G20 thông qua thỏa thuận đánh thuế tối thiểu toàn cầu với các tập đoàn đa quốc gia
Các Bộ trưởng Tài chính G20 kết thúc hai ngày họp tại Venise, Italy chiều 10/7 với việc nhất trí thông qua thỏa thuận về đánh thuế tối thiểu toàn cầu với các tập đoàn đa quốc gia, nhưng vẫn chưa hoàn tất được các điều khoản chi tiết.
Thỏa thuận về đánh thuế tối thiểu với các tập đoàn đa quốc gia, vốn được 130 nước đạt được đầu tháng 7/2021 thông qua đàm phán trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), đã chính thức được các nước G20 thông qua sau hai ngày họp của các Bộ trưởng Tài chính G20 tại Venise, Italy.
Thỏa thuận này quy định các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hàng năm trên 750 triệu euro sẽ phải chịu mức thuế toàn cầu tối thiểu là 15%. Trong hai ngày họp tại Venise, các Bộ trưởng Tài chính G20 đã thảo luận nhiều về việc tăng mức thuế tối thiểu này lên cao hơn nhưng chưa đạt được đồng thuận. Một số nước như Mỹ muốn mức thuế tối thiểu là 21%, hay Pháp muốn ở mức 25%. Các đàm phán sẽ được tiếp tục thực hiện nhằm hoàn tất thỏa thuận cuối cùng vào tháng 10/2021 nhân Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Italy và dự kiến thỏa thuận sẽ chính thức được áp dụng từ năm 2023.
Ngoài ra, các Bộ trưởng Tài chính G20 cũng nhất trí thông qua đề xuất đánh thuế vào doanh thu vượt trội của các tập đoàn đa quốc gia, theo đó các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu vượt trội vượt quá 10% sẽ phải chịu mức thuế 20 - 30% vào khoản doanh thu vượt trội này. Dự tính, hơn 100 tập đoàn đa quốc gia sẽ phải chịu các khoản thuế này và mỗi năm, các nước sẽ thu về ít nhất 150 tỷ USD.
Bên cạnh việc thảo luận về thuế tối thiểu toàn cầu, các Bộ trưởng Tài chính G20 cũng đưa ra cảnh báo về việc các biến thể virus mới có thể sẽ đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Ngân khố Mỹ, bà Janet Yellen thúc giục các nước G20 cần đẩy nhanh tốc độ chia sẻ và phân phối vaccine trên toàn cầu.
“Chúng tôi lo rằng biến thể Delta và các biến thể khác sẽ xuất hiện và đe dọa sự phục hồi kinh tế. Kinh tế toàn cầu liên kết với nhau, việc xảy ra ở bất kỳ một khu vực nào trên thế giới cũng sẽ tác động đến toàn bộ các quốc gia. Do đó, chúng tôi ghi nhận tầm quan trọng của việc cùng hành động để đẩy nhanh quá trình tiêm chủng và đạt mục tiêu mong muốn là 70% dân số toàn cầu sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong năm sau”, bà Yellen nói./.