Đừng để tư duy 'mua phần cứng' cản trở phát triển khoa học công nghệ

Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trăn trở một thực trạng buồn khi phần lớn trong 25.000 tỷ đồng ngân sách mới được đề xuất chi cho xây dựng và mua sắm máy móc, trong khi chi cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo quá nhỏ.

Chuyển dịch chiến lược để bứt phá

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 sáng ngày 14/7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau khi sáp nhập với Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ KH&CN mới mang sứ mệnh quan trọng: đưa Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới – giai đoạn phát triển dựa trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, để đưa đất nước từ mức thu nhập trung bình cao trở thành quốc gia có thu nhập cao.

Để thực hiện được sứ mệnh đó cần có những chuyển dịch mang tính chiến lược. Trong đó, bưu chính phải trở thành hạ tầng logistics quốc gia, bảo đảm dòng chảy vật chất nhanh chóng, chính xác, an toàn đến tận tay doanh nghiệp, người tiêu dùng, song hành cùng dòng chảy dữ liệu.

Viễn thông phải trở thành hạ tầng số để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Hạ tầng số phải được phổ cập, có băng thông siêu rộng, dung lượng siêu lớn, đồng thời phải xanh và an toàn. Còn chuyển đổi số phải tạo ra tăng trưởng kinh tế từ 1-1,5%.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang làm chuyển đổi số theo kiểu "công nghệ thông tin", tức là vẫn mua sắm thiết bị, nhưng lại không thay đổi quy trình vận hành. Một dịch vụ công trực tuyến mà không thay đổi quy trình vận hành thì không thể trở thành dịch vụ công trực tuyến đúng nghĩa.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm nay Nhà nước đã cấp thêm 25.000 tỷ đồng cho Bộ KH&CN để chi cho KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nhưng khi các bộ, ngành và địa phương trình dự án lên, cá nhân ông cảm thấy buồn bởi với lĩnh vực khoa học công nghệ, 80% đề xuất là để xây nhà, mua máy móc, chỉ có 20% là dành cho nghiên cứu.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.

"Kể cả với lĩnh vực chuyển đổi số, 70% đề xuất cũng là để mua máy móc, mua phần cứng mà không thấy chi cho các nền tảng phần mềm hay cho đổi mới sáng tạo", người đứng đầu Bộ KH&CN nói.

Bộ trưởng lưu ý, trong chuyển đổi số, ít nhất phải dành 10% ngân sách cho việc nghiên cứu và sửa đổi các quy trình. Nếu không có 10% này thì 90% còn lại sẽ là "xuống sông xuống biển". Việc chi tiền cho chuyển đổi số mà không thay đổi mô hình vận hành thì chỉ làm khổ người dân, làm khổ chính những người phải sử dụng các phần mềm đó.

Liên quan đến lĩnh vực đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng cho biết, đây là lĩnh vực được kỳ vọng nhất mang lại tăng trưởng kinh tế, tạo ra những hành động thực tế từ ứng dụng khoa học công nghệ. Tuy vậy, khi được phân bổ 8.000 tỷ đồng (khoảng 1/3 của 25.000 tỷ), thì các đề xuất chỉ dám dùng 3%, còn xin phép trả lại 97%.

"Thực trạng này cho thấy một điều đáng suy ngẫm: cứ cái gì động đến đổi mới, động đến thực chất thì đều "ngại". Còn cái gì là vật chất, dễ làm theo kiểu truyền thống thì lại chi rất mạnh. Đây chính là hiện trạng của chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta cứ nói những điều rất lớn lao nhưng khi nhìn vào các đề xuất cụ thể, chúng ta sẽ biết ngay các địa phương, các bộ, ngành đang thực sự nghĩ gì. Tóm lại, vẫn là tư duy mua phần cứng", Bộ trưởng nêu.

Theo Bộ trưởng, KHCN phải hướng tới kết quả cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Cần phải đặt ra những mục tiêu cụ thể: Nhà nước chi 1 đồng cho nghiên cứu, thì kết quả đó khi đến được doanh nghiệp phải tạo ra 10 đồng doanh thu mới. Tương tự, 1 đồng Nhà nước chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) phải kéo theo được 3 đến 4 đồng từ phía doanh nghiệp.

Luật Khoa học và Công nghệ đã tạo ra những cơ chế rất mạnh mẽ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào R&D. Cụ thể, nếu một doanh nghiệp bỏ ra 10 đồng chi cho khoa học công nghệ, Nhà nước sẽ hoàn lại cho họ 4 đồng thông qua chính sách thuế. Về bản chất, doanh nghiệp chỉ phải chi 6 đồng.

Người đứng đầu Bộ KH&CN cho biết thêm, đổi mới sáng tạo là con đường để ứng dụng công nghệ vào cuộc sống. Từ ứng dụng, đổi mới, chuyển giao, nâng cao hiệu suất, cải tiến và tiến tới sáng tạo công nghệ, tất cả đều là con đường để tăng năng suất lao động. Đổi mới sáng tạo phải giúp Việt Nam tăng trưởng 3% GDP. Để làm được điều này, mỗi bộ, ngành, mỗi địa phương đều phải có một trung tâm đổi mới sáng tạo.

Toàn ngành KHCN đã cam kết với Chính phủ và đất nước sẽ đóng góp 5% vào tăng trưởng. Nếu Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 10% thì khoảng 5% sẽ đến từ ngành KHCN.

Với sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển dịch từ bảo vệ quyền sang thương mại hóa, tài sản hóa các kết quả nghiên cứu. Một quốc gia phát triển là quốc gia có tới 80% tài sản là tài sản trí tuệ. Chúng ta cần xây dựng nhận thức xã hội, đạo đức xã hội, văn hóa xã hội về sở hữu trí tuệ. Ăn cắp ý tưởng, sáng chế cũng như ăn cắp trong xã hội, là vấn đề vi phạm đạo đức, cần bị lên án và trừng phạt...

Hành lang pháp lý sẵn sàng

Theo người đứng đầu Bộ KH&CN, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa qua đã thông qua 5 luật sửa đổi quan trọng liên quan đến ngành với nhiều điểm mới quan trọng. Các nghị định và thông tư hướng dẫn sẽ được ban hành ngay trong năm 2025 và có hiệu lực cùng ngày với luật.

Từ nay đến cuối năm 2025, Bộ KH&CN sẽ phải hoàn thành và thông qua thêm 4 luật, bao gồm 1 luật mới là Luật Chuyển đổi số và 3 luật sửa đổi là Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Sở hữu trí tuệ. Các luật này phải tạo thành một hệ sinh thái pháp lý hoàn chỉnh.

"Với 9 luật được thông qua trong năm 2025 và 3 luật đã có từ trước, chúng tôi hy vọng hành lang pháp lý của ngành sẽ thực sự thông thoáng. Nếu còn vướng mắc, chúng ta đã có cơ chế "sandbox về thể chế", cho phép Chính phủ ban hành Nghị định để tháo gỡ khó khăn trong 2 năm trước khi trình Quốc hội sửa đổi.

Bây giờ là lúc chúng ta hãy làm, làm thật nhiều và làm những việc lớn hơn. Hãy hướng đến kết quả cuối cùng là tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và năng lực quản trị quốc gia", Bộ trưởng chỉ đạo.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/dung-de-tu-duy-mua-phan-cung-can-tro-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe/20250714031646349