'Giải cứu' ngôi trường 48 năm tuổi
Thời 'vàng son', ngôi trường này là cái nôi đào tạo nghề nông nghiệp của TPHCM nói riêng, khu vực phía Nam nói chung khi mỗi năm có hàng ngàn học viên theo học. Tuy nhiên, thời gian qua, nhà trường tuyển sinh khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp… Thầy và trò của trường đang ngày đêm mong ngóng được 'giải cứu'.
Mong được thoát khổ
Tại cơ sở 1 Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM (ở địa chỉ số 40 đường Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1), lác đác vài bóng người ra vào. 10 phòng học chỉ có vài phòng sáng đèn. Tại cơ sở 2 (số 52 đường 400, phường Tân Phú, TP Thủ Đức, có khuôn viên rộng gần 25ha), tình cảnh cũng không khá hơn. Những dãy phòng học đa số là nhà cấp 4 xập xệ, cửa đóng then cài, ổ khóa hoen gỉ. Sau các dãy nhà mái ngói rêu mốc là khu nhà xưởng thực hành. Trái ngược với màu sơn còn mới bên ngoài, bên trong lớp bụi phủ dày, bàn ghế cũ không ai thu dọn. Khu ký túc xá có sức chứa 400 sinh viên cũng không một bóng người.
Em N.T.H. (ngụ huyện Hóc Môn), học viên lớp 48 chuyên ngành Chăn nuôi thú y, cho biết: “Em vào học hệ trung cấp của trường từ đầu tháng 9, vào học rồi mới thấy cơ sở vật chất tạm bợ, cũ kỹ…, thua xa trường THPT gần nhà”.
Mới đây, Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM công bố kết luận về một số sai phạm khiến tập thể giáo viên và học viên của trường lo lắng. Cụ thể, kết luận về việc chấp hành các quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM, Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM xác định, nhà trường không thực hiện đúng quy trình tổ chức xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình, giáo trình đào tạo theo quy định đối với ngành/nghề đào tạo gồm: trắc địa - địa hình - địa chính; thủy lợi - tổng hợp.
Ngoài ra, trường bố trí nhà giáo giảng dạy vượt quá quy định mức giờ giảng từ 63,5 giờ đến trên 150 giờ. Bên cạnh đó, trường tuyển sinh sai đối tượng, học trình độ trung cấp nhưng vẫn thu học phí; đối với đào tạo lao động nông thôn, trường cấp chứng chỉ đào tạo cho 33 người học thuộc lớp C - nghề hoa kiểng, khóa 22, năm học 2022 trong khi không có quyết định mở lớp theo quy định. Nhà trường cũng không xây dựng kế hoạch đào tạo, tiến độ đào tạo (năm 2022, 2023); không thực hiện tổ chức đánh giá, xếp loại nhà giáo giáo dục nghề nghiệp…
“Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM trong 48 năm hình thành và phát triển, thời “vàng son”, trường có số học viên theo học 4.500-5.000 người/năm hệ trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Nhưng trong hơn 5 năm trở lại đây, vì nhiều lý do, cả chủ quan và khách quan, cơ sở vật chất không được đầu tư xứng tầm dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị dạy học cũ kỹ, lạc hậu… Vì vậy, kết quả tuyển sinh “rơi rụng” đến thê thảm, có năm tuyển chưa đạt 100/500 chỉ tiêu hệ trung cấp”, ông Lương Thế Phúc, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường, thông tin. Mong mỏi lớn nhất của tập thể giáo viên là trường sớm được sáp nhập theo chủ trương của thành phố.
Sáp nhập để nâng tầm
Theo đại diện Sở NN-PTNT TPHCM, trước thực trạng của Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM và thực hiện việc sắp xếp các trường trung cấp vào trường cao đẳng, giải thể các trường trung cấp, trường cao đẳng hoạt động không hiệu quả, sở đã có nhiều cuộc họp với các sở, ngành liên quan để tham mưu cho thành phố về việc sáp nhập trường này vào 1 trường cao đẳng công lập của thành phố.
Tuy nhiên, sau đó, Văn phòng UBND TPHCM có Thông báo số 653/TB-VP ngày 12-7-2024 giao sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu phương án sắp xếp, chuyển giao Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM về Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (gọi tắt Khu NNCNC). “Do đó, việc sáp nhập trường không thực hiện được trong quý 3-2024 như chỉ đạo của thành phố”, đại diện Sở NN-PTNT TPHCM cho hay.
“Sau sáp nhập, ban tiếp tục chỉ đạo, định hướng Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường đại học trong và ngoài nước để nâng cao chuỗi giá trị; đào tạo nguồn nhân lực NNCNC, nhà khoa học trong lĩnh vực NNCNC, nhằm góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và giữ vững vị trí đầu tàu ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Khu NNCNC TPHCM trên cả nước”, TS Phạm Đình Dũng, Trưởng Ban quản lý Khu NNCNC TPHCM, cho biết.
Theo TS Phạm Đình Dũng, Trưởng Ban quản lý Khu NNCNC, hiện khu có 4 trung tâm trực thuộc, trong đó có Trung tâm giáo dục nghề nghiệp NNCNC. Khu NNCNC đã được TPHCM đầu tư hạ tầng hiệu quả, từng bước khẳng định vị trí trong ngành nông nghiệp thành phố, trở thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong cả nước. Do đó, khi được UBND TPHCM tin tưởng, giao nhiệm vụ sáp nhập Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM sẽ giúp Khu NNCNC phát triển hơn nữa.
Ban quản lý Khu NNCNC đã xây dựng đề án sáp nhập Trung tâm giáo dục nghề nghiệp NNCNC và Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM thành Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. Ngoài việc tận dụng thế mạnh của trung tâm về cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia, giáo viên thời gian qua đã đào tạo hàng ngàn học viên, thực hiện hàng trăm nhiệm vụ khoa học - công nghệ, ban cũng đầu tư trang thiết bị hiện đại, phục vụ công tác dạy và học từ nguồn ngân sách trong giai đoạn 2025-2030 để hình thành các khoa cơ bản trung cấp NNCNC. Trường cũng sẽ tăng số lượng cán bộ, giảng viên cơ hữu lên khoảng 100 (hiện có 59), mời gọi các chuyên gia nông nghiệp trong và ngoài nước của khu tham gia vào công tác giảng dạy, chuyển giao kỹ thuật cho người học.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giai-cuu-ngoi-truong-48-nam-tuoi-post767336.html