Dứt khoát và rõ ràng hơn

Theo dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lần thứ 3 nhằm thay thế các Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 80/2023/NĐ-CP vừa được Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được đề xuất không để tại doanh nghiệp đầu mối kinh doanh như hiện nay mà sẽ do Nhà nước nắm giữ. Việc sử dụng quỹ này sẽ theo quy định tại Luật Giá 2023.

Như vậy, quan điểm của Bộ Công Thương về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong dự thảo lần này đã khác, đó là vẫn giữ quỹ nhưng thay vì để doanh nghiệp nắm giữ sẽ chuyển về cho Nhà nước quản lý. Bộ Tài chính hướng dẫn doanh nghiệp chuyển, nộp số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách.

Trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường hoặc cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh..., Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá 2023.

Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến tán thành. Cụ thể, như ý kiến của đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) thì nên để vào một quỹ tập trung do Chính phủ hoặc Bộ Tài chính quản lý. Việc chuyển Quỹ bình ổn xăng dầu về ngân sách phù hợp trong bối cảnh doanh nghiệp đang chịu nhiều rủi ro bởi những quy định về quản lý quỹ, nhất là khi doanh nghiệp phải bù lỗ hoặc bị thanh, kiểm tra. Ngoài ra, phương án này sẽ khắc phục những bất cập về sử dụng quỹ, minh bạch thông tin.

Ý kiến khác cũng cho rằng, khi đưa Quỹ này về một đầu mối sẽ giúp quản lý tập trung và trách nhiệm các bên sẽ được làm rõ khi xảy ra thất thoát. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần cơ chế giám sát để công khai, tránh thất thoát và chiếm dụng tiền của người dân.

Quỹ Bình ổn xăng dầu được lập theo Nghị định số 84/2009 về kinh doanh xăng dầu và các nghị định sửa đổi sau này. Quỹ không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước và do 36 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tự thu chi, quản lý tại tài khoản ngân hàng. Mức trích lập và chi do cơ quan quản lý quyết định tại mỗi kỳ điều hành.

Tuy nhiên, theo đánh giá, việc sử dụng Quỹ thời gian qua còn nhiều bất cập, sai phạm. Điển hình nhất, như kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi cuối năm 2023 là có 7 đầu mối xăng dầu sử dụng sai mục đích, không kết chuyển tiền về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp với số tiền gần 7.930 tỷ đồng. Thậm chí một số chủ doanh nghiệp còn chiếm dụng, sử dụng trái phép tiền từ Quỹ cho các mục đích cá nhân.

Bất cập nữa là tại nhiều thời điểm, giá các mặt hàng biến động trái chiều dẫn đến bất bình đẳng. Ví dụ như khi giá xăng tăng phải lấy quỹ bình ổn để bù nhưng giá dầu diesel giảm phải trích vào quỹ. Như vậy, người dùng dầu diesel phải bù cho người dùng xăng. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp bị âm quỹ bình ổn do bán các mặt hàng phải bù quỹ nhiều hơn.

Bộ Công Thương từng thừa nhận rằng, thời gian qua, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã bộc lộ nhiều bất cập. Do đó, đã đến lúc cơ quan quản lý cần có “thái độ” dứt khoát và rõ ràng hơn là nên giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì nếu theo phương án mà Bộ Công Thương đề xuất khi dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lần thứ 3 này, vai trò của quỹ sẽ mờ nhạt vì không sử dụng thường xuyên, không còn nhiều tác dụng bình ổn thị trường.

Việc bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã từng được một số chuyên gia và doanh nghiệp đề cập đến từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Bởi vậy, vấn đề quan trọng, như góp ý Bộ Công an là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần đánh giá kỹ vai trò, tác dụng của Quỹ trong thực hiện mục tiêu ổn định giá xăng dầu trong nước trước các biến động đột ngột về giá của thị trường xăng dầu thế giới và sự phù hợp giữa các quy định về quỹ với quy định của pháp luật. Trong trường hợp tiếp tục duy trì cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung vào dự thảo nghị định, quy định chặt chẽ việc trích lập, sử dụng và quản lý quỹ.

Hân Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/dut-khoat-va-ro-rang-hon-i381783/