Ðền thờ Cao Lỗ trên đất làng Hợp Ðồng
Nằm bên bờ sông Mã, làng Hợp Đồng, xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) đất đai trù phú, phong cảnh tốt tươi có con người đến cư ngụ từ rất sớm. Nơi đây, còn có đền thờ Cao Lỗ - vị tướng dưới trướng của An Dương Vương đã có công chế tạo nỏ thần được nhắc nhớ trong truyền thuyết.
Làng Hợp Đồng còn được biết đến với tên gọi cổ xưa là làng Đầu. Nhờ quá trình bồi đắp của phù sa sông Mã đã mang đến cho vùng đất này sự màu mỡ. Theo lời kể của các bậc cao niên, khi xưa nhờ lợi thế thổ nhưỡng, nơi đây nghề trồng dâu nuôi tằm khá phát triển. Ở Hợp Đồng còn có một xóm nhỏ chuyên ươm tơ, kéo sợi, dệt lụa, người làng vẫn thường gọi là xóm Hàng Lụa. Và hiện nay, Hợp Đồng nói riêng, xã Hoằng Giang nói chung cũng là một trong những địa phương có diện tích rau màu lớn trong cả tỉnh.
Bên cạnh truyền thống lao động, sản xuất, Hợp Đồng được biết đến là một trong những làng quê Việt có nhiều nét đẹp văn hóa được trao truyền, lưu giữ. Trong đó, đền thờ Cao Lỗ ở làng Hợp Đồng là một trong những điểm nhấn đậm giá trị trong “bức tranh” văn hóa của làng quê bên bờ sông Mã.
Theo truyền thuyết, Cao Lỗ là một trong những tướng dưới trướng của An Dương Vương. Tương truyền, sau khi giúp An Dương Vương xây đắp xong Loa thành, thần Kim Quy đã rút một chiếc móng trao cho nhà vua và dặn dùng móng này làm lẫy nỏ thần, nếu có giặc đến thì bắn, không phải lo gì. Cũng chính Cao Lỗ là người đã có công giúp An Dương Vương chế tạo nỏ thần.
Cao Lỗ vốn thông minh, sức vóc hơn người, giỏi võ nghệ. Khi An Dương Vương lên ngôi, Cao Lỗ đã đến yết kiến và xin làm tướng dưới trướng. Mến mộ tài tăng của Cao Lỗ, An Dương Vương đã phong cho ông làm tướng, trấn giữ Bắc đạo (xứ Kinh Bắc). Không chỉ có công chế tạo nỏ thần, Cao Lỗ còn là viên tướng luôn sát cánh cùng An Dương Vương vào sinh ra tử. Vì thế, sau khi mất ông đã được phong thần, người dân lập dựng đền thờ.
Lưu truyền dân gian ở làng Hợp Đồng kể rằng, do ỷ vào sức mạnh của nỏ thần khiến An Dương Vương chủ quan, lơ là việc phòng bị. Vì thế, sau khi nỏ thần bị đánh tráo, lại thiếu phòng bị nên An Dương Vương thua to, phải bỏ chạy, Cao Lỗ cũng đi theo. Trên đường chạy về phương Nam, An Dương Vương và thuộc tướng đã đi qua vùng đất làng Hợp Đồng.
“Lý giải” về con đường rút chạy qua đất Hoằng Giang, theo sách Di tích và danh thắng Thanh Hóa: “Trên thực tế, vùng đất Hoằng Giang có Kẻ Triêng, đến phía bên kia là Kẻ Giàng - thành Tư Phố dưới thời quận Cửu Chân đến thời Đinh - Lê - Lý - Trần... Nguyễn chỉ có thể là tuyến đường từ cửa biển Thần Phù vào đi qua các vùng đất như Điền Hộ - Yên Hạnh (Nga Sơn), Đò Thắm, Do Trường (Hậu Lộc), Nghĩa Trang (Hoằng Hóa) và nhập vào Quốc lộ 1A ngày nay đi TP Thanh Hóa. Xưa hơn, con đường bộ thông thương Bắc - Nam qua Thần Phù là Trị Nội, Vân Hoàn (Nga Sơn) - Do Trường (Hậu Lộc) - Trinh Sơn (thuộc Hoằng Giang, Hoằng Hóa ngày nay) mà dân gian quen gọi là con đường Mã Viện. Phải chăng con đường cổ đại này đã gắn liền với câu chuyện rút chạy về phía Nam của An Dương Vương”.
Cũng có kiến giải cho rằng, khi An Dương Vương và Cao Lỗ rút chạy qua đất Hoằng Giang, thấy nơi đây đất đai tốt tươi, một số người họ Cao đi theo đã dừng chân ở lại lập nghiệp. Tưởng nhớ tiền nhân Cao Lỗ, con cháu dòng họ Cao về sau đã lập đền thờ ông trên đất làng Hợp Đồng - nơi có đông đảo người họ Cao sinh sống. Thực tế, ở làng Hợp Đồng, cùng với các họ Nguyễn, Trần, Đỗ, Lê... thì người họ Cao chiếm số lượng khá lớn.
Từ các triều đại phong kiến về sau, Cao Lỗ đã được phong thần. Theo sách Di tích và danh thắng Thanh Hóa: “Năm Trùng Hưng thứ 1 (1285) đời Trần Nhân Tông, thần được sắc phong là “Nghị Vương”; năm Trùng Hưng thứ 4 (1288) gia phong hai chữ “Cương Chính”... đời Trần Anh Tông gia phong hai chữ “Uy Huệ””.
Trên đất làng Hợp Đồng, đền thờ Cao Lỗ nằm ở vị trí gần ngã Ba Đầu - nơi hợp lưu của ba dòng sông (sông Mã, sông Chu, sông Cầu Chày). “Đền thờ Cao Lỗ được coi là một kiến trúc thiêng, bởi vì ở đây có thế đất “tụ thủy” mà tụ thủy cũng có nghĩa là “tụ linh, tụ phúc”, tụ hội tất cả những điều may mắn. Đấy cũng là tình cảm tốt đẹp nhất mà người dân làng Đầu muốn gửi tới thần linh, vì thế mà họ đã dồn nguồn tài sản có thể có được để xây dựng đền thờ Cao Lỗ thành một kiến trúc lớn bậc nhất trong vùng” (sách Di tích và danh thắng Thanh Hóa).
Được lập dựng từ khá sớm, buổi ban đầu vốn tranh tre nứa lá, về sau dựng bằng gỗ kiên cố, đền thờ Cao Lỗ ở làng Hợp Đồng đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Và di tích ở thời điểm hiện tại mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn, dựng theo kiểu chữ “Đinh” với tiền đường và hậu cung. Trong đó, nhà tiền đường 5 gian, 4 vì với các hàng chân cột; kết cấu vì kèo kiểu “chồng rường - giá chiêng”; qua tiền đường là hậu cung kết cấu kiểu “kẻ chuyền”.
Di tích đền thờ Cao Lỗ nổi bật với các mảng chạm khắc gỗ được tạo tác bởi đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân xưa. Trong đó, đề tài chạm khắc là lá cúc cách điệu; cá hóa rồng; chim phượng bay trong mây; hươu ngậm cành lá ngoảnh nhìn về phía sau... Bên cạnh đó là các mảng chạm khắc phổ biến ở các đền thờ xưa như hình hổ phù. Cũng tại đền thờ Cao Lỗ hiện còn lưu giữ ngai thờ, bài vị, đại tự được sơn son thếp vàng, chạm trổ công phu...
Với những giá trị đặc sắc, đền thờ Cao Lỗ trên đất làng Hợp Đồng đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trông coi tại di tích, ông Nguyễn Bá Quý là bậc cao niên làng Hợp Đồng, cho biết: “Đền thờ Cao Lỗ là ngôi đền thiêng, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương. Hằng năm, vào ngày 11, 12 tháng 2 (âm lịch), người dân trong làng, con em xa quê lại tề tựu để cùng nhau tổ chức lễ hội truyền thống nhằm tưởng nhớ ơn đức của thần và cầu mong những điều tốt đẹp...”
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/den-tho-cao-lo-tren-dat-lang-hop-dong-34172.htm