Gần xong, vì sao dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM bị dừng?
Sau 4 năm thi công và gần 2 năm tạm dừng, tiến độ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM đã đạt hơn 90%. Vì nhiều nguyên nhân, đến nay dự án này vẫn chưa hoàn thành.
Tiến độ thi công hơn 90%
Liên quan đến dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - Giai đoạn 1 (dự án Chống ngập TP.HCM), Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa báo cáo UBND TP.HCM những vướng mắc của dự án.
Dự án Chống ngập khu vực TP.HCM do CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Công ty Trung Nam) làm chủ đầu tư theo Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (Hợp đồng BT). Dự án có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, khởi công từ giữa năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.
Quy mô dự án gồm 6 cống kiểm soát triều lớn, xây dựng đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh, nhà quản lý và hệ thống điều khiển SCADA. Các hạng mục này sẽ được xây dựng tại Q.1, Q.4, Q.7, Q.8, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè.
Về tiến độ thi công, tính đến cuối tháng 4/2023, Công ty Trung Nam đã thi công đạt hơn 90% khối lượng.
Cụ thể, cống Bến Nghé đạt 97%, cống Tân Thuận đạt 93%, cống Phú Xuân đạt 90%, cống Mương Chuối đạt 93%, cống Cây Khô đạt 86%, cống Phú Định đạt 88%, tuyến đê bao đạt 85%.
Những hạng mục đến giai đoạn hoàn thiện gồm nhà điều hành tại các cống, nhà quản lý điều khiển trung tâm, đường vận hành sau kè, nạo vét thảm đá gia cố lòng sông, cảnh quan cây xanh, lắp hệ thống bơm, điện nước, phòng cháy chữa cháy và hệ thống điều khiển SCADA.
Với khối lượng công việc còn lại như trên, theo Sở KH&ĐT TP.HCM, sau khi được giải ngân và thi công trở lại, dự án cần khoảng 9 – 12 tháng để hoàn thành.
Thanh toán bằng quỹ đất không xong, trả tiền cũng không được
Theo Sở KH&ĐT TP.HCM, những vướng mắc của dự án Chống ngập khu vực TP.HCM liên quan đến phương thức thanh toán, huy động nguồn vốn khác để thi công hoàn thành công trình.
Về thanh toán bằng quỹ đất, TP.HCM đã chuẩn bị sẵn 3 khu đất đã giải phóng mặt bằng để thanh toán cho Công ty Trung Nam.
Đến nay, việc thanh toán vẫn chưa thực hiện được do TP.HCM phải phối hợp với các bộ ngành rà soát pháp lý, điều chỉnh Hợp đồng BT trước khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, việc thanh toán bằng tiền cho chủ đầu tư cũng không thực hiện được do chưa có quy định thanh toán hợp đồng BT bằng hình thức tiền theo tiến độ thi công mà chỉ cho phép thanh toán tiền tại thời điểm quyết toán công trình.
Về việc huy động nguồn vốn khác để thi công hoàn thành công trình, để có nguồn vốn triển khai dự án, Công ty Trung Nam đã vay 5.438,5 tỷ đồng từ Ngân hàng BIDV. Đến nay, tổng nợ gốc và lãi đã lên đến 5.996,5 tỷ đồng.
Để có thể tái cấp vốn cho dự án, BIDV đề nghị UBND TP.HCM thanh toán để chủ đầu tư trả toàn bộ nợ gốc và lãi quá hạn trước khi ngân hàng giải ngân tiếp.
Trường hợp chỉ thanh toán 3.043 tỷ đồng theo giá trị kiểm toán, BIDV cần được Ngân hàng Nhà nước cho cơ chế đặc thù cơ cấu nợ quá hạn, giữ nhóm nợ và tiếp tục giải ngân cho chủ đầu tư.
Ngoài ra, BIDV cho biết chỉ giải ngân vốn vay trong hạn mức còn lại là 1.759 tỷ đồng. Nếu nhu cầu vốn lớn hơn mức này, Công ty Trung Nam phải chứng minh khả năng tham gia bổ sung nguồn vốn để hoàn thành dự án.
Bên cạnh nguồn vốn, khó khăn của dự án còn từ cơ sở pháp lý.
Cụ thể, tháng 7/2015, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho TP.HCM chỉ định nhà đầu tư để ký hợp đồng BT thực hiện dự án Chống ngập khu vực TP.HCM.
Nhà đầu tư được thanh toán bằng quỹ đất. Trường hợp giá trị quỹ đất nhỏ hơn giá trị dự án thì TP.HCM được thanh toán phần chênh lệch bằng ngân sách.
Cuối năm 2020, sau 4 năm thi công, dự án Chống ngập khu vực TP.HCM bị tạm dừng để rà soát, xử lý các thiếu sót. Từ đề xuất của UBND TP.HCM, Thường trực Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 40/NĐ-CP ngày 1/4/2021, đồng ý cho tiếp tục triển khai dự án theo cơ chế đặc thù.
Tuy nhiên, theo Sở KH&ĐT TP.HCM, hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau khi thực hiện các bước tiếp theo của dự án.
Đơn cử như tại công văn ngày 8/9/2022 của Văn phòng Chính phủ có nêu: Bộ Tài chính đề nghị rà soát lại việc tuân thủ pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng BT; hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị rà soát lại quá trình thực hiện dự án…
“Với cách hiểu vẫn còn có sự khác biệt sau thời điểm Nghị quyết 40/NQ-CP đã được ban hành, đã dẫn tới không đảm bảo tính xuyên suốt, nhất quán trong quá trình thực hiện các bước tiếp theo của dự án, và làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành dự án”, Sở KH&ĐT TP.HCM báo cáo.