Giá thịt gà ở Hà Nội tăng do 'hùa' theo giá thịt lợn?
Theo các tiểu thương, nguyên nhân chủ yếu khiến giá thịt gà tăng nhẹ khoảng hơn một tuần trở lại đây là do giá thành thịt lợn tăng cao, trong khi nguồn cung thịt lợn giảm.
Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội tại một số chợ truyền thống và chợ tạm ở Hà Nội, không chỉ riêng giá thịt lợn có giá bán ra tăng mạnh mà giá thịt gà cũng đang tăng dần.
Tại một số chợ truyền thống như chợ Bưởi (quận Tây Hồ), chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa), chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân), giá thịt gà đều mức tăng khoảng 10.000 – 20.000 đồng/kg. Cụ thể, gà mái ta có mức giá bán ra là 120.000 đồng/kg; gà trống ta là 140.000 đồng/kg. Đối với thịt gà công nghiệp, hoặc các phần gà riêng lẻ như cánh gà, tỏi gà… mức tăng ít nhất là 10.000 đồng/kg.
Chị Lan (58 tuổi) là một trong 2 tiểu thương bán thực phẩm tươi sống (thịt gà) vào buổi chiều, tại chợ Bưởi cho biết: "Thịt gà mới tăng khoảng hơn một tuần nay, mức tăng không nhiều, chỉ 10.000 đồng/kg. Nếu như trước kia, gà trống ta chỉ có giá 100.000 đồng/kg thì đến thời điểm này phải đạt ngưỡng 140.000 đồng/kg. Gà công nghiệp 70.000 cũng tăng lên mức 80.000 – 85.000 đồng/kg".
Theo chị Lan, đây là mức giá cao nhất kể từ trước đến nay. "Nhìn giá bán ra tăng nhưng thực tế, đầu nhập của chúng tôi cũng không giậm chân tại chỗ. Chúng tôi không nhập gà sống từ các trang trại mà chủ yếu mua hàng đã qua sơ chế nên giá thành cũng bị nhỉnh hơn so với mua tại trang trại. Chính vì lo ngại giá thành tăng nên những người chỉ bán hàng tươi sống buổi chiều như chúng tôi phải cấp đông nhẹ từ lúc nhập về để giữ độ tươi ngon của thịt. Mùa hanh khô, bề mặt thịt không được tươi tắn thì thỉnh thoảng chúng tôi cũng phải tưới chút nước để giữ độ tươi", chị Lan cho hay
Khác với những mặt hàng thực phẩm cấp đông được bày bán ở chợ Bưởi, tại chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân), chị Hằng lựa chọn phương pháp bán hàng gà sống chưa qua sơ chế.
Chị Hằng cho biết, mỗi ngày, hai mẹ con chị nhập khoảng 1 tạ gà để bán ở chợ Phùng Khoang. Vì đặc thù của chợ này là hàng hóa bán nhiều vào thời điểm đầu ngày và cuối ngày nên việc giữ nguyên gà trong lồng cũng là để đáp ứng sự lựa chọn của các bà nội trợ, với tiêu chí chọn lựa thịt tươi, giết mổ tại chỗ.
"Khi khách lựa chọn, mẹ tôi phải cân gà rồi giết mổ tại nên người bán sẽ vất vả thêm nhưng bằng cách này, người tiêu dùng sẽ tự lựa chọn, chứng kiến khâu sơ chế. Lẽ dĩ nhiên, người tiêu dùng sẽ thấy được đây là thực phẩm rất tươi mà giá thành không nhỉnh hơn so với giá chung, nên so với thực phẩm cấp đông, chúng tôi bán chạy hàng hơn rất nhiều", chị Hằng cho hay.
Lý giải về nguyên nhân khiến thịt gà "phi mã", chị Hằng cho biết: "Khoảng tháng 9 vừa rồi, giá đầu vào của gà giảm mạnh, các hộ chăn nuôi bán cắt lỗ nên nguồn cung thịt gà giảm. Ngoài ra, còn có sự ảnh hưởng từ giá thịt lợn tăng cao. Ở thời điểm này, thịt lợn móc hàm (đã qua sơ chế tại lò mổ) vừa đạt mức 120.000 đồng/kg. Giá thịt lợn tăng cũng bởi do sự ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thịt lợn giảm. Từ việc thịt lợn tăng giá, nhiều người nội trợ có xu hướng tăng cường gà cho bữa ăn gia đình. Đây là lẽ đương nhiên khiến thịt gà tăng giá".
Ghi nhận của PV tại một số siêu thị và cửa hàng tiện lợi cho thấy, giá gà ta 1/2 con hiện đang ở mức 92.500 đồng/kg; cánh gà công nghiệp có giá 48.900 đồng/kg, đùi gà tháo khớp có giá là 48.500 đồng/kg, cánh gà là 87.000 đồng/kg, chân gà công nghiệp 110.000 đồng/kg, má đùi gà công nghiệp PC 73.000 đồng/kg, phi lê gà công nghiệp 82.000 đồng/kg…