Giá cà phê hôm nay 11/12/2024: Giá cà phê vào đợt tăng mạnh và dài, những lầm tưởng về thị trường, cần thận trọng khi giao dịch

Dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2024-2025 được nâng lên mức 30,1 triệu bao, tăng 1,1 triệu bao so với dự báo trước và tăng 2,6 triệu bao so với niên vụ 2023-2024, theo công bố của Cơ quan dịch vụ nông nghiệp nước ngoài (FAS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Giá cà phê hôm nay 11/12/2024

Giá cà phê thế giới đã có những ngày tăng giá cà phê tiếp tục kéo dài trên cả 2 sàn robusta và arabica. Đáng chú ý, thị trường arabica tăng mạnh đầu phiên, giao dịch sôi động, về cuối phiên giá giảm dần chỉ tăng nhẹ cùng với nhu cầu "bớt nóng" của thị trường. Giá cà phê arabica tiếp tục đà tăng tốt, đạt kỷ lục mới do lo ngại triển vọng vụ mùa tại Brazil.

Giá cà phê trong nước tăng mạnh, hiện đag giao dịch tại 124.000 - 127.000 đồng/kg, sau khi USDA công bố dự báo mới về sản lượng niên vụ 2024-2025 của Việt Nam.

Trong tháng 11, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh do mùa thu hoạch đến muộn khiến sản lượng thu hoạch còn thấp. Sản lượng robusta đạt khoảng 29 triệu bao và arabica là 1,1 triệu bao, tăng lần lượt 1,5 triệu bao và 100.000 bao so với niên vụ trước. Ngoài ra, FAS cũng nâng dự báo xuất khẩu cà phê niên vụ 2024-2025 của Việt Nam lên mức 26,92 triệu bao, cao hơn so với con số 26,5 triệu bao được đưa ra trước đó và tăng so với mức 24,4 triệu bao của niên vụ 2023-2024.

Trong khi đó, triển vọng về một vụ mùa cà phê nhỏ hơn ở Brazil đang đẩy giá cà phê arabica trên sàn New York tăng cao. Một nhà kinh doanh cà phê lớn nhất thế giới Volcafe đã cắt giảm ước tính sản lượng cà phê arabica của Brazil trong niên vụ 2025-2026 xuống còn 34,4 triệu bao, giảm khoảng 11 triệu bao so với ước tính vào tháng 9, sau chuyến khảo sát mùa vụ cho thấy mức độ nghiêm trọng của hạn hán kéo dài tại các vùng trồng chính của Brazil.

Báo cáo của Volcafe được đưa ra đúng vào thời điểm thị trường đang lo ngại về nguồn cung đẩy giá đi lên, có thể đã gây ảnh hưởng lớn hơn mức cần thiết, đặc biệt khi mùa thu hoạch tại Việt Nam - nhà sản xuất robusta hàng đầu đang diễn ra.

Bởi trên thực tế có tin rằng, nhằm tận dụng giá cà phê đang ở mức cao người dân và doanh nghiệp Brazil tranh thủ đẩy hàng. Theo Hiệp hội cà phê Brazil (Cecafé), xuất khẩu của nước này trong tháng 11 đạt kỷ lục cả về lượng và kim ngạch. Cụ thể, Brazil đã xuất khẩu gần 280.000 tấn cà phê, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái và kim ngạch đạt trên 1,3 tỉ USD, tăng đến gần 63%. Lũy kế 11 tháng của năm 2024, Brazil đã xuất khẩu tới gần 2,9 triệu tấn cà phê các loại, vượt sản lượng xuất khẩu của cả năm 2023 là 3,8%.

Tuy nhiên, dù xuất khẩu tăng mạnh nhưng các hoạt động thương mại, đặc biệt là dịch vụ vận chuyển, vẫn gặp khó khăn, gây nên sự chậm trễ trong giao nhận làm phát sinh thêm chi phí, góp phần tăng giá cà phê.

Giá cà phê trong nước hôm nay ngày 11/12 tăng 500 - 700 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Getty Images)

Giá cà phê trong nước hôm nay ngày 11/12 tăng 500 - 700 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Getty Images)

Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 10/12, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tiếp tục tăng, kỳ hạn giao hàng tháng 1/2025 tăng 22 USD, giao dịch tại 5.268 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 tăng 32 USD giao dịch tại 5.232 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tăng mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 tăng 4,05 Cent, giao dịch tại 334,15 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2025 tăng 3,90 Cent, giao dịch tại 331,55 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước hôm nay ngày 11/12 tăng 500 - 700 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VNĐ/kg

(Nguồn: giacaphe.com)

Giá cà phê đã tăng vọt khoảng 80% trong năm nay, một phần do lo ngại về triển vọng mùa vụ ở Việt Nam, nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất, loại cà phê thường được sử dụng để sản xuất cà phê hòa tan.

Volcafe cũng dự báo thâm hụt cà phê arabica toàn cầu trong vụ 2025-2026 ở mức 8,5 triệu bao, cao hơn mức thâm hụt 5,5 triệu bao của vụ 2024-2025 và là năm thứ năm liên tiếp xảy ra tình trạng thâm hụt.

Ngoài ra, FAS cho biết, giá cà phê tăng đã thúc đẩy nông dân tăng đầu tư vào trồng cà phê, giúp phục hồi sau đợt hạn hán đầu mùa Hè năm nay và giảm tổn thất trong thu hoạch cũng như sau thu hoạch. Tuy nhiên, giá cà phê tăng đều trong năm 2024 còn khiến nhiều nông dân giữ lại lượng cà phê dự trữ lâu hơn, kỳ vọng giá tiếp tục tăng.

Trong khi đó, phân tích thị trường, các chuyên gia về cà phê, cho biết sự biến động bất thường của giá cà phê trên các sàn giao dịch cà phê kỳ hạn quốc tế do quỹ đầu cơ đẩy giá, không phản ánh đúng thị trường cà phê. Trong khi giá cà phê Việt Nam lại lầm tưởng cuốn theo giá trên các sàn kỳ hạn này.

Trên Reuters, nhà môi giới Tomas Araujo của StoneX cũng cho biết, thị trường tiếp tục tập trung vào việc gỡ bỏ vị thế phòng ngừa rủi ro, đặc biệt là từ Brazil. Việc gỡ bỏ vị thế phòng ngừa rủi ro thường đẩy giá lên cao hơn vì nó liên quan đến việc mua hoặc nắm giữ các hợp đồng tương lai để bù đắp hoặc đóng vị thế bán. Điều này xảy ra do chi phí ký quỹ hoặc khoản đặt cọc cần thiết để giao dịch hợp đồng tương lai tăng cao.

Do thị trường hiện nay có nhiều yếu tố rủi ro nên các nhà xuất khẩu cà phê không bán trên sàn giao dịch hàng hóa nhiều. Với mức tăng giảm giá mua bán cà phê trên sàn kỳ hạn quá lớn 300 - 400 USD/tấn, không có doanh nghiệp nào dám giao dịch. Điều đó dẫn đến việc “khô” đơn hàng chào bán cà phê, nguồn cung cà phê thiếu hàng, thị trường hiểu lầm thiếu hàng, tạo cơ hội cho đầu cơ thao túng sàn, đẩy giá lên.

Do vậy, các chuyên gia dự báo, thời gian tới dự kiến giá cà phê sẽ có sự điều chỉnh lại, chững lại chứ không tăng nữa. Giá cà phê nội địa đến lúc sẽ không còn bị cuốn theo diễn biến giá trên các sàn kỳ hạn quốc tế nữa mà theo thị trường hàng hóa thực tế.

Gia An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-ca-phe-hom-nay-11122024-gia-ca-phe-vao-dot-tang-manh-va-dai-nhung-lam-tuong-ve-thi-truong-can-than-trong-khi-giao-dich-296944.html