EU 'chia tay' hoàn toàn khí đốt của Nga nhờ 'những người bạn tốt', dầu Mỹ 'ào ạt' đến châu Âu

Ngày 5/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định, Liên minh châu Âu (EU) không còn phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt từ Nga,

EU không còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga. (Nguồn: Tehran Times)

EU không còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga. (Nguồn: Tehran Times)

Phát biểu trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, bà von der Leyen tuyên bố: "Sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn dầu mỏ và khí đốt của Nga đã là quá khứ. Nga cắt lượng xuất khẩu sang châu Âu tới mức 80% trong 8 tháng qua.

Nhờ những nỗ lực, chúng tôi đã xoay sở để bù đắp. Những người bạn tốt của chúng tôi, như Mỹ hay Na Uy, đã giúp đỡ và ủng hộ".

Theo Chủ tịch EC, Nga tìm cách phá vỡ sự đoàn kết của EU bằng việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt. Tuy nhiên, "điều ngược lại đã xảy ra".

* Khi phương Tây xa lánh hầu hết các mặt hàng năng lượng của Nga và gây sức ép lên doanh thu từ dầu mỏ của Điện Kremlin, xuất khẩu dầu thô kỷ lục của Mỹ đã lấp đầy khoảng trống ở châu Âu, giúp khu vực này có lượng dầu cần thiết để sản xuất xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay.

Theo công ty theo dõi tàu Kpler, kể từ tháng 2/2022, lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển trung bình hàng tháng từ Mỹ đến lục địa già tăng 38% so với 12 tháng trước đó.

Một đội siêu tàu chở dầu có kích thước khổng lồ với chiều cao như tòa nhà chọc trời đã vận chuyển nhiều dầu thô của Mỹ hơn đến Đức, Pháp và Italy, các nền kinh tế lớn nhất của EU, cũng như Tây Ban Nha.

Chỉ riêng các quốc gia vừa nêu đã tăng lượng mua dầu thô của Mỹ khoảng 88% trong giai đoạn này.

Các chuyến hàng dầu thô từ bờ biển vùng Vịnh Mexico đến châu Âu tăng mạnh những tháng gần đây, lên đến 1,53 triệu thùng/ngày trong tháng 1, đưa lục địa này vượt châu Á để trở thành điểm đến lớn nhất của dầu thô Mỹ.

Các nhà phân tích cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng cao đã giúp xoa dịu thị trường khi phương Tây hạn chế hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Nga bằng các lệnh cấm vận và cơ chế giá trần trong những tháng gần đây.

Ông Daniel Yergin, nhà sử học năng lượng và là Phó chủ tịch của S&P Global nhận định: “Mỹ đã trở lại vị trí thống trị lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng thế giới kể từ thập niên 1950. Năng lượng của Mỹ hiện trở thành một trong những nền tảng của an ninh năng lượng châu Âu”.

(theo TASS, WSJ)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-chia-tay-hoan-toan-khi-dot-cua-nga-nho-nhung-nguoi-ban-tot-dau-my-ao-at-den-chau-au-218881.html