Duy trì hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm
Được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phát động và triển khai từ năm 2016, đến nay chuyên đề 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm' đã, đang được ngành giáo dục, các nhà trường trên địa bàn tỉnh duy trì hiệu quả với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Qua đó tạo môi trường giáo dục công bằng, an toàn, thân thiện đối với trẻ cũng như hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các nhà trường.
Phát huy kết quả đạt được khi thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” ở giai đoạn 1, năm 2021, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành Kế hoạch số 626/KH-BGDĐT thực hiện giai đoạn 2 (giai đoạn 2021-2025). Ngay khi kế hoạch của Bộ GD&ĐT được ban hành, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo phòng chuyên môn, các nhà trường xây dựng kế hoạch, giải pháp sát với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị để triển khai các nội dung theo yêu cầu đặt ra của Bộ GD&ĐT. Theo đó, ngoài làm tốt công tác định hướng để mỗi giáo viên tích cực, chủ động tham gia, các trường mầm non còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đến đông đảo phụ huynh học sinh về nội dung, ý nghĩa của mô hình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Đặc biệt, để tạo môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, các nhà trường đã chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương, đồng thời huy động sự ủng hộ, đồng thuận của các nhà hảo tâm, các bậc phụ huynh học sinh xây dựng không gian bên trong và bên ngoài lớp học đáp ứng tiêu chí xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Cô giáo Phạm Thị Bích, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Lộc (Hậu Lộc), cho biết: Thực hiện chủ trương của ngành, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo giáo viên lựa chọn các hoạt động giáo dục đa dạng, linh hoạt, sáng tạo phù hợp từng độ tuổi, từng nhóm lớp nhằm phát huy cao nhất tính tích cực, sáng tạo và tạo mọi cơ hội cho trẻ được trải nghiệm các hoạt động trong quá trình học... Cùng với đó, nhà trường thường xuyên cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, phương pháp cũng như vận dụng thực tế các quan điểm lấy trẻ làm trung tâm vào giảng dạy; đồng thời tham mưu, kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất, tranh thủ sự ủng hộ kinh phí, đồ dùng, đồ chơi của các bậc phụ huynh học sinh đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ... Với cách làm này, môi trường bên trong và bên ngoài lớp học của nhà trường luôn bảo đảm xanh, sạch, đẹp, an toàn; giáo viên năng động, đổi mới cách thức tổ chức, phương pháp tiến hành các hoạt động giáo dục cho trẻ theo tinh thần “học bằng chơi, chơi mà học”.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm, các trường mầm non trên địa bàn huyện Hà Trung cũng đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất. Đồng thời, tuyên truyền đến phụ huynh học sinh và các tầng lớp Nhân dân nâng cao nhận thức về việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân cùng sự nỗ lực của ngành giáo dục huyện nhà, đến nay đã có 100% trường mầm non trên địa bàn huyện đều được xây dựng theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Nhiều trường học đã cải tạo, nâng cấp khuôn viên sân trường; xây dựng bồn hoa cây cảnh, bổ sung đồ dùng, đồ chơi hằng năm như các trường: Mầm non Hà Ninh, Mầm non Hà Lĩnh...
Tại nhiều địa phương khác trong tỉnh như: Quảng Xương, Yên Định, Thiệu Hóa, Thạch Thành, Ngọc Lặc, TP Thanh Hóa... hoạt động xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm cũng được ngành giáo dục và chính quyền địa phương duy trì với nhiều giải pháp phù hợp điều kiện kinh tế, văn hóa vùng miền. Theo đánh giá từ Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT, từ khi thực hiện chuyên đề, nhiều trường mầm non trong tỉnh đã có sự thay đổi toàn diện về cảnh quan, môi trường bên trong và môi trường bên ngoài lớp học. Mối quan hệ giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với giáo viên, giữa giáo viên với phụ huynh thân thiện, gần gũi. Cũng từ việc thực hiện chuyên đề, nhiều đơn vị trường đã phát hiện những cá nhân điển hình trong việc làm đồ dùng, đồ chơi, trang trí nhóm lớp, tạo môi trường thân thiện cho giáo viên và trẻ cùng tham gia các hoạt động giáo dục. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ và thực hiện phong trào xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/duy-tri-hoat-dong-giao-duc-lay-tre-lam-trung-tam-231285.htm