Gắn công tác bảo tồn với phát triển du lịch

Tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) trên địa bàn TX Sông Cầu” mới đây, các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm góp phần bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị DSVH gắn với phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TX Sông Cầu trong tương lai. Phóng viên Báo Phú Yên ghi nhận một số ý kiến tại hội thảo.

PGS-TS NGUYỄN VĂN THƯỞNG, TRƯỞNG KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN, TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN: Xác định nguồn lực để bảo tồn DSVH, phát triển du lịch bền vững

Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát để phục vụ ngành Du lịch, TX Sông Cầu đã xây dựng quy hoạch tổng thể theo đặc điểm tài nguyên của địa phương mình. Cụ thể xác định, quy hoạch nguồn lực tài nguyên ở vùng biển, ven biển, đảo và vùng núi, trung du của địa phương có DSVH tồn tại. Xác định rõ nguồn lực này trong quy hoạch tổng thể sẽ bảo tồn các DSVH lâu dài, không bị xâm hại mà còn phát huy thế mạnh cho ngành Du lịch địa phương bền vững.

Song để có sự phát triển bền vững, quá trình khai thác tài nguyên phải đúng mức, nếu không phù hợp với điều kiện thực tế, không bảo vệ môi trường thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo tồn, duy trì di sản và phát triển tài nguyên một cách bền vững.

Thời gian qua, việc bảo tồn DSVH của nhiều địa phương, trong đó có Sông Cầu chưa phát huy mạnh mẽ do thiếu nguồn vốn. Sự cần thiết khai thác nguồn lực thông qua các phương thức cụ thể: tăng cường đầu tư theo các chương trình hành động quốc gia, các năm du lịch, tập trung đầu tư từ việc quy hoạch phát triển di tích, danh thắng, làng nghề... để phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có du lịch trên cơ sở tôn tạo di tích, bảo vệ di sản, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn lực công nghệ thông tin thông qua các trang mạng thông tin điện tử, công nghệ cao trong việc xuất bản và sản xuất các ấn phẩm thông tin DSVH... sẽ mang lại hiệu quả cao và thiết thực trong bảo tồn và phát huy DSVH.

Bảo tồn DSVH thông qua nguồn nhân lực cũng rất quan trọng, từ những nhà nghiên cứu, cán bộ ngành Văn hóa, chuyên gia bảo tồn, bảo tàng… để có định hướng phát triển, phát huy DSVH. Tuy nhiên trong những năm qua, số lượng nguồn nhân lực tham gia bảo tồn không nhiều, hạn chế chuyên môn lẫn cơ cấu nguồn nhân lực.

ÔNG NGUYỄN DANH HẠNH, PHÓ TRƯỞNG BAN QUẢN LÝ DI TÍCH TỈNH: Hình thành 2 tuyến du lịch tham quan Sông Cầu

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn TX Sông Cầu vẫn còn một số hạn chế. Vì vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TX Sông Cầu cần khảo sát đánh giá một cách toàn diện hệ thống các di tích, thắng cảnh trên địa bàn thị xã; khảo tả hiện trạng di tích, thống kê phân loại một cách khoa học, trên cơ sở đó xây dựng báo cáo bằng văn bản và hình ảnh để phục vụ cho công tác lập kế hoạch bảo tồn di tích nói riêng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung của thị xã.

Tiến hành lập hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng đối với những di tích, thắng cảnh hội đủ các yếu tố theo quy định của Luật DSVH; tăng cường tuyên truyền về việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH, hướng dẫn nhân dân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị DSVH theo Luật DSVH và các văn bản pháp luật liên quan. Dành nguồn kinh phí thích hợp để tu bổ tôn tạo các di tích đã được xếp hạng; hình thành các điểm, tuyến tham quan để phục vụ du lịch.

Căn cứ vào hiện trạng các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Sông Cầu, trước mắt có thể hình thành được 2 tuyến tham quan sau: tuyến phía bắc thị xã lấy đầm Cù Mông làm trung tâm với các điểm tham quan: đồng muối Tuyết Diêm - di tích Gò Ốc - khu mộ cổ Diêm Trường - lăng Hòa Lợi - di tích Hòn Nần. Tuyến phía nam gồm các điểm: Nhất Tự Sơn - di tích chùa Triều Tôn - di tích Mộ Cá Ông, Vũng Lắm - di tích Mộ Đào Trí - làng nghề nước mắm Gành Đỏ.

TH.S, KTS NGUYỄN THỊ KHÁNH TRANG, PHÓ TRƯỞNG KHOA KIẾN TRÚC, TRƯỜNG ĐẠI HỌC XÂY DỰNG MIỀN TRUNG: Có giải pháp bảo tồn, tôn tạo di sản kiến trúc

Giá trị của di sản kiến trúc không chỉ là một công trình mà nó còn bao hàm cả một cộng đồng dân cư sống nhờ vào biển. Vì vậy, quá trình bảo tồn phải được tiến hành một cách cẩn trọng. Các lý luận và những bài học thực tiễn đều chỉ rõ sự mâu thuẫn giữa bảo tồn và đô thị hóa. Để giải quyết được mâu thuẫn cần sự đóng góp từ những chính sách đúng đắn của chính quyền, ý thức của cộng đồng và đặc biệt là tâm huyết, năng lực của những chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn.

Để phát huy giá trị văn hóa kiến trúc cần có các giải pháp bảo tồn, tôn tạo như: dỡ bỏ các công trình vi phạm khu vực bảo vệ, tiến hành khảo cổ, thu thập tư liệu, khảo sát, đo vẽ hiện trạng; tu bổ di tích kiến trúc; phục dựng hoàn toàn di tích; thay thế cấu kiện gỗ đã bị mục, hỏng; trát lại các lớp vữa tường bị bong tróc rêu mốc; đắp lại những chỗ bị vỡ của các mảng trang trí, hình tượng rồng trên cột, đầu đao, bờ chảy và bờ nóc...; phục hồi cảnh quan kiến trúc; tôn tạo không gian kiến trúc cảnh quan; cải tạo hệ thống cổng, tường rào, sân, đường dạo, vườn, cây xanh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phụ trợ có hình thức kiến trúc phù hợp...

Ngoài việc xây dựng các công trình mang tính hỗ trợ cần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch, các loại hình du lịch của địa phương; đồng thời có sự liên kết để tạo thành các tuyến du lịch, tăng cường quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người biết thêm về các công trình kiến trúc có giá trị tại TX Sông Cầu.

TH.S NGÔ MINH SANG, TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT (BÌNH DƯƠNG): Xây dựng Sông Cầu trở thành khu du lịch biển, đảo quốc gia

Từ những di sản khai thác thuộc địa của chính quyền thực dân Pháp ở Sông Cầu từ năm 1888-1921 đã gợi mở về hướng khai thác và phát triển du lịch ở vùng này trong bối cảnh cạnh tranh với tiềm năng và sản phẩm du lịch ở các tỉnh miền Trung.

Trong xu thế trên, chúng tôi đề xuất tận dụng nguồn lợi về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội ở Sông Cầu, quy hoạch và xây dựng Sông Cầu trở thành khu du lịch biển đảo quốc gia, trở thành địa phương dẫn dắt và định hướng du lịch ở Phú Yên; phát triển quy mô các rừng dừa lớn kết hợp với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng tạo nên khu du lịch có khí hậu mát mẻ, kèm theo những sản phẩm từ dừa, đặc biệt là nước dừa tốt cho sức khỏe (các nghiên cứu trong lĩnh vực y học đã đánh giá nước dừa bảo vệ và ngăn ngừa ung thư, lọc máu...); phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Sông Cầu từ các làng nghề khai thác dừa, làm muối, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản; xây dựng và phát triển cảng biển ở Sông Cầu theo nhiều hướng, chủ đạo phải mở được các tuyến đường thủy và phát triển hệ thống giao thông đường thủy để phục vụ cho các sản phẩm du lịch từ vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông.

Từ những lợi thế này, Sông Cầu sẽ trở thành điểm đến cho các sản phẩm du lịch hội nghị, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch khám phá cộng đồng.

THIÊN LÝ (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/228364/gan-cong-tac-bao-ton-voi-phat-trien-du-lich.html