Từ vụ 'quái xế' tông tử vong cô gái ở Hà Nội: Con đi 'bão', cha mẹ ở đâu?

Sau sự việc một người tử vong khi bị đoàn 'quái xế' tông trúng khi đang đứng chờ đèn đỏ ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, Hà Nội. Nhiều người đặt câu hỏi, trách nhiệm của gia đình và người giám hộ ở đâu trong những vụ việc con trẻ chơi game thâu đêm, tụ tập đi 'bão'?

Và để không còn những câu chuyện đáng tiếc có thể xảy ra, công tác phòng ngừa từ gia đình đang đặt ra thế nào?

Trước vụ việc nhóm “quái xế” tuổi teen tông cô gái trẻ tử vong vào rạng sáng 3/11 vừa qua, nhiều phụ huynh ở Hà Nội bày tỏ, đây là vụ tai nạn quá đau lòng cho cả gia đình nạn nhân và cả các em gây ra vụ việc. Trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về gia đình mà gần gũi nhất là cha mẹ nhưng bản thân các bậc phụ huynh cũng đang lo lắng bởi những khó khăn trong ứng xử với con em mình ở tuổi vị thành niên: “Đầu tiên là gia đình, gia đình đã cung cấp phương tiện cho các bạn ý, nếu như cho trẻ điều khiển phương tiện thì tuổi vị thành niên không đủ để ý thức về việc mình đang làm được. Đây là độ tuổi đang đi học nên trách nhiệm là của gia đình”.

Nhóm đối tượng đua xe bị tạm giữ. Ảnh: Thanh niên

Nhóm đối tượng đua xe bị tạm giữ. Ảnh: Thanh niên

“Các con tiếp xúc với mạng xã hội nhiều, giờ giấc sinh hoạt cũng bất thường so với lứa tuổi ngày xưa. Việc quản lý các con khó khăn vì bố mẹ không thể biết được các con hẹn với bạn đi đâu, làm gì, các con ra ngoài tụ tập, bố mẹ rất khó kiểm soát”.

“Giới trẻ bây giờ khác với mình ngày xưa quá quá nhiều, giữa mình và con bây giờ khác biệt kinh khủng từ suy nghĩ đến hành động. Mình đưa ra vấn đề là nó bảo mình bảo thủ, là quê”.

Điểm chung của các trẻ chơi game thâu đêm, tụ tập đi “bão” là còn đang trong độ tuổi đi học nhưng có biểu hiện chơi bời, lêu lổng, thích tụ tập bạn bè. Lứa tuổi này, theo các chuyên gia tâm lý, có sự chuyển biến thay đổi mạnh về tâm sinh lý, rất phức tạp và khó nắm bắt. Chính vì thế, ở lứa tuổi này, sự giáo dục của gia đình là rất quan trọng.

TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, tụ tập ban đêm có nguyên nhân quan trọng là do thiếu sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ và gia đình: “16 tuổi là tuổi có nhiều đặc điểm tâm lý của tuổi nổi loạn, muốn trải nghiệm và khám phá những giới hạn của bản thân nên muốn khẳng định mình, muốn phá luật và chìm vào các giá trị lệch lạc. Đây là giai đoạn mà phụ huynh cần chú ý để giáo dục cho các bạn ý, giúp cho các bạn trẻ hình thành các giá trị chuẩn mực, ngay cả trong các hành vi ứng xử hàng ngày”.

Dưới góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà phân tích, ở lứa tuổi vị thành niên, tâm sinh lý của trẻ phát triển chưa hoàn thiện, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, kích động tham gia vào những việc làm sai trái, trong khi nhiều cha mẹ lại thiếu kỹ năng để dạy dỗ, uốn nắn con đúng cách: “Việc kết nối với bố mẹ là điều rất khó với vị thành niên, nếu bố mẹ có đánh giá nghiêm khắc hoặc áp đặt thì ảnh hưởng đến lòng tự trọng và làm trẻ tổn thương. Sự ngăn cách khiến trẻ rất khó lắng nghe, tin tưởng vào bố mẹ. Trong khi đó, nếu bố mẹ bỏ lơ hoặc không đủ kỹ năng giáo dục dẫn tới việc rất khó để con nghe lời”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Oanh, Khoa Cảnh sát Hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân nhận định, trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật là do rất nhiều nguyên nhân gây nên, nhưng lúc nào gia đình cũng được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất. Đây là vấn đề cần thẳng thắn nhận diện để mỗi gia đình có giải pháp phù hợp: “Phải tăng cường sự quản lý của gia đình, đặc biệt là bố mẹ không nuông chiều, luôn luôn theo dõi, giám sát mọi diễn biến, học tập của con cái, đặc biệt trong các trường hợp chưa đủ điều kiện tham gia giao thông thì tuyệt đối không được giao xe cho con hoặc tạo các điều kiện sơ hở để các cháu có thể sử dụng xe”.

TS. Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đánh giá, cần nâng cao vai trò của bậc cha mẹ và những thành viên trong gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ vị thành viên sẽ là một giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc ngăn ngừa trẻ vị thành niên phạm tội. Những vụ việc đau lòng như vừa qua là bài học đắt giá, nhắc nhở về tầm quan trọng của việc quản lý, giáo dục con trẻ: “Chúng ta phải nâng cao nhận thức về hệ giá trị gia đình trong thời kỳ hiện nay, làm sao có được sợi dây kết nối gắn kết hơn giữa cha mẹ và con cái, giữa các thành viên trong cuộc sống thực; thứ hai là lối sống thượng tôn pháp luật thì vai trò làm gương của người lớn trong gia đình là vô cùng quan trọng vì con cái sẽ nhìn cách ứng xử của cha mẹ và bị ảnh hưởng”.

Cần nâng cao vai trò của bậc cha mẹ và những thành viên trong gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ vị thành niên (Ảnh minh họa: Lao động)

Cần nâng cao vai trò của bậc cha mẹ và những thành viên trong gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ vị thành niên (Ảnh minh họa: Lao động)

Việc ngăn chặn con trẻ vi phạm pháp luật phải bắt đầu từ gia đình, bởi cha mẹ là người gần gũi, thấu hiểu con sẽ có các biện pháp nhắc nhở, dạy dỗ con phù hợp. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của VOV Giao thông, để gia đình thực hiện tốt chức năng chăm sóc và giáo dục thì không chỉ con trẻ mà chính các bậc phụ huynh cũng cần được tư vấn, hỗ trợ bởi chưa bao giờ “Nghề” làm cha mẹ” khó như hiện nay.

Một ngày của học sinh Tiểu học trường công bắt đầu từ trước 7h, và kết thúc sớm nhất cũng phải 21h tối. 14 tiếng đồng hồ này bao gồm cả thời gian ở trường và ở nhà trước khi đi ngủ. Trong đó: 8 đến 9,5 tiếng các em học tập và bán trú trường; 0,5 đến 2 giờ di chuyển trên đường. Về nhà, chúng ôn bài buổi tối từ nửa tiếng đến 1 tiếng; chừng đó thời gian nữa cho các bữa ăn, cho vệ sinh tắm rửa.

Như vậy, thời gian còn lại để một học sinh tiểu học rảnh rang hoàn toàn khi ở nhà là không quá 1 tiếng/ ngày. Liệt kê này chưa bao gồm các buổi học thêm ngoại ngữ, học thêm kiến thức, tập thể thao ở câu lạc bộ, các môn năng khiếu…

Đó là học sinh Tiểu học. Lên cấp 2, cấp 3, quỹ thời gian này gần như về “mo”, thậm chí là âm. Lịch học thêm dày đặc. Bài vở chất chồng. Nhà 4-5 người, mỗi người ăn một ca.

Cha mẹ và con cái, cả hai bên không có thời gian cho nhau.

Gia đình được mặc định gánh rất nhiều vai trò trong quá trình trưởng thành của một đứa trẻ. Nhưng trụ cột gia đình là ai? Vẫn là họ, những con người đó, với vai viên chức công sở, bác sỹ, doanh nhân, thương nhân, công nhân… Trong bối cảnh các yêu cầu công việc ngày càng cao, làm hết việc chứ không hết giờ, không ít “trụ cột” gia đình đang phải ôm việc về nhà. Họ ở cùng con cái nhưng tâm trí đang ở dự án, đơn hàng, ở báo cáo và những deadline tiến độ.

Tất nhiên, không phải tất cả phụ huynh đều gặp khó khăn hay bận rộn đến thế. Nhưng sự mặc kẹt giữa công việc và trách nhiệm gia đình đang là tình trạng chung, rất phổ biến của các bậc phụ huynh.

Thời gian cơ học không đủ. Giao tiếp và kết nối với con cái ngày càng khó hơn. Trong khi, kiến thức, kỹ năng nhận biết và quản lý rủi ro với con trước các thứ độc hại bên ngoài lại không đơn giản, phụ thuộc vào năng lực mỗi người. Trong khi, áp lực thành tích học tập khiến họ không dễ lựa chọn cho con mình một hướng đi riêng để đứng ngoài vòng xoáy.

Không thể phủ nhận trách nhiệm của gia đình là đầu tiên, trên hết khi để trẻ phạm pháp tuổi vị thành niên. Pháp luật cũng đã quy định rất rõ ràng trách nhiệm của cha mẹ và người giám hộ. Song, nếu chỉ quy trách nhiệm mà chưa nhìn sâu vào cơ chế dẫn đến thực trạng này, thì có thể, nhiều sự việc đau lòng sẽ tiếp tục xảy ra, trong sự bất lực.

Ai cho phụ huynh dứt công việc ra một bên để toàn tâm toàn ý với con cái sau giờ tan sở?

Ai giúp phụ huynh sẵn sàng nói không với các lớp học thêm, để con họ có một thời gian biểu bình thường, trong khi học hành thi cử mỗi ngày mỗi khó?

Đành rằng, làm cha mẹ là niềm hạnh phúc lớn lao và là lựa chọn tự nguyện của mỗi người. Và ai đó biện minh rằng, bạn có quyền lựa chọn một công việc bớt áp lực hơn để dành nhiều hơn thời gian cho con cái. Nhưng, bao nhiêu phụ huynh có được lựa chọn này?

Với những đứa trẻ được ở cùng cả bố và mẹ, cuộc sống gia đình hiện nay vốn đã tiềm ẩn nhiều bất ổn. Những trẻ thiếu một trong hai bên, hoặc sống cùng ông bà hay người thân khác, lại càng khó khăn hơn trong quá trình trưởng thành. Chúng rất khó được giúp đỡ đầy đủ trong những giai đoạn khủng hoảng của tâm sinh lý và nhận thức.

Vậy thì, truy trách nhiệm của gia đình trong các vụ thanh thiếu niên phạm pháp là khách quan. Song, để giải quyết được lý do này, hoàn toàn không phải câu chuyện riêng của các gia đình. Chắc hẳn, sau khi đọc tin về việc con người ta gây án, nhiều cha mẹ giật mình, hoang mang, nhưng cũng chưa biết phải làm gì tiếp theo.

Không thể chỉ gán một trách nhiệm là xong, mà cần một cơ chế tác động đồng bộ, để gia đình có thể hoàn thành được sứ mệnh của nó. Ở đó, từ triết lý và phương pháp giáo dục trong nhà trường, từ cách đánh giá năng lực phẩm chất của một đứa trẻ, từ việc kiểm soát các yếu độc hại của những môi trường xung quanh... đều cần có sự thay đổi.

Ở đó, cách thức quản lý lao động, biện pháp nâng cao hiệu suất lao động cũng cần khác đi, để các phụ huynh không phải bơi mình ra với công việc đến mức bỏ bê con cái.

“Nghề” làm cha mẹ chưa bao giờ khó như hiện nay, khi xã hội chuyển động quá nhanh, môi trường xung quanh quá nhiều cạm bẫy, mà phụ huynh lại chưa từng được học để bước vào “nghề”. Vì thế hơn bao giờ hết, chính các phụ huynh đang rất cần được hỗ trợ, để có thể đồng hành cùng con, và hoàn thành sứ mệnh cao cả của gia đình mà đã làm mẹ làm cha, không ai lại không mong muốn.

Nguyễn Yên - Kiều Tuyết/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tu-vu-quai-xe-tong-tu-vong-co-gai-o-ha-noi-con-di-bao-cha-me-o-dau-post1133869.vov