Giải quyết khó khăn trong chi trả cho lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19

Nhiều ĐBQH đề nghị cần khẩn trương giải quyết các khó khăn, hạn chế trong việc chi trả cho lực lượng được điều động, huy động tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19…

Tại phiên thảo luận Tổ trong khuôn khổ Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhiều ĐBQH đề nghị cần khẩn trương giải quyết các khó khăn, hạn chế trong việc chi trả cho lực lượng được điều động, huy động tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19…

Tổ 10 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk và Hậu Giang, các ĐBQH nhận định, đây là sáng kiến lập pháp vô cùng quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời, tạo điều kiện cho Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương được thực hiện các biện pháp đặc thù, chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề xuất và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời phân tích rõ, Nghị Quyết 30 đã góp phần đưa công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt được nhiều thành tựu, đất nước cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế - xã hội đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai.

Góp ý vào nội dung cụ thể, ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) nêu hai nhóm vấn đề lớn cần quan tâm: Một là, chi trả cho lực lượng được điều động, huy động tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19; Hai là, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế và người bệnh COVID-19.

Cho rằng, đây là hai nội dung lớn được Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội đề cập, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm một số đối tượng được huy động như lực lượng an ninh, lực lượng biên phòng,… trong công tác phòng chống dịch được chi trả chế độ.

Cũng theo đại biểu, hiện nay tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát, tỷ lệ bao phủ vaccine cao. Do đó, nên nghiên cứu để chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm nhóm A, nhóm B và coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch từ phòng, chống đại dịch sang quản lý bền vững.

Các ĐBQH tham gia thảo luận tại tổ 10.

Các ĐBQH tham gia thảo luận tại tổ 10.

Đánh giá về thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15, ĐBQH Lê Minh Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) cơ bản nhất trí với nội dung đánh giá của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội. Đại biểu tỉnh Hậu Giang cho rằng, Nghị quyết 30 là một giải pháp rất đặc thù, đã mang lại tác động tích cực trong điều kiện cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Lê Minh Nam cũng lưu ý, đây cũng là dịp để rà soát, đánh giá lại bài học kinh nghiệm, để phát huy và áp dụng trong những trường hợp/tình huống tương tự.

Theo đại biểu, cần quan tâm giải quyết tình trạng chậm thanh toán chi phí điều trị cho người bệnh, chế độ hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Để giải quyết những hạn chế hiện nay, đại biểu đề nghị cần phải rà soát đảm bảo xác định được đúng người, đúng việc, đúng đối tượng, không bỏ sót đối tượng nhưng cũng không thể để tình trạng lạm dụng, gian lận dẫn đến thiệt hại, thất thoát ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc.

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, cần quan tâm đến việc hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ phải đẩy nhanh việc ban hành văn bản hướng dẫn để chi trả cho các lực lượng tham gia, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ công tác ở các bệnh viện, các trung tâm y tế,...

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế quan tâm nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 07 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, nhân viên y tế thôn, bản; đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể để cho các tỉnh, các địa phương có căn cứ xử lý, quản lý và sử dụng tài sản tại các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến;…

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giai-quyet-kho-khan-trong-chi-tra-cho-luc-luong-tham-gia-cong-tac-phong-chong-dich-covid-19-169230107060449695.htm