Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

Chiều 13/1, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành' đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Đoàn giám sát.

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Tại Phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và các đề cương Báo cáo giám sát. Trưởng Đoàn giám sát đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Tổ giúp việc nghiên cứu tiếp thu, tổ chức làm việc với cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, chỉnh lý Đề cương Báo cáo giám sát, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết theo ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh - Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát cho biết, về kế hoạch, nội dung giám sát, có ý kiến đề nghị rà soát nội dung giám sát về các chính sách lớn của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bảo đảm phạm vi, mục tiêu của cuộc giám sát phải đánh giá khái quát được tổng thể việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề còn nhiều bất cập, hạn chế nổi lên trong thực tiễn và những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội quan tâm, như vấn đề ô nhiễm không khí, quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường không khí, quản lý nước thải đô thị, quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị lớn, rác thải y tế, nước thải khu, cụm công nghiệp, làng nghề, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường, vấn đề ô nhiễm các dòng sông, khu vực ven biển...

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện và cụ thể hóa một số nội dung giám sát, tập trung vào những vấn đề còn nhiều bất cập, hạn chế nổi lên trong thực tiễn và những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội quan tâm. Đoàn giám sát cũng hoàn chỉnh Kế hoạch chi tiết và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, trong đó lưu ý nội dung kế thừa, sử dụng các kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các kết quả giám sát của các cơ quan Quốc hội trong thời gian qua về các nội dung có liên quan.

Các thành viên Đoàn giám sát cơ bản tán thành với Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Kế hoạch, đề cương Báo cáo giám sát; đánh giá cao sự tích cực, chủ động và tinh thần trách nhiệm cao của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tổ giúp việc trong triển khai công việc.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, các thành viên Đoàn giám sát tích cực chủ động, đổi mới cách thức, phương pháp triển khai, nâng cao chất lượng giám sát, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức, tư duy và hành động.

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, báo cáo kết quả giám sát cần chỉ đích danh nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, tồn tại trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại các địa phương; nêu được những “tấm gương” điển hình, mô hình tốt trong thực hiện công tác này. Các giải pháp được đề xuất cần bao trùm các khía cạnh kinh tế - xã hội, môi trường, khoa học - công nghệ, đầu tư, huy động nguồn lực…

Phan Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/giam-sat-viec-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-bao-ve-moi-truong-20250113192534015.htm