Giáo dục học sinh qua hành trình lịch sử và truyền thống dân tộc
Trong hành trang học tập, học sinh không chỉ cần trang bị kiến thức qua sách vở mà trải nghiệm thực tế sẽ góp phần bồi đắp, làm sâu sắc hơn nhận thức về giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc. Các chương trình giáo dục học sinh thông qua hành trình thực tế là phương pháp hiệu quả giúp các em học hỏi, khám phá và thấm nhuần tinh hoa cha ông ta để lại.

Học sinh tham quan di tích lịch sử Thành Cổ Loa.
Trong những ngày đầu xuân 2025, Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (cơ sở A) đã tổ chức chuyến tham quan khu di tích lịch sử Cổ Loa và làng nghề gốm Bát Tràng để giúp học sinh tiếp cận một cách sinh động hơn những bài học về lịch sử, văn hóa và truyền thống dân tộc.
Thành Cổ Loa là di tích lịch sử nổi tiếng của đất nước, gắn liền với thời kỳ Âu Lạc, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống quan trọng thời vua An Dương Vương. Chuyến tham quan khu di tích Cổ Loa của học sinh Trường Lương Thế Vinh là một cơ hội quý giá để các em học hỏi về lịch sử, hiểu thêm về những cuộc chiến tranh, những truyền thuyết bi hùng và những câu chuyện bất hủ của dân tộc.

Học sinh quét mã QR để tiếp cận thông tin thuận tiện hơn.
Trong chuyến đi này, học sinh vừa được tham quan các công trình kiến trúc, như: thành hào Cổ Loa, đền Thượng, đình Ngự Triều Di Quy, mà còn được nghe những câu chuyện lịch sử, đặc biệt là truyền thuyết Mỵ Châu-Trọng Thủy. Đây là một câu chuyện đầy bi kịch về mối tình đầy trắc trở giữa nàng Mỵ Châu, công chúa của vua An Dương Vương và chàng Trọng Thủy, người con trai của Triệu Đà. Câu chuyện này đã trở thành một phần quan trọng trong nền văn hóa dân gian Việt Nam, phản ánh những giá trị về lòng trung thành, sự hy sinh và những bài học quý giá về niềm tin.

Niềm vui khi được khám phá thêm những câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa.
Từ những câu chuyện lịch sử đầy xúc động, học sinh không chỉ củng cố kiến thức lịch sử mà còn phát triển khả năng suy nghĩ phản biện và nhận thức sâu sắc hơn về các giá trị đạo đức. Các em có thể liên hệ những bài học từ các câu chuyện cổ điển này với cuộc sống hiện tại, từ đó phát triển tư duy phê phán và nhân văn trong học tập và cuộc sống hằng ngày.
Bên cạnh việc học về lịch sử, các em học sinh còn được tham gia vào những hoạt động giao lưu văn hóa và trò chơi dân gian đặc sắc. Các trò chơi, như: bắn nỏ, nhảy sạp, ném còn đã mang đến cho các em những giây phút vui vẻ, thư giãn và gắn kết. Những trò chơi này không đơn thuần là hoạt động giải trí mà chính là một phần quan trọng trong nền văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.

Các em được tham gia nhiều trò chơi dân gian.
Thông qua các trò chơi dân gian, các em học sinh có cơ hội rèn luyện thể lực, phát triển kỹ năng làm việc nhóm và hiểu hơn về những giá trị cộng đồng trong đời sống xã hội của người dân xưa. Đó là những kỹ năng quý báu mà học sinh có thể mang theo suốt cả cuộc đời. Hơn nữa, thông qua những hoạt động này, học sinh có thể hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, từ đó hình thành tình yêu và sự trân trọng đối với di sản văn hóa của đất nước.
Mỗi ánh mắt, lời nói đầy xúc động của học sinh trong hành trình khám phá văn hóa, lịch sử dân tộc đều phản ánh tình yêu, lòng tự hào dân tộc. Đây là hoạt động xuyên suốt của nhà trường trong nhiều năm qua và không ngừng được mở rộng, làm phong phú hơn, sâu sắc hơn về mặt trải nghiệm. Chúng tôi tin rằng nhận thức, cảm xúc sau mỗi hành trình sẽ theo các em, trở thành nguồn động lực để các em tiếp tục phấn đấu, trưởng thành và luôn tự hào về nguồn cội.
Nhà giáo Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh.
Không dừng lại ở việc học về lịch sử, học sinh Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh còn tham gia vào chuyến tham quan làng nghề gốm Bát Tràng, một trong những làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời của Việt Nam.
Bát Tràng, với lịch sử hình thành hàng nghìn năm tuổi, là nơi sản xuất các sản phẩm gốm sứ nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đây là một cơ hội để các em học sinh tìm hiểu về một trong những ngành nghề truyền thống lâu đời, cũng như giá trị nghệ thuật và văn hóa mà làng nghề mang lại.

Học sinh tương tác đầy hào hứng.
Nhiều em học sinh ngâm nga đọc bài thơ "Nghệ nhân Bát Tràng" được truyền từ thế hệ bố mẹ mình trong sách giáo khoa cũ: "Em cầm bút vẽ lên tay/ Đất Cao Lanh bỗng nở đầy sắc hoa/ Cánh cò bay lả, bay la/ Lũy tre đầu xóm, cây đa giữa đồng/ Con đò lá trúc qua sông/ Trái mơ tròn trĩnh, quả bòng đung đưa/ Bút nghiêng lất phất hạt mưa/ Bút chao gợn nước Tây Hồ lăn tăn/ Hài hòa đường nét hoa văn/ Dáng em, dáng của nghệ nhân Bát Tràng".

Các hoạt động đề cao tính tương tác và cảm xúc.
Chuyến tham quan giúp các em hiểu thêm về quy trình sản xuất gốm, nhận thức được giá trị của sự lao động cần cù, sáng tạo và sự gắn bó với truyền thống dân tộc. Các em học sinh được tận mắt chứng kiến sự tỉ mỉ, kiên nhẫn của các nghệ nhân khi tạo ra những sản phẩm gốm tinh xảo, từ đó cảm nhận được sự quý giá của những sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Học sinh mê mẩn trước nghệ thuật điêu khắc ánh sáng.
Bên cạnh việc tham quan, học sinh còn có cơ hội trực tiếp tham gia vào các hoạt động thực hành như làm gốm, nặn gốm và thử tài xoay gốm. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời giúp các em rèn luyện khả năng khéo léo, sự kiên nhẫn và phát huy tính sáng tạo. Mỗi sản phẩm mộc mạc, đáng yêu các em tạo ra là những món quà lưu niệm đầy ý nghĩa gắn với kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến đi.

Một khoảnh khắc thiêng liêng khiến tất cả các em rưng rưng xúc động.
Điểm nhấn đặc biệt trong chuyến đi là không gian "Nghệ thuật Điêu khắc Ánh sáng" tại Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt. Tại đây, học sinh đã được chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc ánh sáng kể lại câu chuyện về 14 vị anh hùng dân tộc Việt Nam. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện sinh động, giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về những chiến công vang dội của các anh hùng dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do cho đất nước.

Sự tự tin, sôi nổi trong hoạt động trải nghiệm.
Thông qua những tác phẩm nghệ thuật, thế hệ tương lai thêm cảm nhận được tinh thần yêu nước mà còn được khơi gợi niềm tự hào dân tộc. Các em sẽ hiểu rằng lịch sử không chỉ là những sự kiện đơn thuần mà còn là những câu chuyện sống động, đầy cảm hứng về những con người đã dâng hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp độc lập, tự do cho dân tộc. Những giá trị ấy chính là nguồn động lực để các em học sinh phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện, đồng thời giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống quý báu.
Cảm xúc của các em học sinh thể hiện rõ qua từng ánh mắt rưng rưng, khao khát khám phá, đắm chìm vào những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết mà các em chỉ mới được nghe qua sách vở. Với các em, lịch sử không chỉ là sự ngạc nhiên, mà còn đánh thức niềm thấu hiểu sâu sắc.
Khi nghe câu chuyện của Mỵ Châu - Trọng Thủy, học sinh lặng im, đồng cảm với những phận người đã phải trải qua bao nhiêu thử thách, đau khổ trong dòng chảy lịch sử. Từng lời kể về vua An Dương Vương, về thành Cổ Loa huyền thoại cuốn các em vào một không gian khác, nơi những câu chuyện cổ xưa bỗng trở nên gần gũi và lắng đọng hơn bao giờ hết.

Dấu ấn văn hóa, lịch sử được truyền tải qua từng hiện vật và câu chuyện.
Bàn tay các em thoăn thoắt lật mở những trang sách, từng nét bút phác nên những hình ảnh trong trí tưởng tượng giờ đây dần được tái hiện rõ nét. Khi thử xoay những chiếc gốm Bát Tràng, bàn tay non nớt chạm vào đất sét mềm mại mang điệu hồn dân tộc, một số bạn vui mừng khoe với bạn bè những sản phẩm nhỏ nhắn, đầy ắp niềm vui trong veo, giản dị.

Học sinh học cách làm gốm và mang về những sản phẩm dấu ấn cá nhân.
Chương trình giáo dục qua trải nghiệm là một phương pháp giáo dục hiệu quả, giúp học sinh cảm nhận được sự sống động của lịch sử và văn hóa qua các hoạt động thực tế.
Mỗi chuyến đi là một cuộc hành trình đi vào trái tim của thế hệ trẻ, mở ra những cánh cửa mới để các em thấm nhuần sâu sắc hơn tình yêu, lòng tự hào dân tộc, niềm kính trọng, biết ơn đối với những giá trị văn hóa truyền thống đã hun đúc nên tinh hoa, phẩm chất con người Việt Nam. Đây chính là bước đi quan trọng trong việc phát triển toàn diện để các em vừa tiếp nhận kiến thức trong nhà trường, vừa có những trải nghiệm thực tế quý báu, từ đó hình thành những giá trị nhân văn và lòng yêu nước sâu sắc.