Giải pháp nào để thúc đẩy phát triển điện khí LNG?
TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng cần sửa đổi, bổ sung khung pháp lý và cơ chế chính sách một cách đồng bộ nhằm tạo thuận lợi phát triển điện khí LNG.
Quy hoạch điện VIII đưa ra mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo.
Theo đó, điện khí LNG sẽ đóng vai trò nguồn điện nền thay thế điện than, được xem là nguồn điện tương lai của Việt Nam.
Khung pháp lý, cơ chế chính sách vẫn “chậm”
Hiện tổng quy mô công suất 23 dự án được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW. Trong đó, nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900 MW (10 dự án), nhà máy điện khí sử dụng LNG đạt khoảng 22.400 MW (13 dự án).
Về tình hình đầu tư xây dựng đến tháng 6, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I có công suất 660 MW đang sử dụng nhiên liệu dầu đã được đưa vào vận hành và sau đó sẽ sử dụng khí Lô B. Dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, công suất 1.624 MW sử dụng LNG từ Kho cảng LNG Thị Vải đã đạt tiến độ 85%.
Ngoài ra, 18 dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng, trong đó có 9 dự án sử dụng khí khai thác trong nước và 3 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng công suất 4.500 MW.
Nhận định về những khó khăn, thách thức trong phát triển dự án điện khí LNG, TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đánh giá thị trường tiêu thụ tăng trưởng chậm so với mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII.
“Trong khi đó, khung pháp lý để hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký kết thỏa thuận về pháp lý - kinh tế - thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án liên quan đến khí LNG vẫn chưa hoàn thiện”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông chỉ ra cơ chế, tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu LNG chưa có hướng dẫn cụ thể để các nhà đầu tư tham gia. Đồng thời, chưa có cơ chế bảo lãnh bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu LNG cho các dự án điện khí LNG.
Việt Nam hiện cũng chưa có quy định bên mua điện thực hiện bao tiêu sản lượng đối với điện khí LNG và cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện của các nhà máy điện khí LNG.
“Luật Giá hiện hành chưa quy định cước phí nhập khẩu, tồn trữ, tái hóa LNG thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, nên cước phí này sẽ được các bên liên quan đàm phán và thống nhất, dẫn đến gặp khó khăn trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán khí LNG và điện tương ứng”, ông Thập nhìn nhận.
Thực tế, những khó khăn của các doanh nghiệp triển khai dự án điện khí LNG xuất phát từ sự thiếu vắng cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp nhập khẩu LNG, cũng như phù hợp với đặc thù ngành LNG và thông lệ quốc tế.
Là doanh nghiệp đi đầu trong ngành công nghiệp khí, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết hiện nay sự suy giảm nguồn khí nội địa đang diễn ra nhanh hơn so với dự báo, do vậy PV GAS đang tập trung đầu tư cho các dự án kho cảng LNG nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung khí cho sản xuất điện, sản xuất phân đạm và các ngành sản xuất công nghiệp khác.
Tuy nhiên, PV GAS đang gặp những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến sản phẩm LNG, trực tiếp làm ảnh hưởng đến công tác đầu tư, kinh doanh LNG nhập khẩu.
Đặc biệt, sự thiếu vắng của các cơ chế bao tiêu về khối lượng, cơ chế chuyển ngang giá LNG sang giá điện và các quy định liên quan đến chi phí liên quan như cước phí gây khó khăn trong việc xác định tổng mức đầu tư, giá phát điện đầu ra cũng như làm tắc nghẽn quá trình đàm phán các thỏa thuận thương mại trong các khâu của chuỗi giá trị LNG.
Cần có giải pháp đột phá
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án điện khí LNG phát triển đạt kỳ vọng, TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng cần thiết sửa đổi và bổ sung khung pháp lý và cơ chế chính sách một cách đồng bộ các luật liên quan.
Bên cạnh đó, ông cho rằng cần nghiên cứu phát triển thị trường điện theo sát với mục tiêu Quy hoạch điện VIII, cần xây dựng tập trung và đồng bộ cụm kho cảng LNG, nhà máy điện và các khu công nghiệp/nhà máy có nhu cầu sử dụng điện đủ lớn.
“Cần tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng, học hỏi về mô hình quản trị đầu tư, vận hành hiệu quả trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có lĩnh vực điện khí LNG”, ông nhìn nhận.
Lãnh đạo Hội Dầu khí Việt Nam đề xuất điện khí LNG cần được hấp thụ hay tiêu thụ bởi các khu công nghiệp hay các nhà máy chế biến và nói rộng hơn là nền kinh tế, giá cần được tính toán theo cơ chế thị trường và có cam kết dài hạn về mua bán.
Theo chuyên gia, việc cam kết sản lượng điện phát và tiêu thụ khí hàng năm là điều kiện tiên quyết, là cơ sở để các tổ chức tài chính xem xét tài trợ tín dụng cho dự án, cũng như dự án mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua LNG dài hạn để giá thành phát điện cạnh tranh hơn.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, PV GAS với vai trò là doanh nghiệp dẫn dắt ngành công nghiệp khí vẫn đang nỗ lực triển khai Chiến lược phát triển thị trường khí theo đúng định hướng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).
Trong đó, doanh nghiệp xây dựng các cơ chế nhằm ưu tiên nguồn khí nội địa cho chế biến, đồng thời chuyển đổi mô hình kinh doanh khí của PV GAS theo mô hình kinh doanh tích hợp nhằm tạo lợi thế và cơ chế cho phát triển kinh doanh LNG đối với các khách hàng công nghiệp.
Song song đó, PV GAS cũng chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền và tham gia vào quá trình xây dựng các cơ chế chính sách cần thiết cho việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và kinh doanh LNG, đặc biệt đối với công tác cung cấp LNG phục vụ sản xuất điện.
Nguồn Znews: https://znews.vn/giai-phap-nao-de-thuc-day-phat-trien-dien-khi-lng-post1494583.html