Giải pháp nào để ứng phó với hàng nhái, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ?

Tại tọa đàm 'Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ', ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, từ giữa năm 2022, khi dịch COVID-19 có dấu hiệu lắng xuống thì vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) bắt đầu sôi động trở lại.

Theo ông Linh, 1 năm vừa qua, qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT thấy rằng, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT đang ngày càng phức tạp và tinh vi. Có 2 loại thương hiệu nhãn hiệu bị xâm phạm, thứ nhất là các thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng của quốc tế; thứ hai là các thương hiệu của sản phẩm Việt Nam.

Lực lượng chức năng xử lý một vụ buôn lậu hàng giả, hàng nhái.

Lực lượng chức năng xử lý một vụ buôn lậu hàng giả, hàng nhái.

Trong khoảng một năm trở lại đây, Bộ Công Thương liên tiếp nhận được yêu cầu, những vấn đề thắc mắc cũng như đề nghị phối hợp của các hãng lớn trên thế giới hoặc có nhà máy sản xuất ở Việt Nam.

“Theo phản ánh của hãng Ajinomoto sản xuất bột ngọt, hãng Acecook của Nhật Bản sản xuất mì gói thì trên thị trường ngày càng nhiều bột ngọt cũng như mì tôm bị làm giả, thậm chí làm giả từng gói gia vị trong gói mì. Hay, những thương hiệu rất nổi tiếng của Tập đoàn Procter & Gamble như mỹ phẩm, sữa tắm, xà phòng… cũng bị làm giả rất nhiều ở thị trường nội địa. Ngay cả Lego - Đan Mạch trong tháng vừa qua cũng đã làm việc với chúng tôi hai lần về việc bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm Lego ở thị trường Việt Nam”, ông Linh chia sẻ.

Đối với các thương hiệu sản phẩm của Việt Nam thì những mặt hàng từ đồ ăn, thức uống đều được sản xuất, làm giả, làm nhái ở trong thị trường nội địa. Qua đó có thể thấy rằng thương hiệu, nhãn hiệu được làm giả ngày càng tinh vi hơn.

Về nguồn gốc hàng giả, đại diện Tổng cục QLTT cho biết, hàng giả vẫn từ hai nguồn, thứ nhất từ nguồn nhập lậu, thẩm lậu từ các nước có đường biên giới với Việt Nam vào trong thị trường nội địa và thứ hai là hàng giả được sản xuất ở ngay trong nước.

“Thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn giao dịch thương mại điện tử bây giờ là kênh để tiêu thụ chính hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, ông Linh nhấn mạnh.

Đối với vấn nạn hàng nhái hàng giả, không chỉ người tiêu dùng bị ảnh hưởng mà ở doanh nghiệp cũng bị thiệt hại nặng. Thương hiệu bị làm giả, làm nhái và nguy hiểm nhất đã làm xói mòn sức sản xuất của doanh nghiệp khi phải cạnh tranh với hàng nhái, hàng giả có giá rẻ. Do vậy, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng thì doanh nghiệp cần nâng cao việc bảo vệ thương hiệu.

Để chủ động ứng phó với vấn nạn hàng nhái, hàng giả, xâm phạm SHTT, về phía doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thu Hiền, đại diện bộ phận pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết, URC đã thực hiện nhiều hành động để nhằm bảo vệ thương hiệu và phòng, chống tình trạng hàng nhái, hàng giả như phối hợp với các cơ quan chức năng để làm sao phòng ngừa, ngăn chặn.

“Chúng tôi đề xuất cần có giải pháp đẩy nhanh quá trình xử lý vi phạm, đồng thời nâng cao mức phạt đối với chủ thể vi phạm, đối với các vi phạm về xâm phạm SHTT, đặc biệt là những hành vi vi phạm nhiều lần để tăng tính răn đe cho người thực hiện hành vi vi phạm đó”, bà Hiền đề xuất.

Đối với các cơ quan chức năng, ông Trần Hữu Linh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT đã kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan đến hàng giả và xử phạt gần 30 tỷ đồng. Do vậy, thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm, tại các ổ nhóm, tụ điểm cụ thể. Hiện trên 63 tỉnh, thành phố thì có khoảng 20 - 30 tỉnh, thành phố có những tụ điểm nổi cộm về hàng giả.

Lực lượng QLTT đã chỉ đạo các đơn vị cấp dưới liên tục kiểm tra. Tuy nhiên, ưu tiên phối hợp để tìm ra những đường dây, ổ nhóm, những kho hàng lớn để triệt phá tận gốc. Đồng thời, tập trung kiểm tra vấn đề hàng nhái, hàng giả trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội. “Hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng thì rất dễ nhận biết và phát hiện, nhưng trên môi trường Internet đang là một mặt trận mới trong công tác chống hàng giả.

Có đến 80-90% hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT được tiêu thụ, mua bán trên mạng. Đây là một mặt trận rất nóng bỏng và khó khăn. Theo đó, xử lý vấn nạn hàng nhái và hàng giả trên mạng sẽ là ưu tiên số một của lực lượng QLTT từ nay đến năm 2025”, ông Trần Hữu Linh nói.

L.H

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/giai-phap-nao-de-ung-pho-voi-hang-nhai-hang-gia-xam-pham-so-huu-tri-tue--i698933/