Giá vàng bất ngờ giảm mạnh, dự báo một điều sắp diễn ra
Sau khi mở cửa giao dịch buổi sáng, giá vàng trong nước bất ngờ giảm mạnh 1 triệu đồng/lượng, về mốc 90 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng trong nước chỉ cao hơn thế giới vài trăm nghìn đồng/lượng.
Vào lúc 10h, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 87,3 - 90,3 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 1 triệu đồng/lượng cả 2 chiều so với đầu giờ sáng.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý, Công ty Vàng Phú Nhuận, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng đồng loạt giảm giá vàng miếng SJC về mức 87,3 - 90,3 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Do vào ngày nghỉ cuối tuần nên nhóm ngân hàng big 4 (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) chưa điều chỉnh giá vàng miếng SJC.
![Giá vàng miếng SJC về mốc 90,3 triệu đồng/lượng (ảnh: Như Ý).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_20_51483019/049d6b565818b146e809.jpg)
Giá vàng miếng SJC về mốc 90,3 triệu đồng/lượng (ảnh: Như Ý).
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm về bằng giá vàng miếng SJC bán ra. Giá mua vào các thương hiệu vàng nhẫn cao hơn giá vàng miếng khoảng 1 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 88,35 - 90,3 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 1 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn 88,3 - 90,3 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới niêm yết 2.882 USD/ounce. Giá vàng thế giới tương đương gần 90 triệu đồng/lượng chưa kể thuế, phí.
Như vậy, giá vàng trong nước chỉ còn cao hơn thế giới vài trăm nghìn đồng/lượng.
Khoảng 1 tuần nay, trên thị trường vàng không còn cảnh khan hiếm nguồn cung, người dân có thể thoải mái mua vàng nhẫn, thậm chí cả vàng miếng SJC. Tuy nhiên, thị trường lại không còn cảnh xếp hàng mua vàng.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích, trong khoảng một tuần nay, nhu cầu mua vàng thấp, yếu tố tâm lý sợ đầu tư vào thời điểm này sẽ rủi ro khiến nhiều người không mua mà bán chốt lời. Theo đó, các nhà kinh doanh vàng không điều chỉnh vàng tăng mạnh theo giá thế giới. Vì vậy, chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới gần như ngang nhau.
Theo ông Phương, lượng cung nhiều hơn cầu, mức giá quá cao nên không có nhiều người đầu tư. Tuy nhiên, ông Phương cho rằng, giá vàng trong nước sẽ khó suy giảm mạnh, rất có khả năng sẽ quay đầu tăng lại.
Ông Phương phân tích thêm, giá vàng thế giới vẫn tiềm ẩn nguy cơ giảm sâu, có thể giảm về mức 2.700 USD/ounce trước khi tăng lại. Vì thế, thời điểm này nhiều người e ngại mua vàng, không dám mạo hiểm.
Ông Phương nhận định, giá vàng trong nước sẽ đi ngang nếu giá vàng thế giới giảm nhẹ hoặc giảm tương đối. Nếu giá thế giới giảm mạnh, khoảng 100-200 USD/ounce, giá trong nước cũng giảm theo.
Cụ thể, giá thế giới giảm khoảng 50 USD/ounce, giá trong nước thay vì giảm khoảng 1,5 triệu đồng/lượng, sẽ chỉ giảm khoảng 500.000 - 700.000 đồng/lượng; không giảm mạnh theo giá thế giới, để từ mức đang thấp hơn khoảng 200.000 - 300.000 đồng/lượng; sẽ kéo lên cao hơn 300-500.000/lượng. Từ mốc này trở đi, giá vàng sẽ tăng giảm theo thế giới. Trường hợp giá vàng thế giới tăng tiếp, giá trong nước sẽ tăng mạnh theo.
“Nếu một vài tuần nữa giá vàng thế giới không giảm mạnh, khả năng cao trong nước sẽ có lực mua “bắt đáy” trở lại và sẽ gia tăng trở lại. Tuy nhiên, sẽ không chênh lệch nhiều, chỉ cao hơn thế giới 200.000 - 300.000 đồng/lượng chứ khó cách vài triệu đồng như trước đây”, ông Phương nhận định thêm.
Ông Phương nhấn mạnh, việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới gần như ngang nhau là hiệu quả của các giải pháp, chính sách ổn định thị trường vàng trong thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan chức năng cũng đã phát huy vai trò. Đây là sự thành công của chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
"Việc giá trong nước chỉ chênh 1-2 triệu đồng/lượng so với giá thế giới là điều chấp nhận được”, ông Phương cho hay.