ESG- cuộc chơi mới của doanh nghiệp Việt

Ngoài câu chuyện lợi nhuận, doanh nghiệp buộc phải quan tâm đến vấn đề môi trường và trách nhiệm xã hội (ESG). ESG trở thành một cuộc chơi mới và cuộc chơi bắt buộc các doanh nghiệp muốn đi đường dài và vươn tầm ra các thị trường tiềm năng quốc tế.

Ngày 23/5/2024, Báo Đầu tư phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS tổ chức Hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” với sự tham dự của các doanh nghiệp tiên phong như Xanh SM, BCG Energy, Yuanta Việt Nam, TÜV Rheinland Vietnam, Công ty CP Đầu tư Công nghiệp XNK Đông Dương (DDG), Công ty CP tái chế nhựa Lam Trân... Tại đây, đại diện các doanh nghiệp sẽ chia sẻ câu chuyện thành công và bài học kinh nghiệm xung quanh việc thực hành ESG.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Thực hành ESG không chỉ là xu thế mà còn là điều kiện bắt buộc

ESG là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp gồm môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Yếu tố ESG đang được xem là động lực tăng trưởng bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp Việt trong bối cảnh đây được xem là điều kiện bắt buộc trong hợp tác quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, thúc đẩy tăng trưởng xanh là một xu thế cấp thiết, là động lực để tăng trưởng kinh tế, là then chốt nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trong hành trình tăng trưởng xanh, ESG là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp. Sau đại dịch Covid-19 nhóm cổ phiếu ESG liên tục tăng trường tốt, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ESG là cuộc chơi mới về trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.

Tổng Giám đốc GSM Nguyễn Văn Thanh cho biết, doanh nghiệp đã định vị thương hiệu của mình là "Xanh" như một bước đi tiên phong trong lĩnh vực giao thông xanh.

Tổng Giám đốc GSM Nguyễn Văn Thanh cho biết, doanh nghiệp đã định vị thương hiệu của mình là "Xanh" như một bước đi tiên phong trong lĩnh vực giao thông xanh.

Ngoài lợi nhuận, doanh nghiệp còn phải quan tâm đến môi trường xã hội, các doanh nghiệp lớn hiện nhận ra rằng thúc đẩy và tăng trưởng ESG là để phát triển bền vững, có lợi ích lâu dài cho cổ đông, cộng đồng vì vậy họ luôn coi trong ESG khi có một quyết định đầu tư. “Các doanh nghiệp lớn đều tích hợp tiêu chí ESG trong quá trình phát triển và đây là cuộc chơi bắt buộc với các doanh nghiệp nếu muốn đi dài hơi”- bà Ngọc nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, thực hành ESG, cũng như triển khai các mô hình kinh doanh bền vững và tăng trưởng xanh nói chung, không chỉ là xu thế, mà còn là điều kiện bắt buộc. Nhiều đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam hiện nay đều đã có những yêu cầu nghiêm ngặt về vấn đề này.

Cụ thể, Liên minh châu Âu (EU) đã buộc các nhà xuất khẩu vào thị trường này phải trả một khoản thuế tương ứng với mức giá cho phép phát thải. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á như Singapore, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc) và Philippines đã yêu cầu các công ty đại chúng công bố hiệu quả hoạt động ESG hoặc bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo bền vững.

Trung Quốc cũng dự kiến đưa ra chính sách tương tự đối với các công ty đại chúng trong thời gian tới. Không chỉ là quy định của các quốc gia, nhiều đối tác nước ngoài cũng xem ESG như một trong những yếu tố quan trọng để cân nhắc ký kết hợp tác.

Theo Giám đốc nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Matthew Smith, thực hành ESG là cuộc chơi tất yếu nếu doanh nghiệp muốn đi đường dài.

Theo Giám đốc nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Matthew Smith, thực hành ESG là cuộc chơi tất yếu nếu doanh nghiệp muốn đi đường dài.

Giám đốc nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Matthew Smith cho biết, các yếu tố thúc đẩy thực hành ESG trên toàn cầu đầu tiên xuất phát từ các chính sách đòi hỏi mọi thành viên thị trường phải phân bổ vốn vào ESG. Các định chế tài chính, nhà đầu tư tổ chức cần dành nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực ESG, doanh nghiệp cũng phải đầu tư vào ESG để tuân thủ các quy định…

Theo số liệu của Bloomberg, tính tới năm 2022, các tài sản ESG trên toàn cầu vào khoảng 30 nghìn tỷ USD và con số này sẽ tăng lên gấp đôi cho tới năm 2030. Tất cả các nhà đầu tư định chế đều có chiến lược phân bổ vốn đầu tư cho ESG.

Doanh nghiệp Việt vào cuộc

Cũng theo lãnh đạo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, một điểm nhấn đáng chú ý là việc đầu tư ESG không chỉ được thúc đẩy bởi nhà đầu tư định chế trước quy định của chính phủ, mà còn có động lực lớn tới từ nhóm nhà đầu tư cá nhân - đối tượng không chịu quy chế bắt buộc nào. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư ESG đã tăng từ 20% năm 2016 lên 25% năm 2018. Theo quan sát của chúng tôi, đây là nhóm nhà đầu tư trẻ, những người sinh sau năm 1990. Người trẻ ngày càng quan tâm và có thái độ nghiêm túc với tương lai. Các chủ doanh nghiệp đang tìm kiếm nguồn vốn nước ngoài chắc chắn đã được nghe nhiều về vấn đề này và thực tế họ cũng không có sự lựa chọn khác, bởi đây đã trở thành yêu cầu bắt buộc.

Tổng Giám đốc Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh toàn cầu (GSM) Nguyễn Văn Thanh cho biết, ngay từ đầu, GSM đã định vị thương hiệu của mình là "Xanh" như một bước đi tiên phong trong lĩnh vực giao thông xanh. Điều này phù hợp với xu thế chung của thế giới cũng như định hướng của chính phủ Việt Nam khi cam kết Net Zero đến năm 2050 tại COP26. “Mong muốn của Xanh SM là tạo ra thật nhiều giá trị cho khách hàng và đối tác. Do đó, sau 1 năm hoạt động, chúng tôi đã có hơn 33 đối tác, 50.000 phương tiện điện hiện diện trên 40 tỉnh thành, giảm hơn 52.000 tấn CO2”- lãnh đạo GSM nhấn mạnh.

Xanh SM là nền tảng cung cấp phức hợp 100% thuần điện đầu tiên tại Việt Nam. Chúng tôi phấn đấu phủ xanh Việt Nam cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Xanh SM nỗ lực có mặt tại 60-64 tỉnh thành trong năm 2024, góp phần giảm hơn 52.000 tấn C02, tương đương 860 ha rừng trồng 2,6 triệu cây xanh quang hợp hấp thụ trong vòng 1 năm (đây là tính toán dựa trên tổng số km Xanh SM đi và quy đổi sang số cây xanh do một bên độc lập tiến hành).

Theo Giám đốc nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Matthew Smith, dựa trên các tính toán trong thời gian qua, trong bối cảnh các yếu tố khác của doanh nghiệp không đổi, nếu công ty có chuẩn mực ESG tốt hơn thì sẽ có rủi ro ít hơn. Đây là lý do giá trị của doanh nghiệp thực hành ESG trong mắt nhà đầu tư cao hơn.

Ban đầu, việc đầu tư ESG có thể gây tranh cãi, bởi việc thực hành ESG đòi hỏi phải bỏ ra nhiều chi phí, ăn vào dòng tiền. Tuy nhiên trong dài hạn, yếu tố ESG sẽ có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, khi có thể làm hài lòng nhà quản lý, đối tác, người mua hàng, từ đó nhận về “phần thưởng”.

Nha Trang

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/esg-cuoc-choi-moi-cua-doanh-nghiep-viet.html