Gia đình hai thế hệ nghệ nhân giữ gìn Tết xưa qua tranh dân gian truyền thống
Những ký ức về Tết truyền thống xưa vẫn in đậm qua câu chuyện kể bằng tranh của hai cha con nghệ nhân miệt mài gìn giữ nét đẹp văn hóa quê hương bên dòng sông Đuống.
Với sự kết hợp tinh tế giữa văn hóa dân gian và thẩm mỹ truyền thống, tranh Đông Hồ đã trở thành biểu tượng độc đáo của làng nghề xứ Kinh Bắc. Trong suốt nhiều thế kỷ, làng tranh Đông Hồ đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân tài hoa, trong đó không thể không kể đến gia đình Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Quả và con trai là Nghệ nhân Nguyễn Hữu Đạo.
“Níu” ký ức Tết xưa qua tranh dân gian
Tranh dân gian Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) với hình ảnh đậm chất truyền thống, luôn mang đến những ký ức tết xưa đầy ấm cúng và ý nghĩa. Những tác phẩm nghệ thuật này không chỉ phản ánh cuộc sống thường ngày mà còn tái hiện những phong tục, lễ hội và những hình ảnh đặc trưng của Tết cổ truyền Việt Nam.
Tại miền quê của dòng tranh Đông Hồ, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Quả là một trong ba nghệ nhân được xem là "di sản sống" của làng (cùng với Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế và Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh). Ngoài việc cống hiến cả đời cho nghề làm tranh Đông Hồ, ông Quả còn dày công truyền dạy cho thế hệ trẻ về cách bảo tồn, phát huy dòng tranh truyền thống.
Sinh ra và lớn lên tại làng Đông Hồ, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Quả đã bén duyên với nghề làm tranh từ thuở nhỏ. Lớn lên, cùng với tài năng và lòng yêu nghề, ông đã dành cả cuộc đời để sáng tạo và gìn giữ nét đẹp của tranh Đông Hồ, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống cha ông để lại.
Trong ký ức của ông Quả, Tết đến là những ngày ra đình quây quần bận rộn với những đơn hàng tranh Tết. Ngày ấy, người dân mua tranh rất nhiều về chơi Tết, tranh làm cho sắc màu của Tết rực rỡ, làm cho nhà được trang hoàng nó không khí sắc màu và tạo ra không khí gia đình đầm ấm đầy ắp niềm vui.
Những ngày giáp Tết, cả nhà ông Quả thức đêm làm tranh phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng, mỗi người một công đoạn. Ngày ấy, tranh có thể mua bằng tiền hoặc đổi bằng những con gà, quả trứng hay thậm chí là vò rượu.
Ông Quả bảo rằng tranh Đông Hồ được tạo ra để phục vụ Tết. Nó là một phần không thể thiếu trong ngày Tết của người dân bên cạnh bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành và câu đối đỏ. Những bức tranh được dùng để trang hoàng nhà cửa, làm cho không gian sống thêm màu sắc và rực rỡ.
So với nhiều dòng tranh khác, tranh dân gian Đông Hồ có tính biểu trưng, trang trí nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc, dễ hiểu, gần gũi với đời sống của người dân vùng Bắc bộ. Những bức tranh phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần, vật chất của con người, xã hội. Đó là những bức tranh khắc họa ước mơ ngàn đời của người lao động về cuộc sống gia đình thuận hòa, ấm no, hạnh phúc, về một xã hội công bằng, tốt đẹp…
Ở tranh Đông Hồ, ta có thể thấy những hình ảnh được vẽ khá đơn giản và thân thuộc như con lợn, con gà... Người dân mua tranh Đông Hồ về treo trong những ngày Tết như mang về cho cả gia đình niềm hy vọng tốt đẹp và gửi gắm vào đó những lời cầu chúc cho năm mới.
Ví dụ, tranh gà thường được sử dụng để cầu mong sự no đủ và sum vầy; các bức tranh thể hiện cho lễ hội đầu Xuân mới như múa lân, rước rồng…; về sự ấm no, sinh sôi nảy nở như vinh hoa phú quý; đàn lợn Âm Dương…
Tranh dân gian Đông Hồ không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn là những trang ký ức sống động, giúp người chơi hồi tưởng và trân trọng những giá trị truyền thống trong dịp Tết. Những bức tranh này luôn là nguồn cảm hứng và niềm tự hào của người Việt Nam đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Giữ nghiệp cha ông
Tiếp bước cha, Nghệ nhân Nguyễn Hữu đạo đang viết tiếp những trang sách của người làm tranh dân gian Đông Hồ.
Sinh năm 1990, Nghệ nhân Nguyễn Hữu Đạo là một trong những nghệ nhân trẻ nhất của làng tranh dân gian Đông Hồ. Anh là cháu nội của Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Sam và là con trai của Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Quả, thuộc đời thứ 15 của dòng họ Nguyễn Hữu - một trong hai dòng họ còn duy trì nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.
Nguyễn Hữu Đạo kể rằng sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã từng làm việc văn phòng nhưng không cảm thấy hứng thú. Anh quyết định bỏ việc và quay trở lại làng tranh Đông Hồ để nối nghiệp cha ông.
Được tiếp xúc với nghề làm tranh từ nhỏ nhờ việc quan sát ông nội và bố vẽ tranh, đục ván khắc, Nguyễn Hữu Đạo quay lại với nghề rất nhanh. Ngày ngày, anh miệt mài bên góc bàn, tỷ mỷ cùng những ván khắc bằng gỗ để cho ra những tác phẩm dung dị nhưng cũng vô cùng đẹp mắt.
Để làm một bức tranh khắc gỗ hoàn thiện, Nguyễn Hữu Đạo bảo rằng phải qua nhiều bước xử lý gỗ nguyên liệu, từ chuẩn bị nguyên liệu đến quy trình hoàn thiện sản phẩm. Người thợ lành nghề cần sự kỹ thuật, khéo léo, tỷ mỷ và tinh tế trong từng đường nét.
Ngừng tay đục, Đạo bảo rằng khi mới làm, anh thường xuyên làm hỏng những chi tiết nhỏ của tranh bởi chưa kiểm soát được lực tay. Đôi khi một bức tranh gần xong mà hỏng một đường nét là cả tấm ván khắc sẽ bị hủy. Không nản, anh lại bắt đầu lại công việc một cách thận trọng.
Qua nhiều năm rèn luyện, kế thừa và phát triển dựa trên những giá trị văn hóa cốt lõi, Đạo tạo ra những sản phẩm không chỉ mang đậm dấu ấn dân gian mà còn thể hiện sự sáng tạo và đổi mới không ngừng nghỉ. Anh đã kết hợp những yếu tố truyền thống với nét hiện đại, tạo nên những bức tranh vừa thân thuộc vừa mới lạ, đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Đạo đang tiếp tục hành trình bảo tồn và phát triển nghệ thuật tranh Đông Hồ. Anh không chỉ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt mà còn truyền cảm hứng và kiến thức cho các thế hệ trẻ, giúp giữ vững và phát huy làng nghề trong thời đại mới.
Một điều khá đặc biệt là con trai của Nghệ nhân Nguyễn Hữu Đạo dù mới 7 tuổi nhưng cũng rất thích nghề của gia đình. Bé thường xuyên tìm hiểu cách làm cũng như quan sát cha, ông mình, tò mò “lắng nghe” những câu chuyện từ tranh...
Về điều này, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Quả bảo thấy niềm tin về nghề mang đậm văn hóa truyền thống vẫn âm ỉ chảy trong gia đình mình, ông thấy hình ảnh của mình và cậu con trai Nguyễn Hữu Đạo hồi nhỏ khi thấy cháu sau giờ học lại quấn quít bên tranh.
Với sự đóng góp của gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cũng như nhiều người dân Đông Hồ, tin rằng những sản phẩm của làng tranh sẽ tiếp tục tỏa sáng và giữ vững vị thế của mình trong “bản đồ” nghệ thuật truyền thống của dải đất hình chữ S./.