Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030
Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.
Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh tiếp tục duy trì tỷ lệ 99,8% và nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. 100% đơn vị cấp huyện đạt phổ cập giáo dục cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi.
100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 trở lên, phấn đấu 12/17 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học.
100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 trở lên; có 6/17 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 3. 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và nâng cao các tiêu chí xóa mù chữ.
Cùng với đó, phấn đấu 70% số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh được trang bị năng lực thông tin và kỹ năng sống; 60% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó có 15% dân số có trình độ đại học trở lên.
Về phân luồng học sinh và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu thu hút trên 30% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%.
Đồng thời, 80% cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; có 90% các trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục.
Tại kế hoạch này, UBND tỉnh đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện, gồm: công tác tuyên truyền; duy trì, củng cố, nâng cao kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, hạn chế người bỏ học và người tái mù chữ, đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS; đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; giải pháp về cơ chế, chính sách và về công tác tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS.
Kinh phí thực hiện được bố trí, cân đối trong dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước của các đơn vịsự nghiệp công lập; nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn và các nguồn vốn huy động, đóng góp hợp pháp theo quy định.