Đừng để những khó khăn của ngành y trở thành bệnh 'mãn tính'

Những khó khăn của ngành y có nguy cơ trở thành căn bệnh 'mãn tính' ngày đêm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng điều trị, đe dọa sức khỏe và niềm tin toàn dân.

Cuối năm 2022, thưa chuyện với Đoàn đại biểu Quốc hội, PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Y học TP.HCM, cho rằng từ lúc có chủ trương xã hội hóa chăm sóc y tế, nhiều vấn đề đã phát sinh do những quy định chưa rõ ràng, hành lang pháp lý mơ hồ. Những lỗ hổng trong các khâu quản lý và giám sát, kiểm tra đã dẫn đến vận dụng sai. Dù cố ý hay không đều nhận hậu quả đau lòng. Nhiều trí thức thầy thuốc ưu tú đã sai phạm, vướng vòng lao lý.

Bước qua tháng Hai năm nay, những cái khó “kinh niên” tiếp tục xuất hiện tại tọa đàm “Ngành Y vượt khó” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 23.2. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên xác định một trong chín khó khăn chưa được khắc phục triệt để, vẫn là tình trạng cơ sở y tế thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị.

Trong lúc chờ Quốc hội có giải pháp trước mắt cũng như định hướng lâu dài giải quyết các vướng mắc, dư luận tiếp tục thảng thốt bởi tuyên bố “chấn động” của Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - Bác sĩ Nguyễn Tri Thức khi cảnh báo bệnh viện tuyến cuối của cả phía Nam có nguy cơ “đóng cửa” vì thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa, không đủ hóa chất, vật tư tiêu hao phục vụ chẩn đoán và điều trị… ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám, chữa bệnh. Nguyên nhân là do vướng các thủ tục trong quản lý giá trang thiết bị y tế cũng như các quy định liên quan đấu thầu.

Là bệnh viện tuyến cuối khu vực phía Nam, trung bình mỗi ngày bệnh viện khám và điều trị cho khoảng 10.000 lượt người nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy có nguy cơ ngưng hoạt động. Ảnh: BVCC

Chung quy hệ thống y tế công đang bị “tê liệt” bởi nỗi ám thị: sợ… mua sắm, dù cái gì cũng đang quá thiếu. Thầy thuốc e ngại phải lãnh trách nhiệm hình sự nếu “lạng quạng” trong cả ba công tác trang bị máy mới; bảo hành, bảo trì thiết bị hỏng hóc hoặc mua hóa chất, vật tư tiêu hao để vận hành máy cũ.

Ai cũng biết tuân thủ đúng pháp luật thì chẳng bao giờ lo bị sờ gáy. Thế nhưng, các quy định đang ít bám vào thực tế, trong đó có mức độ cần nghiên cứu sâu là thực tế điều trị. Thật vậy, trong câu chuyện này, cứu cánh của hành lang pháp lý đều cốt làm sao cho việc chi tiêu ngân sách bảo đảm hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nhất. Luật Đấu thầu hay các thông tư, nghị định liên quan quản lý trang thiết bị y tế đang chỉ hướng đến “dựng rào”, mà thiếu bố trí “cổng kiểm soát” phù hợp với những đòi hỏi điều trị.

Tương tự như thuốc men, muốn đạt chất lượng và hiệu quả sử dụng, khi mua sắm trang thiết bị y tế cần tuyệt đối xây dựng cấu hình dựa trên ý kiến về thói quen, kỹ năng, nhu cầu và đòi hỏi chuyên môn của nhà điều trị. Bởi họ mới là người có đủ hiểu biết, kinh nghiệm sử dụng trực tiếp trên bệnh nhân của mình và nhất là không có “lợi ích” nào ngoài lợi ích người bệnh. Hiện công tác đấu thầu tại các bệnh viện có thành lập hội đồng khoa học. Tuy nhiên cứ nhìn vào thực tế, phải chăng trong phần lớn trường hợp, hội đồng này thường chỉ thống nhất cấu hình kỹ thuật theo “ý chỉ đạo” nào đó?

Về logic nhằm tìm ra giá thấp nhất, quy định bệnh viện phải có đủ 3 bảng báo giá để có thể tiến hành đấu thầu mua sắm mới cũng như sửa chữa, bảo trì trang thiết bị là không sai. Nhưng “hàng rào” này đang làm mọi thứ đình trệ. Giới chuyên môn đều biết, do yêu cầu năng lực công ty, chi phí đào tạo đội ngũ nhân viên, kỹ thuật lành nghề, nên đa số các hãng máy nước ngoài đều chỉ có một nhà phân phối ủy quyền ở Việt Nam, bằng không thì họ trực tiếp đứng ra bán.

Như vậy, ví dụ một bệnh viện đang sử dụng các máy chụp CT, máy xét nghiệm sinh hóa của một hãng, vậy lấy đâu ra 3 báo giá để có thể bảo hành, bảo trì hoặc mua hóa chất, vật tư tiêu hao? Nếu ép phải có 3 báo giá, vô hình chung chính sách đang ép người ta “gian lận” cạy cục, nhờ vả công ty này, đơn vị kia “chế” ra bảng giá hòng… đúng quy định?!

Đó cũng là lý do trong quá trình thu thập cở sở để xây dựng giá gói thầu, Bệnh viện Chợ Rẫy đã gửi kiến nghị và vẫn đang chờ Bộ Y tế, Bộ Tài hướng dẫn cho các tình huống họ đang gặp. Cụ thể, phải làm thế nào trong trường hợp bệnh viện có báo giá của đơn vị A cung cấp thấp hơn giá được kê khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế do chính A đưa ra? Trường hợp hai, bệnh viện có báo giá của đơn vị A cung cấp thấp hơn giá trên cổng thông tin do công ty B kê khai? Trường hợp ba, bệnh viện chỉ có duy nhất giá được kê khai trên cổng thông tin của bộ, nghĩa là không có doanh nghiệp nào báo giá cho chủ đầu tư?

Có vẻ quy định “3 báo giá” chỉ có ý nghĩa đối với công tác đấu thầu mua sắm thiết bị mới khi giúp loại bỏ khả năng thiết lập cấu hình “cho” đúng một hãng máy, dẫn đến chỉ có duy nhất một nhà thầu đại diện cho hãng đó tham gia. Nhưng vấn nạn này vẫn có cách tiếp cận mang tính kinh tế hơn là hành chính hóa từ đề xuất của một số doanh nghiệp.

Theo đó, bản chất của vấn đề là đi tìm giải pháp loại bỏ tình trạng chênh lệch quá cao giữa giá nhập và giá trúng thầu, tránh tham nhũng, thất thoát. Vậy doanh nghiệp đề xuất Nhà nước có thể cho “chỉ định thầu” một nhà phân phối thôi và khống chế mức lợi nhuận là bao nhiêu %, miễn sao tính toán đủ cho các chi phí đào tạo, bảo hành, bảo trì để doanh nghiệp sống được.

Thực tế, các doanh nghiệp vẫn thỏa thuận ngầm với nhau mức này là từ 30-50% trên giá bán ra. Và không ai làm ăn đàng hoàng muốn lợi nhuận cao hơn vì phải gánh thuế và vì muốn tồn tại bền lầu nên rất sợ “ăn lời” trên tiền ngân sách. Cách tính này gần với quy trình mà Bộ Y tế đang thực hiện cổng thông tin điện tử công khai giá. Giá chính thức này được cấu thành dựa trên liệt kê chi phí và lợi nhuận mong muốn của công ty nhập khẩu. Lợi nhuận mong muốn cũng được xác định phải bằng với lợi nhuận của ba năm gần nhất mà doanh nghiệp đã công bố trong báo cáo tài chính hàng năm.

Trở lại vấn đề vì sao bản thân doanh nghiệp cũng không muốn lợi nhuận quá cao, nhưng giá trúng thầu trong thời gian qua lại ngất ngưởng “trên trời”? Đó chính là vì thị trường cung cấp trang thiết bị cho bệnh viện công đang phải gánh nhiều “chi phí ngầm”.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, ngành y tế là một ngành đặc thù, cần sự linh động để đáp ứng kịp thời những nhu cầu cấp bách về sức khỏe của người dân. Việc thực hiện theo những quy định hay cơ chế vận hành có thể không phù hợp vào từng thời điểm.

Qua báo chí mới đây, bên cạnh kiến nghị bộ ngành khẩn trương cấp mới, cấp lại, gia hạn số lưu hành, giấy phép nhập khẩu cho các công ty nhập khẩu để bệnh viện nhanh chóng có vật tư y tế, hóa chất điều trị người bệnh, ông Nguyễn Tri Thức cũng đề nghị giải pháp lâu dài là xây dựng luật đấu thầu riêng cho ngành y tế hoặc bổ sung chương đấu thầu y tế trong Luật Đấu thầu chung.

Cũng trong chiều hướng trên, nguyên Bí thư Thảnh ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân từng đề xuất, ngoài Luật Doanh nghiệp, Quốc hội nên xem xét xây dựng Luật Đơn vị sự nghiệp và phải đồng bộ với luật đặc thù từng ngành của các đơn vị sự nghiệp, gồm giáo dục, y tế, khoa học, văn hóa.

Ngày 27.2 vừa qua do vậy chưa trọn vẹn khi những khó khăn của ngành y có nguy cơ trở thành căn bệnh “mãn tính” ngày đêm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng điều trị, đe dọa sức khỏe và niềm tin toàn dân.

Quốc Ngọc

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dung-de-nhung-kho-khan-cua-nganh-y-tro-thanh-benh-man-tinh-38554.html