Gen Z gặp cú lừa khi tìm việc trên Threads

Trong một lần tìm việc trên Threads, nền tảng giống Twitter, Chử Thị Linh (Hà Nội) suýt mắc bẫy lừa đảo tuyển dụng khi bị yêu cầu nạp tiền để 'kích hoạt' tài khoản làm việc.

“Góc tuyển dụng: Mình cần các em content creative (mới ra trường) về viết kịch bản giúp mình, chủ yếu là mảng News, Podcast, Vlog. Quyền lợi là lương và cơ hội gặp KOL, KOC. Leader siêu dễ tính nha”.

Đó là nội dung chiêu mộ nhân sự do Hồng Hà (quận Thanh Xuân, Hà Nội), quản lý đội sáng tạo nội dung của một agency quảng cáo, đăng tải trên mạng xã hội Threads.

Hồng Hà không phải quản lý duy nhất tiến hành tuyển dụng trên nền tảng này. Nhiều chuyên viên HR bắt đầu đăng tải thông báo tìm nhân sự trên Threads thay vì các mạng xã hội Facebook, LinkedIn, hay website tuyển dụng Vietnamworks, TopCV.

Sau khi khảo sát mạng xã hội Threads, Tri thức - ZNews ghi nhận số lượng lớn bài đăng với mục đích chiêu mộ nhân sự. Phần lớn thông báo không đề cập đến phúc lợi như lương, thưởng, ngày nghỉ phép. Để biết thông tin chi tiết, ứng viên cần chủ động liên hệ với chủ tài khoản.

Các thông báo tuyển dụng trên nền tảng này chủ yếu tìm kiếm nhân sự ở các vị trí như cộng tác viên hay thực tập sinh. Đơn vị chiêu mộ thường là agency quy mô nhỏ hoặc start-up.

 Threads trở thành môi trường tìm kiếm việc làm tiềm năng đối với nhiều người trẻ. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Threads trở thành môi trường tìm kiếm việc làm tiềm năng đối với nhiều người trẻ. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Đây cũng là xu hướng chung trên thế giới. Tổ chức cung cấp thông tin về lĩnh vực nhân sự HR Brew đánh giá Threads là mạng xã hội tiềm năng để tìm kiếm công việc và đăng tải thông báo tuyển dụng.

Hiện nay, LinkedIn vẫn là nền tảng việc làm hàng đầu, sở hữu 930 triệu người dùng, cho phép nhà tuyển dụng tiếp cận 52 triệu ứng viên. Tuy nhiên, Threads được nhận định là một ứng dụng có khả năng phát triển.

Những người tìm việc sử dụng mạng xã hội này có thể thu hút sự chú ý của chuyên viên HR, quản lý các bộ phận. Song, quá trình trao đổi giữa 2 bên còn gặp nhiều hạn chế tại đây, theo Bloomberg.

‘Sân chơi mới’ của HR

Nhận được yêu cầu tìm kiếm nhân sự gấp từ lãnh đạo cấp cao, Hồng Hà lập tức truy cập vào ứng dụng Threads thường xuyên sử dụng trong thời gian gần đây, soạn một đoạn thông báo và nhấn nút đăng tải.

Bài viết của cô thu về hơn 10 bình luận xin JD (job description) từ các ứng viên tiềm năng chỉ trong chưa đầy 1 giờ đồng hồ.

Việc sở hữu tài khoản hơn 1.000 người theo dõi giúp cô tăng khả năng thu hút sự chú ý, tiếp cận nhân sự trên nền tảng này tốt hơn Facebook hay LinkedIn. Do đó, quản lý này tận dụng sức ảnh hưởng cá nhân để chiêu mộ ứng viên cho công ty.

Hơn nữa, agency quảng cáo của Hồng Hà đang tìm kiếm các vị trí cộng tác viên và thực tập sinh. Những vị trí này khá phù hợp với nhóm người dùng Threads, phần lớn là người trẻ. Bởi vậy, quản lý cho rằng mạng xã hội này là “biển lớn nhiều cá”.

Tuy nhiên, Hồng Hà cũng gặp một số tình huống trớ trêu sau khi đăng tải thông tin tuyển dụng. Dù không muốn tuyển người quen, Hà không thể ngăn bạn bè, người thân trong danh sách theo dõi nộp hồ sơ. Sau khi từ chối người quen, cô không thu lại nhiều đơn ứng tuyển chất lượng.

“Tuy khả năng tiếp cận lớn, hồ sơ tiềm năng tôi thu về từ Threads chẳng đáng là bao”, Hồng Hà nói.

 Hải Hà tiếp cận số lượng lớn ứng viên, song không thu về hồ sơ chất lượng qua Threads.

Hải Hà tiếp cận số lượng lớn ứng viên, song không thu về hồ sơ chất lượng qua Threads.

Tương tự Hồng Hà, nhân viên HR Tạ Hải Hà (24 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) cũng đánh giá cao khả năng tiếp cận ứng viên của các bài đăng tuyển dụng trên Threads.

Sau 2 ngày, bài viết chiêu mộ nhân viên bán hàng của cô thu hút 26 ứng viên xin thông tin cụ thể và 5 đơn ứng tuyển.

Hiểu rằng Threads không phải mạng xã hội chuyên về việc làm, song Hải Hà không muốn bỏ lỡ nguồn nhân sự trẻ tiềm năng trên nền tảng này. Khi đăng thông báo tại đây, cô cũng phải thể hiện sự sáng tạo, sử dụng ngôn ngữ hài hước, gần gũi để thu hút ứng viên.

Điểm cộng của Threads là thu hẹp khoảng cách giữa HR và ứng viên. Qua bài đăng thân thiện, hài hước, cô dễ dàng tiếp cận ứng viên năng động, sáng tạo.

Tuy nhiên, Hải Hà cũng nhận ra những điểm trừ của nền tảng này. Thông báo chiêu mộ trên Threads chỉ phù hợp với những công việc mang tính chất bán thời gian, thực tập, cộng tác viên, không yêu cầu kinh nghiệm, khó tiếp cận những vị trí cao hơn.

Do đó, nhân viên HR này vẫn sử dụng thêm các nền tảng khác như LinkedIn hay Facebook để tìm kiếm ứng viên cấp cao. Ngoài ra, Hà cũng đánh giá tỷ lệ chuyển đổi của mạng xã hội này chưa tốt do nhiều ứng viên trẻ chưa hiểu đầy đủ về công việc, chỉ bình luận hỏi han, không có nhu cầu ứng tuyển nghiêm túc.

“Khó kỳ vọng Threads là nền tảng tuyển dụng chuyên nghiệp. Đây vốn dĩ là mạng xã hội dùng để giải trí”, Hải Hà nhận định.

Ứng viên thử sức với nền tảng mới

Chử Thị Linh (21 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) không chủ động tìm kiếm công việc trên Threads, song may mắn nhận job từ nền tảng này.

Cô từng đăng tải bài viết chia sẻ về những “kiếp nạn” gặp phải trong hành trình tìm kiếm công việc freelance trên trang cá nhân. Bài đăng của Linh nhanh chóng thu hút sự chú ý của một nhà tuyển dụng.

Sau đó, cô được liên hệ phỏng vấn cho vị trí sáng tạo nội dung của một trang blog có hơn 100.000 lượt theo dõi. Cuộc trao đổi công việc diễn ra suôn sẻ, giúp cô thành công nhận dự án freelance đầu tiên trong năm mới.

“Tôi và nhà tuyển dụng đều là Gen Z nên dễ dàng trao đổi thông tin, có nhiều điểm chung. Họ cũng sẵn sàng trả gấp đôi báo giá mà tôi đưa ra”, Linh nói.

 Chử Thị Linh từng bị lừa khi nhận việc thông qua mạng xã hội Threads.

Chử Thị Linh từng bị lừa khi nhận việc thông qua mạng xã hội Threads.

Mặc dù đánh giá cao Threads, Linh cũng từng nhận “cú lừa” trên mạng xã hội này.

Một nhà tuyển dụng liên hệ với Linh qua Threads, yêu cầu cô thực hiện phỏng vấn online trên Telegram. Họ lấy các thông tin cá nhân như số điện thoại, email, số tài khoản ngân hàng của cô và nhiều ứng viên khác.

Khi đối tượng này đòi hỏi ứng viên nạp tiền để kích hoạt tài khoản làm việc, freelancer 21 tuổi mới “té ngửa”, nhận ra bị lừa.

“Kẻ lừa đảo này có thể bán thông tin cá nhân của tôi cho các bên cần dữ liệu. Tôi may mắn chưa chịu thiệt hại gì khác, song cần nâng cao cảnh giác để tránh mắc bẫy”, Chử Thị Linh chia sẻ với Tri thức - ZNews.

Nghỉ việc tại một start-up công nghệ do lương thấp, không có thưởng Tết, Trang Anh (22 tuổi, quận 4, TP.HCM) rơi vào tình trạng thất nghiệp trong hơn một tháng nay. Dù tích cực tìm kiếm công việc mới, nộp đơn ứng tuyển vào nhiều doanh nghiệp, song cô chưa nhận được lời mời làm việc nào.

Nhận thấy một số người bạn nhận job thành công trên Threads, Trang Anh cũng muốn thử vận may. Cô nhấn nút theo dõi nhiều chuyên viên HR, quản lý trong lĩnh vực công nghệ, chờ thông báo chiêu mộ nhân sự ở nền tảng này.

Cứ mỗi 10 phút, cô lại làm mới newsfeed một lần, nhưng vẫn không thấy thông tin đáng chú ý. Các vị trí được tuyển dụng thông qua nền tảng này không phù hợp với chuyên môn, chưa đáp ứng đủ mong muốn của Trang Anh.

“Tôi thắc mắc tại sao bạn bè tìm kiếm công việc trên mạng xã hội này dễ dàng như vậy. May mắn vẫn chưa mỉm cười với tôi”, Trang Anh thở dài.

Sau một thời gian sử dụng Threads, Trang Anh rút ra kết luận rằng các thông báo tìm nhân sự trên nền tảng này chủ yếu hướng đến các vị trí freelancer, cộng tác viên hoặc thực tập sinh mà một số người bạn của cô tìm kiếm.

Những ứng viên muốn có công việc full-time, ký hợp đồng lao động chính thức như cô khó nhận cơ hội tốt tại đây.

Linh Vũ - Như Phương

Đồ họa: Washington Post

Nguồn Znews: https://znews.vn/gap-cu-lua-khi-tim-viec-tren-threads-post1462773.html