thác dầu khí, còn lại là cán bộ quản lý. Số hội viên cá nhân đương chức là các cán bộ quản lý của các hội viên tập thể, tất cả còn rất trẻ.
Để phù hợp thực tế phát triển của Hội Dầu khí Việt Nam (DKVN), ngày 15-6-2023, Hội DKVN đã quyết định nâng cấp Chi hội Dầu khí Thái Bình thành Hội Dầu khí Sông Hồng. Do thay đổi về mặt tổ chức và thuyên chuyển công tác của các hội viên cá nhân, nên hiện tại, Hội có 10 hội viên tập thể (có những đơn vị đã chuyển đi và có đơn vị mới hình thành được công nhận là hội viên) và 87 hội viên cá nhân.
Ngay sau Đại hội lần thứ nhất, Hội Dầu khí Thái Bình trở thành Hội thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Thái Bình. Chủ tịch Hội được bầu vào Ban Chấp hành của Liên hiệp hội. Nhiều năm sau, đây là hội trực thuộc duy nhất của Hội DKVN tham gia Liên hiệp các Hội KH&KT địa phương.
Hiện tại, Hội Dầu khí Sông Hồng có 3 hội viên tham gia Ban Chấp hành Hội DKVN, trong đó có một ủy viên thường vụ. Với Liên hiệp các Hội KH&KT Thái Bình có 1 ủy viên Ban Chấp hành.
Trong quá trình hoạt động, Chi hội Dầu khí Thái Bình nay là Hội Dầu khí Sông Hồng đã có những hoạt động hết sức sôi nổi, dù với lực lượng rất mỏng so với các hội trực thuộc khác.
Về công tác tư vấn phản biện, đối với Đề án Thăm dò than Đồng bằng sông Hồng của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Đề án Quy hoạch khai thác than đồng bằng sông Hồng của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, ngay khi phát hiện những bất cập, thiếu sót của các đề án, Hội Dầu khí Sông Hồng đã tích cực, chủ động, mạnh dạn thông qua Hội DKVN, Liên hiệp các Hội KH&KT Thái Bình và Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam góp nhiều ý kiến cho chủ đầu tư để hoàn thiện các đề án. Những ý kiến này đã mang lại hiệu quả, tiết kiệm ngân sách Nhà nước một lượng không nhỏ.
Hội đã góp ý vào Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Công Thương; Quy chế phân cấp trữ lượng dầu khí của Bộ Công Thương; Góp ý Luật Dầu khí sửa đổi; Nghị định đầu tư ra nước ngoài về dầu khí.
Hội cũng đã đề xuất và tư vấn tổ chức Hội thảo Phát triển công nghiệp khí phía Bắc Việt Nam do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Hội DKVN tổ chức tại Thái Bình; góp ý về xây dựng Khu lưu niệm Công trình khai thác khí đầu tiên của Việt Nam.
Hội cũng tham gia các hoạt động của Liên hiệp các Hội KH&KT Thái Bình: Đóng góp ý kiến các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như góp ý các văn kiện Đại hội Đảng các cấp; Quy hoạch phát triển dịch vụ thương mại của thành phố Thái Bình đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045; Quy hoạch sử dụng và phát triển tài nguyên nước của tỉnh Thái Bình; Chương trình phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045…; Tham gia cuộc thi sáng tạo của tỉnh Thái Bình do Liên hiệp các Hội KH&KT Thái Bình tổ chức. Hội cũng luôn tích cực đóng góp nhiều ý kiến xây dựng và phát triển Liên hiệp hội.
Đặc biệt, Hội Dầu khí Sông Hồng bước đầu trực tiếp tham gia xây dựng Khu lưu niệm Dầu khí Đồng bằng sông Hồng; tham gia công tác truyền thông, cung cấp các tư liệu về truyền thống ngành Dầu khí; tổ chức cho các hội viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động hội với các hội trực thuộc Hội DKVN như Cà Mau, Quảng Ngãi, Mê Kông và đặc biệt nhiều lần với Hội Dầu khí Hà Nội tại Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa...
Tổ chức thăm và làm việc với các hội viên tập thể, kết nối các hội viên tập thể sử dụng dịch vụ của nhau; tư vấn và tham gia với Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức cho toàn bộ cán bộ, công đoàn ngành về nguồn; giao lưu với người dầu khí đang sinh sống tại Thái Bình; tri ân các cán bộ hưu trí nguyên là các cán bộ lãnh đạo Liên đoàn 36/Công ty Dầu khí 1.
Ngoài ra, Hội cũng tổ chức đón tiếp nhiều đoàn cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn, các đơn vị thuộc Tập đoàn về nguồn. Tháng 4-2024, tổ chức giao lưu với sự tham gia của trên 150 cán bộ, công nhân viên nguyên công tác tại Liên đoàn 36/Công ty Dầu khí 1 về từ khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo của Liên đoàn 36/Công ty Dầu khí 1 và là lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn. Đã 3 năm liền tham gia cùng công đoàn ngành tổ chức Hội thao Người lao động Dầu khí phía Bắc tại Thái Bình.
Một công việc hết sức có ý nghĩa đối với việc xây dựng văn hóa dầu khí đó là đề xuất và chủ động trong việc xây dựng Khu lưu niệm Dầu khí Đồng bằng sông Hồng. Từ năm 2015, theo gợi ý và chỉ đạo của Chủ tịch Ngô Thường San, sự cố gắng của Công ty Dịch vụ Dầu khí Thái Bình (Thái Bình PSC), cùng sự đóng góp tích cực của Hội Dầu khí Sông Hồng, Petrovietnam đã bước đầu đầu tư, nên tới nay khu lưu niệm đã dần hình thành.
Tuy nhiên, Hội Dầu khí Sông Hồng xác định đây là công trình của ngành nên để có được công trình xứng tầm cần phải có chủ trương, kế hoạch tổng thể và tốn nhiều thời gian, công sức, trí tuệ. Vì vậy, Hội Dầu khí Sông Hồng sẽ tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động thu thập hình ảnh, hiện vật lưu niệm cho công trình. Đồng thời, Hội sẽ tích cực báo cáo Hội DKVN trình lãnh đạo Tập đoàn có chủ trương đầu tư tổng thể để sớm hoàn thành công trình, để có được một công trình hiện đại xứng tầm với một tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước và khu vực Đông Nam Á.
Với những hoạt động hết sức sôi nổi và có ý nghĩa đó, Hội Dầu khí Sông Hồng đã được các ngành, các cấp ghi nhận. Hội được nhận nhiều bằng khen từ Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam; được nhận nhiều giấy khen của Hội DKVN và Liên hiệp các Hội KH&KT Thái Bình; nhận Giải thưởng loại 2 dành cho một sáng kiến tham gia cuộc thi sáng tạo do UBND tỉnh Thái Bình phát động...