Giá khí đốt tăng - Ai hưởng lợi?

Bất chấp những ý kiến cho rằng Nga và các nước xuất khẩu khí đốt lớn trên thế giới là bên chiến thắng trong việc tăng giá khí đốt ở châu Âu, một nhà phân tích của Quỹ An ninh năng lượng Nga nói với Sputnik lý do tại sao Nga không tận dụng lợi thế của mình.

Nga là quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn nhất cho châu Âu

Nga là quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn nhất cho châu Âu

Tất cả đều thiệt hại

Chuyên gia Igor Yushkov - nhà phân tích của Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga - giải thích rằng, Nga không tận dụng tình huống này, bởi vì giá tăng rất cao sẽ bắt đầu giết chết nhu cầu.

“Bây giờ, những công ty chỉ sử dụng khí đốt đã bắt đầu ngừng sản xuất. Ví dụ, một phần các công ty sản xuất phân đạm, lấy nguyên liệu từ khí đốt đã đóng cửa. Sau đó, các trang trại sử dụng khí đốt để sưởi ấm đất bắt đầu đóng cửa. Với giá khí đốt cao, thị trường bắt đầu thắt chặt. Đó là lý do tại sao các nhà cung cấp khí cũng không tận dụng được lợi thế. Giá cao, thị trường sẽ co lại và họ sẽ không có nơi nào để cung cấp khí”, Igor Yushkov giải thích.

Igor Yushkov không phải là người duy nhất nói rằng Nga cũng bị ảnh hưởng bởi đợt tăng giá khí này. Đặc biệt, sự gia tăng giá năng lượng ở châu Âu là một nguyên nhân gây lo ngại cho Ngân hàng Trung ương Nga, vì giá khí có thể tác động đến lạm phát. Chính Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định vào ngày 6-10-2021 trong cuộc họp với các quan chức của ngành năng lượng quốc gia: Nga không cần đến những chuyện đầu cơ như vậy. Có những sự kiện khó chịu khác đằng sau những biến động giá khí.

Theo chuyên gia Igor Yushkov, một trong những lý do khiến Nga không cần giá khí đốt cao là sự cạnh tranh với các nguồn năng lượng khác. Trong bối cảnh giá cả quá cao, người châu Âu sẽ chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo nhiều hơn, bỏ lại khí đốt. Khi giá khí đốt tăng, châu Âu bắt đầu tích cực tiêu thụ than và giá than cũng tăng kỷ lục vì nguồn than đã cạn kiệt. Khi đó, chúng ta thấy sự cạnh tranh giữa khí với các nguồn năng lượng tái tạo. Khí đốt được ưa chuộng hơn vì có giá 200-300 USD/1.000 m3. Nhưng khi giá khí tới 1.000 USD/1.000 m3, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Rõ ràng, các nguồn năng lượng tái tạo khi đó sẽ rất hấp dẫn về kinh tế. Đó là lý do tại sao giá khí đốt cao cũng không có lợi cho Nga.

Giá năng lượng tăng trên hầu hết các thị trường

Giá năng lượng tăng trên hầu hết các thị trường

Ai là thủ phạm?

Theo chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng Nga, chính sách tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo chịu trách nhiệm đặc biệt cho tình hình giá khí hiện nay ở châu Âu. EU đã gây áp lực lên năng lượng truyền thống và buộc các công ty phải đóng cửa các cơ sở sản xuất. Igor Yushkov lưu ý: “Họ không chỉ đóng cửa các nhà máy điện than mà còn cho nổ tung chúng, khi tuyên bố rằng họ sẽ không bao giờ cần tới chúng lần nữa. Bây giờ nếu còn, những nhà máy này có lẽ sẽ rất hữu ích. Hoặc khi đóng cửa các mỏ than, họ lại không bảo quản lại mà đã đóng cửa chúng vĩnh viễn. Tất cả đều gây áp lực lên khí đốt”.

Trong cán cân năng lượng, các nguồn năng lượng tái tạo thường được ưu tiên, có nghĩa là tất cả năng lượng được sản xuất bởi các nguồn sạch đều được bán trước. Sau đó, nếu vẫn còn nhu cầu, sẽ chuyển sang sử dụng năng lượng truyền thống, đặc biệt là khí đốt hoặc than đá. Thực tế đó khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.

“Năm nay gió ít mạnh hơn khiến điện gió kém năng suất, nhiều nơi chuyển sang dùng khí đốt. Khi LNG trên thế giới tràn sang các thị trường châu Á có giá cao, nhiều nơi chuyển hướng sang cầu cứu than thì than cũng thiếu. Than đã chuyển sang châu Á, nơi có nhiều nhà máy điện than hơn châu Âu. Đó là kết quả của quá trình chuyển đổi nhanh chóng từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo ở châu Âu”, chuyên gia Igor Yushkov nhận xét.

Tuy nhiên, theo Igor Yushkov, bài học đó chẳng dạy được gì cho các quan chức châu Âu. Họ nhấn mạnh rằng phải tiếp tục phát triển hơn nữa năng lượng tái tạo để ổn định tình hình. “Không ai muốn thừa nhận sai lầm của mình. Nếu họ xây dựng thị trường năng lượng theo cách đó, sau đó nói rằng chúng tôi đã làm tốt, chúng tôi chỉ cần làm nhiều hơn như chúng tôi đã làm, rồi mọi thứ sẽ ổn”, Igor Yushkov châm biếm.

Khủng hoảng đến khi nào?

Không ít chính trị gia châu Âu nói rằng nhiều khả năng giá xăng, vốn được xếp vào mức cao nhất mọi thời đại, sẽ không giảm cho đến mùa xuân tới. Theo chuyên gia Igor Yushkov, nhu cầu và giá cả sẽ cao trong suốt mùa đông, khoảng cho đến tháng 3 hoặc tháng 4-2022.

Khi được hỏi về lý do tại sao người châu Âu không có kế hoạch lấp đầy kho dự trữ của họ trước khi mùa đông đến, nhà phân tích từ Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga giải thích: EU đã phải vật lộn để đánh giá tình hình khi giá khí đốt bắt đầu tăng trong mùa hè, đạt 400 USD hoặc thậm chí 500 USD/1.000 m3. Họ cảm thấy sẽ là một rủi ro lớn nếu mua khí đốt với giá cao như vậy. Các công ty châu Âu khi ấy thấy mức giá khí quá cao, nên tin rằng đó không phải là thời điểm tốt để mua khí đốt và lấp đầy các kho dự trữ vì cho rằng khí sẽ rẻ hơn sau đó. Tuy nhiên, hiện nay giá khí đang tăng chóng mặt.

Chắc chắn, các kho dự trữ của châu Âu không bị rỗng và châu Âu sẽ có đủ khí đốt để sưởi ấm và phân phối cho người dân, nhưng châu Âu sẽ buộc phải nhập khẩu nhiều khí đốt hơn mỗi ngày trong toàn bộ mùa đông tới. Do đó, nhu cầu khí dự kiến sẽ vẫn tiếp tục cao cho đến năm 2022.

Khí đốt được ưa chuộng vì có giá 200-300 USD/1.000 m3. Nhưng khi giá khí tới 1.000 USD/1.000 m3, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ rất hấp dẫn về kinh tế.

S.Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/gia-khi-dot-tang-ai-huong-loi-630755.html