Gánh hệ lụy từ Covid-19, Cục vận tải London đứng trước nguy cơ phá sản
Cục vận tải London (Transport for London - TfL) có thể tuyên bố phá sản trong vài ngày tới nếu Chính phủ không thể hỗ trợ tài chính.
Thông tin trên do báo The Guardian đăng tải ngày 20/2, theo giờ địa phương, dẫn lời người phát ngôn Cục vận tải London.
TfL đã lỗ nặng trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19 do lượng khách sụt giảm đột ngột.
Chính phủ Anh đã hỗ trợ Cục vận tải London với một loạt thỏa thuận vốn ngắn hạn nhưng thỏa thuận mới nhất đã hết từ ngày 18/2.
Ngày 19/2, TfL và chính phủ đã tổ chức đối thoại để gia hạn, với sự tham gia của Thị trưởng London Sadiq Khan nhưng không đạt được thỏa thuận, theo The Guardian.
Người phát ngôn Thị trưởng cho biết: “Điều quan trọng là chính quyền thành phố muốn Chính phủ cung cấp cho TfL một thỏa thuận hỗ trợ ngân sách dài hạn để công ty có thể duy trì dịch vụ giao thông quan trọng ở thủ đô”.
“Khoảng 43.000 việc làm ở ngoại ô London đang phụ thuộc vào những khoản đầu tư cho TfL. Nếu Chính phủ từ chối hỗ trợ ngân sách, có thể ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng của TfL trên toàn nước Anh, tác động đến việc làm, tăng trưởng, làm chậm quá trình hồi phục kinh tế tại London và trên toàn quốc”, người phát ngôn cho biết.
Nếu Chính phủ Anh không phát tín hiệu rõ ràng ủng hộ chính phủ trong vài ngày tới, TfL sẽ không thể hoàn thành trách nhiệm pháp lý để khẳng định việc có thể cân bằng ngân sách hay không.
Một trong những lựa chọn của các lãnh đạo TfL sẽ là cân nhắc công bố báo cáo theo điều 114 thuộc Luật Tài chính Chính quyền địa phương 1988, trong đó tuyên bố TfL phá sản.
Tuy nhiên chính phủ Anh cho biết, việc điều tiết chi phí trên toàn hệ thống TfL để ổn định tài chính là công việc của thị trưởng.
Người phát ngôn Bộ Giao thông Anh cho hay: “Chúng tôi đã nhiều lần thể hiện cam kết ủng hộ hệ thống giao thông London trong suốt thời gian đại dịch hoành hành, cung cấp hơn 4,5 tỉ bảng Anh hỗ trợ khẩn cấp cho cơ quan này và cam kết rót thêm hàng tỉ bảng Anh mỗi năm cho đến ít nhất giai đoạn 2024-2025 dù tất cả đều tạo nên áp lực khá lớn với tài chính quốc gia”.
“Chúng tôi biết TfL vẫn phải gánh chịu hệ lụy từ đại dịch nhưng trách nhiệm cải cách, đảm bảo TfL bền vững về mặt tài chính sao cho công bằng với người đóng thuế, là thuộc về thị trưởng”, cũng theo người phát ngôn Bộ Giao thông Anh.
Hiện tại, số lượng khách sử dụng dịch vụ TfL vẫn ở mức rất thấp so với thời kỳ trước dịch. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy hành khách trên tàu điện ngầm (Tube) ở Anh ở mức 59% còn tỉ lệ sử dụng xe bus là khoảng 75%.
Cục vận tải London (Transport for London - TfL) là cơ quan thuộc chính quyền địa phương, chịu trách nhiệm quản lý hầu hết hệ thống giao thông tại thủ đô London, Anh.
TfL quản lý mạng lưới các tuyến đường chính của London; các mạng lưới đường sắt khác nhau bao gồm Tàu điện ngầm London, Sân bay London, Đường sắt nhẹ Docklands và Đường sắt TfL; quản lý xe điện, xe buýt và taxi của London, cung cấp xe đạp và các dịch vụ đường sông.
Tuy nhiên, cơ quan này không kiểm soát các dịch vụ Đường sắt Quốc gia ở London.