Giá trị văn hóa nghệ thuật ở đền Tranh

Trong hàng nghìn di tích ở Hải Dương, đền Tranh, xã Đồng Tâm (Ninh Giang, Hải Dương) là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy tốt các giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật đặc sắc.

Lễ hội mùa xuân ở đền Tranh thường xuyên thu hút một lượng lớn nhân dân và du khách thập phương

Gắn với truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước

Mỗi năm, đền Tranh có 2 kỳ lễ hội: lễ hội mùa xuân và lễ dâng hương mùa thu. Lễ hội mùa xuân được tổ chức quy mô lớn, thu hút được rất đông nhân dân, du khách trong và tỉnh đến tham quan, chiêm bái. Lễ hội cũng là dịp để nhân dân, du khách gửi gắm ước vọng cho gia đình, quê hương được an khang, mùa màng tươi tốt, bệnh tật tiêu trừ. Đến với lễ hội mùa xuân, du khách còn được đắm mình vào nhiều nghi lễ đặc sắc như: lễ cáo yết (xin mở cửa đền), lễ mộc dục (tắm tượng), tế lễ, rước; các trò chơi dân gian như cờ tướng, cờ biển, đánh pháo đất, kéo co, đập niêu, đi cầu thùm, bịt mắt bắt vịt...

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lễ hội đền Tranh có từ xa xưa, tích hợp, chồng xếp nhiều lớp, tầng văn hóa. Lễ hội cho chúng ta thấy nhiều thông tin về lịch sử mảnh đất, con người; lịch sử đấu tranh chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm và phong tục tập quán, tín ngưỡng của người dân.

Với truyền thống của nền nông nghiệp trồng lúa nước, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đã ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Các hoạt động đi lại, giao thương khi xưa chủ yếu bằng đường thủy, thường xuyên gặp trắc trở. Mong muốn mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, đi lại may mắn, đã đưa nhân dân đến với niềm tin về một thế lực siêu nhiên có thể che chở cho cuộc sống của họ. Niềm tin ấy đã trở thành một nét văn hóa, tín ngưỡng thờ thủy thần sông Tranh, gắn liền với lịch sử phát triển của mảnh đất và con người ở đây.

Vào thế kỷ X, Lê Hoàn đại phá quân Tống, khi chiến thuyền qua sông Tranh, ông đã lệnh cho quân sĩ dừng chân, lập đàn tế lễ, úy lạo sĩ khí ba quân. Cuộc chiến ấy đã chiến thắng lẫy lừng. Để ghi nhớ công ơn, hằng năm vào ngày 10/2 âm lịch, vua Lê Hoàn cho tổ chức lễ tạ ơn và cũng từ đó nhân dân địa phương lấy ngày 10/2 âm lịch hằng năm để tổ chức lễ hội.

Theo truyền ngôn trong nhân dân, vào thời nhà Trần, tại vùng ngã ba sông Tranh giao với sông Luộc, người dân đã lập ra một ngôi đền thờ vị thủy thần cai quản khúc sông này là quan lớn Tuần Tranh. Đây là hình thức tín ngưỡng dân gian của những người làm nghề trên sông nước, sau đó lan ra những người buôn bán, mong mọi việc thông đồng bén giọt, làm ăn gặp nhiều may mắn.

Thời kỳ tiền khởi nghĩa, đền Tranh còn là nơi hoạt động bí mật của đồng chí Lê Thanh Nghị, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ về tổ chức xây dựng Chi bộ Đảng của Nhà máy Nước Ninh Giang, lập tủ sách tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, lập hội truyền bá quốc ngữ. Tại Đền Tranh đã tổ chức mít tinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công...

Duy trì di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Diễn xướng hầu Thánh là một trong những hoạt động đắc sắc tại mỗi kỳ lễ hội đền Tranh

Lễ hội đền Tranh đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, ăn sâu vào tiềm thức của người dân địa phương, trở thành nơi hội tụ, bảo lưu và trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống. Qua nhiều thế hệ, những nét cơ bản của lễ hội vẫn được duy trì. Ngày nay, lễ hội đền Tranh vẫn giữ nguyên được những giá trị khoa học vốn có của một lễ hội truyền thống. Những giá trị đó giúp các nhà khoa học có thể tìm hiểu, nghiên cứu một cách chân thực về tri thức, đời sống, phong tục tập quán nhằm bổ sung cho kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Đặc biệt, lễ hội còn có diễn xướng hầu Thánh và hát văn. Hai hoạt động này đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của lễ hội. Trong đó, diễn xướng hát chầu văn là một trong những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện nay, xã Đồng Tâm đã thành lập được Câu lạc bộ Hát văn và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt, đi trình diễn ở nhiều nơi. Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có hoạt động hầu đồng, thể hiện giá trị văn hóa tâm linh của khu di tích, niềm tin và sự tôn kính của cộng đồng đối với vị thần được thờ.

Việc duy trì tổ chức hoạt động hát văn và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt tại lễ hội đền Tranh nhằm tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt. Các tập quán, nghi lễ, lễ hội truyền thống tốt đẹp gắn với di sản tại đây sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt trong cộng đồng...

Năm 2009, đền Tranh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Cùng với các giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc còn lưu giữ và đang phát huy, đây sẽ là cơ sở quan trọng, cần thiết để đền Tranh có thể trở thành di tích quốc gia đặc biệt trong tương lai.

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/gia-tri-van-hoa-nghe-thuat-o-den-tranh-381167.html