Giá hạt điều tăng kỷ lục, doanh nghiệp sản xuất 'liêu xiêu'

Theo các doanh nghiệp (DN) mua hạt điều xuất khẩu, ngay sau vụ thu hoạch điều năm 2024, giá hạt điều thô không ngừng tăng cao. Đến thời điểm này, giá hạt điều thô các thương lái bán cho các nhà máy, cơ sở chế biến dao động từ 43-45 ngàn đồng/kg, tăng gấp đôi so với giá bán ra của nông dân trong vụ thu hoạch. Dự báo, giá sản phẩm này vẫn giữ đà tăng trong thời gian tới.

Làm hạt điều xuất khẩu tại một cơ sở chế biến ở huyện Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Làm hạt điều xuất khẩu tại một cơ sở chế biến ở huyện Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Nguyên nhân giá hạt điều tăng lên mức kỷ lục như hiện nay do nguồn cung giảm mạnh vì nông dân đua nhau chặt bỏ cây trồng này đổi sang mô hình canh tác khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Giá hạt điều thô nhập khẩu cũng tăng đột biến do nguồn cung giảm vì khô hạn, năng suất giảm mạnh. Giá nguyên liệu tăng sốc, DN sản xuất hạt điều gặp rất nhiều khó khăn, chỉ hoạt động cầm cự, thậm chí tạm ngưng sản xuất.

Giá điều thô tăng kỷ lục

Theo khảo sát, đầu vụ thu hoạch năm 2024, giá hạt điều thô dao động từ 25-26 ngàn đồng/kg nhưng khi rộ vụ, giá hạt điều giảm chỉ còn khoảng 20-21 ngàn đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ mọi năm từ 2-3 ngàn đồng/kg. Giá hạt điều thô nông dân thu hoạch điều năm 2024 bán ra thấp hơn cùng kỳ năm ngoái là do chất lượng hạt kém, hạt bị nhỏ hơn vì ảnh hưởng của thời tiết khô hạn.

Điều nghịch lý là nông dân trồng điều bị thất thu do mất mùa, mất giá nhưng ngay sau khi kết thúc vụ thu hoạch, giá hạt điều thô tăng từng ngày và hiện đã lập mức kỷ lục về giá bán. Không chỉ điều nội địa, giá hạt điều thô nhập khẩu cũng không ngừng leo thang. Hiện các cơ sở, DN sản xuất đang phải mua hạt điều thô nhập khẩu với mức giá khoảng 48 ngàn đồng/kg. Và dấu hiệu tăng giá của mặt hàng này vẫn chưa dừng lại.

Cây điều từng là cây công nghiệp chủ lực của Đồng Nai, có thời điểm, diện tích cây trồng này đạt hơn 50 ngàn hécta. Nhưng tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh chỉ còn hơn 27 ngàn hécta. Đây là cây trồng cho hiệu quả kinh tế kém nên nhiều nhà vườn không còn mạnh dạn đầu tư, chăm sóc khiến cây trồng này giảm sút mạnh về sản lượng.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, thời điểm cuối tháng 2, 3-2024, các DN Việt Nam ký hợp đồng mua điều thô, khi đó giá điều nguyên liệu ở mức 1-1,1 ngàn USD/tấn. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá điều thô đã được đẩy lên tới 1,5-1,6 ngàn USD/tấn, tăng gần 50% so với trước. Từ tháng 5, khi vụ thu hoạch điều trong nước kết thúc, giá hạt điều thô nhập khẩu tiếp tục theo đà tăng sốc. Đây là diễn biến từ trước đến nay chưa từng xảy ra.

Nguyên nhân được Hiệp hội Điều Việt Nam đưa ra là do một số nhà cung ứng nguyên liệu lấy lý do mất mùa để không giao hàng hoặc yêu cầu tăng giá theo mức tăng hiện tại thì mới tiếp tục giao. Trước đó, Hội đồng Hạt và quả khô quốc tế công bố thông tin sản lượng điều thô ở châu Phi giảm sút khoảng 7% do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết.

Nguồn cung hạt điều thô trong nước cũng giảm sút mạnh. Ông Nguyễn Văn Thu, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Viễn (huyện Trảng Bom) so sánh, trước đây, địa phương là vùng chuyên canh cây điều lớn của tỉnh với diện tích cả ngàn hécta. Hiện nay, hầu hết diện tích này đã bị thay thế bởi các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Diện tích điều còn lại rất ít, vụ thu hoạch năm 2024, nhiều nông dân trồng điều không có thu vì ảnh hưởng hạn hán nên chất lượng và năng suất hạt điều đều kém.

Sản xuất đình đốn

Giá hạt điều thô tăng cao, cả nông dân lẫn DN chế biến đều không được hưởng lợi, thậm chí thua lỗ nặng.

Bà Phạm Thị Hồng Vân, chủ Cơ sở Hạt điều Phương Hân tại xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú so sánh, vụ mùa năm ngoái, cơ sở mua được khoảng 100 tấn điều thô nguyên liệu tại các vùng trồng ở địa phương thì năm nay nguyên liệu mua được chưa đến 30 tấn. Giá điều nhập khẩu thì liên tục biến động, sáng một giá, chiều đã tăng lên mức giá khác.

Thời gian qua, cơ sở của bà Vân chỉ sản xuất cầm chừng để làm hàng cung cấp cho một số đơn hàng khách đã đặt trước đó. Lợi nhuận của cơ sở hầu như không có, thậm chí một số đơn hàng bà phải bù lỗ vì khi báo giá với khách, giá điều nguyên liệu đang ở mức thấp nhưng ngay sau đó đột ngột tăng cao khiến cơ sở sản xuất trở tay không kịp.

Bà Vân chia sẻ: “Cùng kỳ này, mọi cơ sở của tôi đã ký kết các hợp đồng cho quý III nhưng hiện tại tôi vẫn chưa có đơn hàng mới. Cơ sở sản xuất không dám nhận đơn vì giá điều nguyên liệu biến động quá mạnh. Mặt khác, ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, hầu như không có khách hàng nào chấp nhận mức giá hạt điều tăng cao như hiện nay vì thị trường tiêu thụ đang chậm hơn do ảnh hưởng tình hình khó khăn chung của nền kinh tế”.

Cũng theo Hiệp hội Điều Việt Nam, hiện điều thô trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nguyên liệu để chế biến, 90% còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, nếu tình trạng “bẻ kèo”, “làm giá” kéo dài, nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu chế biến sẽ hiện hữu trong nửa cuối quý III, IV năm nay và ảnh hưởng đến cả quý I-2025. Trong bối cảnh thị trường còn nhiều diễn biến phức tạp, Hiệp hội Điều Việt Nam khuyến cáo các DN nỗ lực để đảm bảo tối đa hoạt động chế biến và giao hàng đúng hợp đồng đã ký kết. Trong trường hợp không có đủ nguyên liệu thì đàm phán, trao đổi với người mua điều nhân để khách hàng nắm rõ tình hình và có sự chia sẻ khó khăn.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202406/gia-hat-dieu-tang-ky-luc-doanh-nghiep-san-xuat-lieu-xieu-70c421b/