Gia Lâm: Hướng dẫn tổ chức mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn
Sáng 15-4, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Gia Lâm tổ chức Hội nghị tập huấn phát triển mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn...

Quang cảnh hội nghị tập huấn. Ảnh: Ánh Dương
Tại buổi tập huấn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch và Phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) Phạm Diễm Hảo cho biết, du lịch nông nghiệp - nông thôn không chỉ đơn thuần là tham quan, trải nghiệm, mà còn là cầu nối để du khách khám phá, trân trọng giá trị văn hóa bản địa, nghề truyền thống và hệ sinh thái nông nghiệp đặc trưng của từng địa phương. Thành phố định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn dựa trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của vùng nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững; tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân, sự tham gia tích cực từ cộng đồng địa phương cho đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người lao động.
Gia Lâm có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nhiều làng nghề truyền thống, nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Đến với Gia Lâm, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng, khám phá 320 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt là đền Phù Đổng, 64 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 89 di tích xếp hạng cấp thành phố và được tham quan, trải nghiệm nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu, như: Lễ hội Gióng, Lễ hội đền Bà Tấm, Lễ hội Chử Đồng Tử...
Gia Lâm có 4 điểm du lịch đã được thành phố công nhận, là: Bát Tràng, Phù Đổng, Dương Xá, Kim Lan. Nhiều sản phẩm, chương trình du lịch đã được khai thác, thu hút du khách, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Hết năm 2023, huyện có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 7/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có 3 xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu về du lịch, 2 thị trấn: Yên Viên, Trâu Quỳ đạt chuẩn đô thị văn minh.

Các học viên trao đổi với báo cáo viên về phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Ánh Dương
Tại hội nghị, các học viên được nghe Giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại AADASIA Group Nghiêm Thúy Hà hướng dẫn xây dựng cơ chế quản lý, tổ chức mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới theo chuỗi giá trị; một số kỹ năng, nghiệp vụ về du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới...
Thông qua tập huấn, các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn Gia Lâm được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mạng lưới liên kết, phát triển du lịch huyện Gia Lâm theo hướng xanh, bền vững. Các học viên cũng dần định dạng phương hướng, phát triển mô hình du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương, đó là du lịch văn hóa, làng nghề, trải nghiệm nông nghiệp; vận dụng kiến thức, kỹ năng đã được học, tiếp tục nghiên cứu, trau dồi, lan tỏa nhằm xây dựng thêm nhiều mô hình hiệu quả, tạo hình ảnh điểm du lịch "An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn".